UBND huyện Bình Chánh (TP.HCM) đang thực hiện đề án bảo vệ môi trường làng nghề mai vàng Bình Lợi. Đến nay, xã Bình Lợi - nơi có làng nghề mai vàng Bình Lợi đã tổ chức thành lập 4 tổ tự quản về môi trường.
Các tổ này thực hiện hướng dẫn hộ gia đình trong làng nghề, các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động. Đồng thời hướng dẫn cách lưu chứa chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động theo quy định tại Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 10/1/2022.
Tổ bảo vệ môi trường tự quản còn ghi nhận những vấn đề lưu chứa chất thải phát sinh trong lúc hoạt động của các hộ dân, phản hồi kịp thời cho Thường trực UBND xã và tổng hợp báo cáo cho UBND huyện.
Đồng thời, tham gia kiểm tra, giám sát hiện trạng hoạt động, tình hình lưu chứa chất thải tại các điểm tiếp nhận chất thải nguy hại, phát hiện dấu hiệu về ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường hoặc các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong làng nghề.
Các tổ này còn phối hợp với Ban ngành Đoàn thể xã tổ chức định kỳ hoạt động “Đổi vỏ chai, bao thuốc bảo vệ thực vật lấy quà”, khuyến khích người dân trồng mai tại làng nghề duy trì thói quen, hưởng ứng hoạt động.
Bên cạnh đó, phối hợp với điểm cung ứng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn xã tổ chức hoạt động "Đổi vỏ chai, bao thuốc bảo vệ thực vật lấy quà”. Tại đây tuyên truyền, vận động các hộ dân tại làng nghề sau khi sử dụng xong các bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật, thực hiện lưu chứa vào túi đựng riêng, đem lại các điểm cung ứng thực hiện đổi quà. Các điểm cung ứng vừa là nơi bán thuốc bảo vệ thực vật, vừa là nơi tiếp nhận vỏ, bao bì thuốc.
Các tổ bảo vệ môi trường tự quản còn có nhiệm vụ triển khai các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, đối với các hộ gia đình trong làng nghề trồng mai vàng. Hướng dẫn các hộ gia đình thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, các biện pháp lưu chứa chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất. Lắp đặt thêm các thùng rác màu vàng, dành riêng cho thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng để người dân dễ phân loại.
Ngoài ra, nhiệm vụ của các tổ này là công bố thông tin về hiện trạng môi trường, công tác bảo vệ môi trường làng nghề trên các phương tiện thông tin của địa phương thông qua Đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương và trong các cuộc họp của UBND, HĐND cấp xã. Phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, Công ty TNHH DVCI trong việc triển khai lộ trình tiếp nhận các loại chất thải nông nghiệp đã qua sử dụng để xử lý theo đúng quy định.
Được biết, làng nghề mai vàng Bình Lợi hình thành từ năm 2000. Người dân trên địa bàn xã ban đầu chuyển đổi sang trồng cây mai vàng với diện tích khoảng 3ha, đến nay hàng năm, diện tích cung cấp mai Tết tăng từ 30ha đến 50ha với khoảng 210.000 cây. Thu nhập bình quân 350.000.000 đồng/ha/năm; lực lượng lao động tham gia hoạt động trồng và mua bán cây mai vàng có việc làm và thu nhập ổn định.