Giữa tháng 7/1954, đơn vị hành quân về Hoằng Hóa – Thanh Hóa học tập chính trị. Đúng lúc ấy, đồng chí cùng một số lãnh đạo cốt cán Đại đoàn được triệu tập lên chiến khu Việt Bắc nhận nhiệm vụ mới.
Ngày đầu tiên có mặt tại ATK Định Hóa, nơi căn cứ kháng chiến Trung ương, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã triệu tập đồng chí Chu Huy Mân và cộng sự tới để truyền đạt chỉ thị của Bác Hồ và Bộ Tổng Tư lệnh giao cho đoàn công tác.
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh nhấn mạnh: Tình hình nước bạn Lào đang rất khó khăn, phức tạp bởi các thế lực thù địch và sự chia rẽ giữa các phe phái. Phía bạn yêu cầu Đảng, Chính phủ và quân đội ta cử Đoàn cố vấn quân sự gấp rút sang giúp bạn. Đây là nhiệm vụ chính trị, chiến lược có tầm quan trọng giúp bạn xây dựng củng cố kiện toàn phát triển lực lượng đấu tranh cách mạng trong thời kỳ mới.
Được giao trọng trách Trưởng đoàn kiêm Bí thư Đảng ủy đoàn và Cố vấn quân sự cấp cao khiến đồng chí Chu Huy Mân không khỏi băn khoăn, suy nghĩ. Nhưng những gợi mở của đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã giúp đồng chí Chu Huy Mân hình dung ra khối lượng lớn công việc cấp bách: Giúp bạn xây dựng cơ quan Bộ Quốc phòng Lào với các cơ quan Tham mưu, Chính trị, Hậu cần và các đơn vị chuyên môn kỹ thuật; Tổ chức lực lượng vũ trang quy mô hợp lý phù hợp với thực tiễn chiến trường.
Ngày 16/7/1954, Bộ Tổng Tư lệnh ra quyết định thành lập Đoàn cố vấn quân sự Việt Nam giúp nước bạn Lào, mang mật danh Đoàn 100, biên chế 100 cán bộ chiến sĩ. Trước ngày lên đường, đồng chí Chu Huy Mân được lên gặp Bác Hồ. Cùng tiếp với Bác có đồng chí Nguyễn Chí Thanh. Bác ân cần động viên thăm hỏi và chỉ giáo những ý kiến vô cùng quý báu.
Bác Hồ dạy: “Giúp bạn là mình tự giúp mình”, đồng chí nhận thức đó là một đúc kết khái quát, một mệnh lệnh đặc biệt, một yêu cầu cấp thiết, một lời dạy thấm thía, một phương châm hành động không chỉ cho trước mắt mà lâu dài, không chỉ riêng mình và Đoàn cố vấn mật danh 100 mà là cả lực lượng Quân tình nguyện Việt Nam giúp nước bạn Lào. Bác dặn quan hệ đoàn kết hữu nghị với bạn và kết hợp chặt chẽ giữa giúp công việc với giúp bồi dưỡng con người. Bác đã gieo vào lòng đồng chí Chu Huy Mân niềm tin sắt đá vào tình hữu nghị thủy chung đặc biệt Việt – Lào và sự tất thắng của cách mạng hai nước.
Đoàn 100 hành quân vượt núi cao vực sâu, sông dài qua biên giới Việt – Lào tới Hủa Phăn. Vào cuộc tây tiến này phần lớn cán bộ chiến sĩ chưa kịp nghỉ ngơi hồi phục sau cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm gian khổ, chưa kịp về phép thăm nhà. Riêng đồng chí Chu Huy Mân vẫn canh cánh bên lòng vì chưa có dịp tri ân gặp gỡ những vùng đất, con người đã giúp đỡ Đại đoàn 316 của mình trong cuộc chiến đấu bấy nhiều năm.
Ngày 5/9/1954, Đoàn cố vấn 100 của đồng chí Chu Huy Mân đặt chân tới hai tỉnh chiến khu cách mạng Lào là Hủa Phăn, Phong xa lỳ. Đồng chí cùng Đảng ủy Đoàn 100 thống nhất và triển khai sát sao, mạnh mẽ đề án xây dựng tổ chức biên chế bộ đội nước bạn Lào thành các tiểu đoàn bộ binh, các đại đội trợ chiến, đơn vị chuyên môn kỹ thuật; Kiện toàn ba cơ quan Tham mưu, Chính trị, Hậu cần của toàn lực lượng; Đưa vào hoạt động có hiệu quả một Trường quân chính ở Chiến khu Hủa Phăn – Phong xa lỳ.
