Nguyên tác "Tây Du Ký" miêu tả sổ sinh tử là cuốn sách bí mật tối cao của địa phủ dưới sự cai quản của Diêm Vương, ghi lại sự kết thúc và bắt đầu vòng đời của mọi sinh vật ở dương gian. Khi ngày tử ghi trong sổ đã đến, Diêm Vương sẽ sai âm binh đưa hồn phách người chết xuống địa phủ để tiếp nhận thẩm phán.
Trong phim "Tây Du Ký" năm 1986 có chi tiết Tôn Ngộ Không sau khi uống say, linh hồn của hắn bị Hắc Bạch Vô Thường đưa đến địa ngục. Khi nghe Hắc Bạch Vô Thường nói tuổi thọ của mình đã hết, Tôn Ngộ Không rất tức giận vì cho rằng bản thân đã được bất tử sau khi học được phép thuật của Bồ Đề Tổ Sư. Hắn nói: "Lão Tôn này đã vượt ra ngoài ba cõi, không còn ở trong ngũ hành, đâu còn thuộc Diêm Vương quản lí nữa. Cớ sao dám hồ đồ đến bắt ta?". Với bản lĩnh của mình, hắn đã đại náo địa phủ, ép Diêm Vương giao sổ sinh tử để trực tiếp xóa tên của mình và những con khỉ khác trong sổ sinh tử.
Sau khi đại náo địa phủ, hắn kiêu ngạo với danh tự xưng Tề Thiên Đại Thánh, vang dội đến mức không ai có thể thách thức địa vị tối cao của hắn. Nhưng Tôn Ngộ Không không bao giờ ngờ rằng suy nghĩ ngây thơ của mình lại bị hiện thực tàn phá nặng nề. Giữa trời và đất từ lâu đã luôn có những thế lực huyền bí không chịu sự thống trị của Tam giới trong đó có "Hỗn Thế Tứ Hầu".
Trong hồi thứ 58 của "Tây Du Ký", kiếp nạn "Thật giả Mỹ Hầu Vương", Tôn Ngộ Không thật và giả giao tranh bất phân thắng bại. Kính chiếu yêu của Thác Tháp Lý Thiên Vương (Lý Tịnh) cũng không thể phân ra thật giả, Quan Âm cũng không nhận ra, Địa Tạng Vương Bồ Tát không dám nói, ngay cả gậy như ý cũng có hai cây.
Tôn Ngộ Không thật và giả đánh nhau tới tận Linh Sơn Đại Lôi Âm Tự, cả hai sau đó nhờ Như Lai Phật Tổ đến phân biệt. Tại Lôi Âm Tự, Như Lai đã nói: "Quan Âm Tôn Giả, hãy nhìn hai hành giả kia, ai là người thật?". Bồ Tát nói: "Đệ tử cũng không thể phân biệt. Hắn đến thiên cung, địa phủ cũng không có kết quả. Cuối cùng đành bái kiến Như Lai, phân biệt thật giả cho bằng được". Cuối cùng Như Lai nói: "Trời đất có Ngũ tiên gồm Thiên, Địa, Thần, Nhân, Quỷ. Có Ngũ trùng gồm Luy, Lân, Mao, Vũ, Côn; còn có Hỗn Thế Tứ Hầu không thuộc mười loại này. Hỗn Thế Tứ Hầu gồm Lục Nhĩ Di Hầu, Xích Khao Mã Hầu, Thông Túy Viên Hầu và Linh Minh Thạch Hầu".
