PGS. TS Đỗ Ngọc Thống chia sẻ, từ năm 2025 kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi tuyển sinh vào lớp 10 của các địa phương sẽ thay đổi theo yêu cầu mới.
Trước đó khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ lớp 6 (2022) đến các lớp 7, 8, 10, 11 đã thực hiện theo yêu cầu này.
Điểm mới đáng lưu ý nhất là yêu cầu học sinh viết nghị luận văn học với ngữ liệu mới, không sử dụng lại các văn bản đã học trong 3 bộ sách giáo khoa (theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018).
Trước yêu cầu mới này, nhiều thầy cô băn khoăn, lo lắng, cho rằng học sinh sẽ gặp nhiều khó khăn, bài làm sẽ không tốt và dẫn đến kết quả thi hạn chế... Đó là một thực tế cần xem xét, đánh giá để có một cách nhìn và các giải pháp phù hợp. Có thể thấy trước một số hệ quả của việc đổi mới đề thi này như sau:
Thứ nhất, bài viết nghị luận văn học của đa số học sinh sẽ không dài, ý tứ nghèo nàn... Vì trước một văn bản mới, các em phải tự nghĩ ra ý của mình và diễn đạt theo văn phong của chính mình, không sao chép ở đâu được. Không phải ai cũng nghĩ được nhiều ý, nhiều nội dung phù hợp trước một vấn đề, một tác phẩm văn học.
Thứ hai, rất nhiều bài viết của học sinh sẽ mắc lỗi diễn đạt vụng về, ngô nghê, ý tứ lộn xộn, lan man dài dòng,"ông chẳng bà chuộc"... Vì không phải ai cũng diễn đạt được các ý mình đã nghĩ một cách sinh động, phong phú và rõ ràng mạch lạc.
Thứ ba, rất nhiều bài viết của học sinh còn mắc lỗi chính tả, ngữ pháp, chữ viết còn mịt mù, khó đọc và trình bày chưa đúng quy cách... Tóm lại cả nội dung và hình thức, nhiều bài viết nghị luận văn học của học sinh còn mắc lỗi. Thực ra những lỗi này, ngay cả thi theo cách cũ vẫn nhiều học sinh mắc phải. Tuy nhiên, thi theo yêu cầu mới sẽ có nhiều cái được như:
- Đề thi thể hiện đúng yêu cầu đánh giá năng lực người học theo định hướng của Chương trình 2018: Đánh giá kết quả vận dụng cái đã học vào một bối cảnh mới, có ý nghĩa.
- Kết quả đánh giá phản ánh trung thực, khách quan: bảo đảm bài viết đó là sản phẩm của chính mỗi học sinh, ý tứ và văn phong của chính mỗi thí sinh.
- Kì thi sẽ phân hóa được trình độ và năng lực; cũng sẽ có rất nhiều bài viết tốt, thể hiện được năng lực viết, trình độ cảm thụ, tiếp nhận văn học của học sinh; khuyến khích được những học sinh giỏi môn Ngữ văn.
- Cái được lớn nhất là học sinh phải suy nghĩ và diễn đạt bằng cái đầu của mình, không viết và nói theo người khác. Từ đó giáo dục các em đức tính trung thực, dám nghĩ, dám sáng tạo, không đạo văn, biết tôn trọng sản phẩm của người khác,...
Kết quả viết bài nghị luận văn học, theo PGS. TS Đỗ Ngọc Thống sẽ là: khoảng 50% chỉ đạt điểm trung bình; 30% của số còn lại sẽ bị điểm kém và 20% sẽ đạt điểm khá giỏi. Trước yêu cầu đổi mới và thực tiễn dạy học hiện nay, PGS. TS Đỗ Ngọc Thống nghĩ:
- Cần tôn trọng và chấp nhận sự phân hóa này, không nên chỉ trích năm nào kết quả điểm thi môn Ngữ văn cũng cao ngất ngưởng, như năm 2024, điểm thi trung bình 9.0 mà vẫn chưa đỗ vào khoa Ngữ văn của một số trường đại học.
- Các thầy cô giáo cần kiên trì, rèn luyện cho học sinh cách thức đọc hiểu và cách viết một văn bản theo Chương trình đã đề ra. Chỉ dạy và học cách thức, phương pháp, từ đó vận dụng, rèn luyện nhiều thì mới đạt được kết quả theo hướng đánh giá mới: đánh giá theo năng lực người học.
Hãy mạnh dạn thay đổi, thà chỉ thu được những bài văn có thể còn thiếu sót nhưng là bài văn của chính người học, thể hiện đúng những suy nghĩ, tình cảm của chính các em; còn hơn là tiếp tục phải chấm những bài văn của chính các thầy; những bài văn viết rất dài, bay bổng, uyên bác nhưng là do học thuộc và chép lại văn của người khác.
Hãy tôn trọng sự thật, đừng vì bệnh hình thức.