Chương trình do Ban Cơ yếu Chính phủ chỉ đạo nội dung; Tạp chí An toàn Thông tin chủ trì, phối hợp với Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội và một số đơn vị thực hiện; Cố vấn nghệ thuật là NSND Lê Chức.
Với những hình ảnh, câu chuyện, gặp gỡ nhân chứng, các tiết mục nghệ thuật đặc sắc ca ngợi lịch sử hào hùng của ngành Cơ yếu Việt Nam, lòng biết ơn sự hy sinh vĩ đại của các thế hệ đi trước và khơi dậy lòng sục sôi quyết tâm của thế hệ trẻ hôm nay để viết tiếp truyền thống vẻ vang của ngành.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng - Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ cho biết, toàn bộ nội dung, kịch bản của chương trình đều có ý nghĩa cả về nghệ thuật và tính nhân văn.
"Vì đặc thù của nhiệm vụ cơ mật trọng yếu cho nên ngay cả những chiến công của ngành Cơ yếu dường như cũng được “mã hóa” và hiếm được vinh danh. “Vinh quang thầm lặng 2024” ca ngợi lịch sử hào hùng của dân tộc, của Quân đội và của ngành Cơ yếu Việt Nam là lời tri ân sâu sắc đối với các thế hệ đi trước, khơi dậy lòng sục sôi quyết tâm của thế hệ hôm nay để viết tiếp truyền thống của ngành”, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng chia sẻ trong buổi họp báo ngày 29/8.
Đạo diễn Mai Thanh Tùng - Tổng đạo diễn chương trình cho biết: “Công tác chuẩn bị cho chương trình đòi hỏi sự tâm huyết của rất nhiều nghệ sĩ, từ nội dung kịch bản đến âm thanh, ánh sáng, vũ đạo… đều phải công phu, tỉ mỉ đến từng chi tiết, để mang đến một đêm diễn đặc sắc, ấn tượng, ý nghĩa, khắc họa đầy đủ những cống hiến và thấm đẫm lòng tự hào của cán bộ, chiến sĩ Cơ yếu Việt Nam”.
Chương trình gồm 3 chương: Sứ mệnh lịch sử, những chiến công thầm lặng và hành trình vinh quang; kết hợp nhuần nhuyễn các loại hình nghệ thuật: âm nhạc, múa, thơ ca, phóng sự, giao lưu cùng các thủ pháp sân khấu hiện đại, tạo nên một bức tranh trọn vẹn, để nêu bật hành trình gần 80 năm với những thành tựu rất đáng tự hào, đầy vinh quang nhưng cũng hết sức thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ ngành Cơ yếu.
Các nghệ sĩ góp mặt trong chương trình đều là ca sĩ nổi tiếng như: Tùng Dương, Minh Quân, Vũ Thắng Lợi, Nguyễn Thu Thủy, Nguyễn Ngọc Anh, Ngọc Ký, Viết Danh… Theo tiết lộ của NSND Lê Chức, tiết mục biểu diễn cuối cùng và có thể là điểm nhấn của chương trình là ca khúc “Vinh quang thầm lặng”, được phổ nhạc từ bài thơ do chính Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng - Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ sáng tác.
Tại cuộc họp báo chiều 29/8, NSND Lê Chức và một số nghệ sĩ tham gia biểu diễn như: ca sĩ Minh Quân, ca sĩ Minh Đức, ca sĩ Ngọc Ký đều chia sẻ, trước đây họ không có nhiều thông tin về ngành Cơ yếu trước khi tham gia thực hiện chương trình.
“Tôi ở rất gần trụ sở Ban Cơ yếu Chính phủ, hàng ngày đều đi qua, nhưng chẳng hiểu gì về Cơ yếu. Khi thực hiện chương trình, tôi càng kính trọng những chiến công, những công tác vô cùng vẻ vang của họ. Những chiến công, công việc ấy càng quý hơn khi vô cùng thầm lặng nhưng đóng góp không nhỏ cho an ninh Tổ quốc”, NSND Lê Chức chia sẻ trong buổi họp báo chiều 29/8.
Cách đây 79 năm, sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, công tác bảo vệ bí mật nội dung thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang trở thành một yêu cầu hết sức quan trọng và cấp bách.
Để đáp ứng nhiệm vụ đó, ngày 12/9/1945 - chỉ đúng 10 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Ban Mật mã quân sự - tổ chức tiền thân của ngành Cơ yếu Việt Nam được thành lập tại cơ quan Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngày 12/9/1945 là mốc son lịch sử trong chặng đường vinh quang của ngành Cơ yếu Việt Nam.
Trong thời kỳ kháng chiến, đã có hàng triệu bức điện mật mang nội dung lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang được lực lượng cơ yếu mã hóa, dịch mã và truyền đưa một cách bí mật và kịp thời, phục vụ thắng lợi nhiều chiến dịch lớn như: Chiến dịch Việt Bắc năm 1947; Chiến dịch Biên giới Thu - Đông và Chiến dịch Trần Hưng Đạo năm 1950; Chiến dịch Hoàng Hoa Thám đầu năm 1951; Chiến dịch Hòa Bình năm 1951-1952; Chiến dịch Thượng Lào năm 1953, đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…
Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngành Cơ yếu đã tiếp thu thành tựu khoa học - công nghệ mật mã trên thế giới để xây dựng nền khoa học - công nghệ mật mã Việt Nam từng bước hiện đại, phục vụ đắc lực sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chỉ huy của lực lượng vũ trang.
Đặc biệt là Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự ra đời của máy tính lượng tử và các công nghệ mới mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng xuất hiện nhiều nguy cơ mất an toàn thông tin đối với tất cả các quốc gia. Việc sử dụng mật mã để bảo mật thông tin bí mật nhà nước, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia được các nước trên thế giới đặc biệt coi trọng và ưu tiên triển khai.