Dân Việt

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức đối thoại chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm với nông dân Lào Cai

PV Tây Bắc 29/08/2024 18:11 GMT+7
Ngày 29/8, tại xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức Hội nghị đối thoại chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm năm 2024.

Hội nghị đối thoại chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm năm 2024 được tổ chức dưới sự chủ trì của các đồng chí: Phạm Văn Đức, Phó Trưởng ban Xã hội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Bùi Quang Hưng, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai; Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lào Cai; Nguyễn Hải Sơn, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm, Sở Y tế Lào Cai. 

Lào Cai: Đối thoại chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm - Ảnh 1.

Hội nghị đối thoại chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm năm 2024. Ảnh: HND huyện Bảo Thắng.

Dự hội nghị đối thoại, về phía huyện Bảo Thắng có đại diện lãnh đạo UBND huyện Bảo Thắng, lãnh đạo các phòng chuyên môn của huyện và 150 hội viên, nông dân là Chi hội trưởng, Chi hội phó, Chủ nhiệm các câu lạc bộ nông dân, hội viên nòng cốt làm tuyên truyền viên cơ sở hội thuộc địa bàn phường Thống Nhất (thành phố Lào Cai), xã Gia Phú, xã Thái Niên, xã Xuân Giao, xã Sơn Hải (huyện Bảo Thắng).

Phát biểu tại buổi đối thoại, đồng chí Bùi Quang Hưng, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai cho biết: Đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn được xác định là một yêu cầu quan trọng, cấp thiết để gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp và đảm bảo sức khỏe, đời sống của nhân dân, góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. 

Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương, đặc biệt là ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế... tích cực tuyên truyền, vận động hội viên nông dân sản xuất - kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn.

Lào Cai: Đối thoại chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm - Ảnh 2.

Đồng chí Bùi Quang Hưng, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HND huyện Bảo Thắng.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Phạm Văn Đức, Phó Trưởng ban Xã hội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã nêu rõ thực trạng của sản xuất nông nghiệp hiện nay, những trăn trở của tổ chức Hội Nông dân các cấp, những khó khăn vướng mắc của công tác an toàn thực phẩm. 

"Đặc biệt, hội nghị này rất cần nghe ý kiến trao đổi, đề xuất các giải pháp của các hội viên nông dân về vấn đề sản xuất an toàn thực phẩm", ông Phạm Văn Đức nhấn mạnh.

Lào Cai: Đối thoại chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm - Ảnh 3.

Hội viên hội nông dân phát biểu trao đổi tại hội nghị đối thoại. Ảnh: HND huyện Bảo Thắng.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe cán bộ Sở NNPTNT tỉnh Lào Cai tuyên truyền, trao đổi chính sách, pháp luật, các vấn đề trọng tâm có tầm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, bảo quản, chế biến nông sản vệ sinh an toàn thực phẩm của người sản xuất, tiêu dùng; thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm tại địa phương; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện và đề xuất, kiến nghị; vấn đề chứng nhận nông sản an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP; sản xuất nông nghiệp theo chuỗi; vấn đề vật tư nông nghiệp giả; tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn.

Tham gia ý kiến tại hội nghị đối thoại, đại diện các hộ nông dân có 7 ý kiến tâm huyết, nêu rõ chủ đề và vướng mắc tại cơ sở như: Cách nhận diện sản phẩm nông sản an toàn và không an toàn; giải pháp thực hiện chợ truyền thống an toàn vệ sinh thực phẩm; giải pháp sản xuất trong vùng rau an toàn tại xã Gia Phú, Thái Niên trong thời gian tới; vấn đề giết mổ gia súc gia cầm tập trung, vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất…

Giải đáp các vấn đề liên quan đến sản xuất nông nghiệp, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lào Cai Lê Tân Phong; Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng Nguyễn Trung Thành đã nhận diện các vấn đề mà nông dân đang trăn trở, nhóm thành 4 nhóm vấn đề và trả lời ngay tại hội nghị. 

Đồng thời nhấn mạnh thêm về việc nhìn nhận thuốc bảo vệ thực vật và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải đúng, phải kiểm soát được và yêu cầu phải có nguồn gốc, được phép sử dụng để an toàn cho sản phẩm nông sản, an toàn cho tư liệu sản xuất; thường xuyên đánh giá mẫu nước, mẫu đất để thực hiện quy trình sản xuất; đánh giá những tác động có hại để tránh, để bài trừ ngay trong cộng đồng để sản xuất an toàn, giám sát cộng đồng để cùng hưởng lợi. 

Đối với chăn nuôi thú y và thực phẩm đưa ra thị trường, huyện Bảo Thắng sẽ là điểm lựa chọn của tỉnh trong thời gian tới để thí điểm chủ trương thực hiện mô hình quản lý, kiểm soát kinh doanh trên các chợ truyền thống; qua đó sẽ rõ về phương pháp, cách quản lý, chế tài hoạt động… để định hướng cho phát triển nông sản an toàn tiếp cận thị trường bền vững. 

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Văn Đức cho biết, Trung ương Hội Nông dân sẽ tiếp thu kiến nghị của nông dân, gửi đến các cấp ngành có liên quan để nghiên cứu, đề xuất, đồng hành thực hiện các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn đi vào đời sống nhân dân.