Dân Việt

3 cây cầu hơn 16.000 tỷ đồng, khi nào khởi công?

Diệu Bình 27/08/2024 10:44 GMT+7
3 cây cầu với tổng mức đầu tư hơn 16.000 vừa được TP.HCM xác định thời điểm khởi công vào dịp 30/4/2025.

UBND TP.HCM vừa thống nhất điều chỉnh, bổ sung danh mục các chương trình, công trình, dự án thi đua tiêu biểu cấp thành phố chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).

Theo đó, TP.HCM sẽ có 61 công trình thuộc 6 nhóm lĩnh vực hoàn thành hoặc khởi công dịp 30/4/2025.

Trong đó, đáng chú ý là 3 cây cầu gồm: cầu Thủ Thiêm 4, cầu đi bộ qua sông Sài Gòn, cầu Cần Giờ với tổng vốn đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng vừa được UBND TP.HCM xác định thời điểm khởi công vào dịp 30/4/2025.

Cụ thể, cầu Thủ Thiêm 4 vượt sông Sài Gòn kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức) sang Quận 7 dài 2,16 km (phần cầu chính hơn 1,6 km).

Trong công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải để xin ý kiến về phương án đầu tư cầu Thủ Thiêm 4, UBND TP.HCM cho biết sẽ xây cầu rộng 6 làn xe, tĩnh không thông thuyền cố định 15 m, không còn giải pháp nâng hạ.

img

Khu vực quy hoạch cầu Thủ Thiêm 4 vượt sông Sài Gòn. Ảnh: Sở GTVT TP.HCM

Tổng mức đầu tư cầu Thủ Thiêm 4 khoảng 4.840 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2028 rút ngắn thời gian từ Thủ Đức và Bình Thạnh qua các quận 7, 8, Nhà Bè, Bình Chánh.

Công trình cũng giúp giảm áp lực trên các trục đường hiện hữu như Tôn Đức Thắng, Nguyễn Tất Thành, cầu Khánh Hội, Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh.

Cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn kết nối công viên bến Bạch Đằng (Quận 1) với công viên bờ sông Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Thủ Đức).

Cầu dài khoảng 261 m với nhịp chính là vòm treo dây văng dài khoảng 187 m, dầm bằng thép. Mặt cắt ngang của cầu chính có chiều rộng thay đổi 7 - 11 m.

Tổng mức đầu tư của dự án cầu đi bộ là 996,9 tỷ đồng, do một doanh nghiệp tài trợ toàn bộ chi phí. Hiện doanh nghiệp đã hoàn thiện hồ sơ đề xuất dự án và được thẩm tra bởi Công ty TNHH tư vấn và xây dựng Đại học Giao thông Vận tải.

img

Mô phỏng dự án cầu đi bộ qua sông Sài Gòn. Ảnh: Sở GTVT TP.HCM

Sở GTVT TP.HCM mới đây đã kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư và giao các đơn vị liên quan điều chỉnh quy hoạch chi tiết, chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất phù hợp với phương án thiết kế cầu.

Theo phương án kiến trúc được thành phố phê duyệt, cầu đi bộ có hình tượng lá dừa nước - hình ảnh đặc trưng ở Nam Bộ. Thiết kế này được cho sẽ gây ấn tượng mạnh khi nhìn từ trên cao, phối cảnh lá dừa khổng lồ nổi bật giữa lòng sông, nối liền khu trung tâm hiện hữu sang trung tâm mới của thành phố trong tương lai - Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Cầu Cần Giờ vượt sông Soài Rạp, nối huyện Cần Giờ qua Nhà Bè dài khoảng 7,3 km, nối từ đường 15B (song song Huỳnh Tấn Phát, huyện Nhà Bè), sau đó vượt sông nối vào đường Rừng Sác ở Cần Giờ. Tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 10.500 tỷ đồng theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Mới đây, Thường trực Thành ủy TP.HCM thống nhất chủ trương điều chỉnh phương án thiết kế kiến trúc cầu Cần Giờ từ dạng dây văng một trụ tháp sang hai trụ tháp.

img

Phối cảnh cầu Cần Giờ. Ảnh: Sở GTVT TP.HCM

Cầu Cần Giờ dự kiến hoàn thành năm 2028 thay thế phà Bình Khánh, kết nối huyện đảo duy nhất TP.HCM vào khu vực trung tâm. Ngoài kết nối giao thông, cầu thúc đẩy phát triển dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ và Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.