Từ lời của Như Lai có thể hiểu, ngoài Tôn Ngộ Không thì vẫn còn 3 con khỉ khác. Luận về nguồn gốc của Tôn Ngộ Không, chúng ta đều biết đây là một con khỉ sinh ra từ một viên đá ngũ sắc của Nữ Oa, sau khi hấp thụ linh khí của trời đất trong nhiều năm. Tuy nhiên, ở kiếp nạn phải đối mặt với Lục Nhĩ Di Hầu - kẻ mạo danh Tôn Ngộ Không chẳng những giống y như đúc còn lập một đoàn đi thỉnh kinh mới, đây được coi là một trong những kiếp nạn kinh hãi nhất đối với 4 thầy trò Đường Tăng. Sự xuất hiện của nhân vật nguy hiểm này cũng làm sáng tỏ sự thật không chỉ có Tôn Ngộ Không là con khỉ duy nhất được sinh ra từ đá thần của Nữ Oa. Tổng cộng có 4 con khỉ đá trong đó Tôn Ngộ Không là Linh Minh Thạch Hầu sinh cuối cùng và là "em út" trong số Hỗn Thế Tứ Hầu.
Về Tôn Ngộ Không, hắn chính là Linh Minh Thạch Hầu, thông biến hóa, biết thiên thời, hiểu địa lợi, di tinh hoán đẩu. Nhưng kỳ thực Tôn Ngộ Không lại yếu nhất trong nhóm Tứ Hầu, vì cơ duyên may mắn được bái làm đồ đệ của Bồ Đề Tổ Sư nên học được 72 phép biến hóa, ngẫu nhiên luyện được thân thể Kim cang bất hoại nhờ ăn trộm quá nhiều tiên đan của Lão Quân. Điểm sáng trong tính cách của Tôn Ngộ Không chính là sự hướng thiện, biết học hỏi từ những sai lầm và liên tục sửa chữa những khuyết điểm của mình để trở nên hoàn thiện hơn. Từ một kẻ ngông cuồng đến lúc đắc đạo thành Đấu Chiến Thắng Phật là cả một quá trình dài, nên không sai khi nói sự phát triển tính cách, nội tâm của Tôn Ngộ Không cũng là khía cạnh đáng để suy nghĩ khi thưởng thức tác phẩm Tây Du Ký.
Tại kiếp nạn "Thật giả Mỹ Hầu Vương", khi nói về Lục Nhĩ Mỹ Hầu, đây là con khỉ giỏi lắng nghe âm thanh, biết quan sát, tinh tường vạn vật. Phép thuật biến hóa của Lục Nhĩ Mỹ Hầu cao thâm đến mức có thể qua mặt được gương chiếu yêu của Thác Tháp Lý Thiên Vương Lý Tịnh và tuệ nhãn của Quan Thế Âm Bồ Tát. Thậm chí người đứng đầu thiên giới là Ngọc Đế cũng không phân biệt được.
Khi Tôn Ngộ Không thật và giả đánh xuống địa phủ, tuy Đế Thính và Địa Tạng Vương Bồ Tát có thể nhìn thấy trắng đen thị phi của Tam giới nhưng không dám tiết lộ chân tướng, chỉ đành chờ Như Lai đích thân xử lý. Nhiêu đây thôi cũng đủ thấy Lục Nhĩ Mỹ Hầu ghê gớm đến mức nào!
Sau khi Lục Nhĩ Mỹ Hầu bị Như Lai dùng Đại Thiên Am thu phục, Tôn Ngộ Không đã cúi đầu thật sâu trước bày tỏ lòng biết ơn chân thành và vui mừng vì đã lấy lại được vị thế và rửa sạch danh dự khi bị mạo danh.
Từ câu chuyện "Thật giả Mỹ Hầu Vương", Như Lai chỉ ra cho chúng sinh cần phải suy ngẫm sâu sắc và đừng bao giờ cố gắng phá bỏ quy luật tự nhiên của sự sống và cái chết chỉ vì sự kiêu ngạo và tự mãn nhất thời. Đức Phật Như Lai với tấm lòng từ bi khuyên các chúng sinh nên thuận theo mệnh trời, không nên làm trái.
Tôn Ngộ Ngộ Không khi nghe được lời này, trong lòng như bừng tỉnh, sau đó cúi người tạ ơn. Kể từ đó, hắn từ bỏ nỗi ám ảnh về sự bất tử, gạt bỏ tính ngông cuồng ngạo mạn, tự cao tự đắc của bản thân và thay vào đó cống hiến hết mình để bảo vệ Đường Tăng đi thỉnh kinh.