Người mà đồng chí cùng làm việc nhiều nhất, gắn bó mật thiết nhất, vừa tình đồng chí, vừa tình anh em là anh Bảy – Cayxỏn Phômvihản, lúc đó là Bộ trưởng Quốc phòng Lào. Những vấn đề hai người trao đổi thống nhất và triển khai thực hiện đều đạt kết quả tốt, nhất là tổ chức biên chế, giáo dục huấn luyện, xây dựng tổ chức Đảng, quân đội, xây dựng căn cứ địa, giải pháp cho hòa hợp dân tộc của Lào trước mắt và lâu dài. Thật là duyên kỳ ngộ và may mắn khi đồng chí có một người bạn như thế trong chặng đường tây tiến của mình. Quan trọng nhất là đồng chí đã giành được trọn vẹn lòng tin cậy, quý mến của anh Bảy và các bạn cách mạng Lào. Niềm tin ấy chính là chỗ dựa cho đồng chí cùng cả Đoàn cố vấn tham gia đóng góp vào quá trình xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố vững chắc hai tỉnh căn cứ địa cách mạng của nước bạn Lào thời kỳ ấy…
Sự kiện làm cho đồng chí phấn chấn bởi có phần đóng góp của mình đó là Đại hội thành lập Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, khai mạc ngày 22/3/1955, một mốc son chói lọi của lịch sử đất nước Lào anh em. Trong Đại hội này, đông chí Cayxỏn Phômvihản được bầu làm Bí thư Ban Lãnh đạo kiêm Bí thư Quân ủy Trung ương, Tống Chỉ huy Quân đội.
Sự ra đời của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào tạo ra cơ sở tư tưởng và tổ chức vững chắc để xây dựng Đảng trong quân đội Pathét Lào; Là nhân tố quyết định cho mọi thắng lợi. Sau ba năm xây dựng trưởng thành quân đội và vùng căn cứ đã phát triển vững mạnh toàn diện đáp ứng phù hợp với sự phát triển của tình hình trong nước và quốc tế.
Khi thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ về Lào năm 1954, gần một vạn cán bộ chiến sĩ yêu nước Lào về hai tỉnh thành lập ra căn cứ địa cách mạng. Khi ấy trình độ hiểu biết về chiến tranh, chiến trường và giác ngộ chính trị của nhân dân Lào còn rất hạn chế. Sau mấy năm giáo dục, rèn luyện, huấn luyện rất bài bản, đội ngũ ấy đã lớn mạnh, trưởng thành. Đội ngũ ấy tỏa về các địa phương trên đất Lào trở thành vốn quý để xây dựng cơ sở cách mạng.
Kẻ thù của các bộ tộc Lào không dễ dàng cam chịu. Quân đội Chính phủ Hoàng gia phản động và phỉ Vàng Pao được Mỹ tiếp sức liên tục tấn công căn cứ địa cách mạng Lào. Chúng khủng bố càn quét nhiều vùng kháng chiến cũ. Sự tham vấn cụ thế, trực tiếp của Đoàn cố vấn đã mang lại kết quả tốt. Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chính phủ kháng chiến, bộ đội Pathét Lào đã động viên tố chức cho quân và dân Lào đẩy mạnh đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang. Với sự kiên quyết, bền bỉ và quả cảm của ta và các bạn Lào đã làm thất bại mọi âm mưu của kẻ thù của phái hữu tay sai.
Chỉ huy Đoàn 100 đã giúp bạn khắc phục khó khăn tồn tại bằng kế hoạch tác chiến sát thực, sắc bén, giúp bạn tổ chức huấn luyện, triển khai lực lượng, thiết bị chiến trường, tăng cường công tác binh vận, địch vận, phát động nhân dân tham gia tạo ra thế trận chiến tranh nhân dân, ngăn chặn mọi cuộc tấn công của địch. Đỉnh cao là chiến thắng Na-sa-la, giáng đòn chí mạng vào quân đội phái hữu tay sai, làm cho chúng hoang mang khiếp sợ, làm nức lòng quân dân Lào anh em.
Sau chiến thắng Na-sa-la, quân dân Lào đánh mạnh trên chiến trường với nhiều trận lớn nhỏ. Tình hình Lào diễn biến có lợi cho cách mạng. Cuộc đấu tranh cho một nước Lào trung lập hướng tới mục tiêu hòa bình, độc lập, dân chủ và thống nhất, thoát dần sự kiềm chế ảnh hưởng của Mỹ trên đà thắng lợi. Với sự chỉ đạo của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Đoàn cố vấn 100 đã đề xuất với bạn thỏa thuận với các lực lượng tiến bộ để thành lập chính phủ liên hiệp tại Lào, thúc đẩy xu thế hòa bình trung lập, cô lập các lực lượng cực hữu phá hoại. Thông qua các cuộc đàm phán thiện chí, Chính phủ Vương quốc Lào thành lập đi theo con đường trung lập thực hiện 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, thừa nhận các tổ chức chính trị của Pathét Lào theo tinh thần hòa hợp dân tộc.
Đầu năm 1957, Đoàn 100 hoạt động tốt ngày càng phát huy giúp bạn Lào. Đồng chí Chu Huy Mân được Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy và Bộ Tư lệnh điều về nước làm Chính ủy, Bí thư Khu ủy Quân khu 4. Lúc chia tay, đồng chí Cayxỏn Phômvihản ôm đồng chí Chu Huy Mân xúc động như không muốn rời.
Vào khu 4, đồng chí sát cánh cùng Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu làm tốt công tác tư tưởng chính trị. Tổ chức thế trận của quân khu tuyến đầu miền Bắc; Sẵn sàng đánh thắng mọi mưu đồ của địch nếu chúng đánh ra.
Sau 3 tháng lăn lộn khắp địa bàn Quân khu, đồng chí nhận được điện gọi về Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh. Đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng thông báo tình hình nước bạn Lào. Mỹ và tay sai ở Lào ra sức phá hoại, mưu toan biến cả nước thành căn cứ quân sự và thuộc địa kiểu mới. Chúng lôi kéo vua Lào, gây áp lực hòng lật đổ chính phủ của Hoàng thân Xuvana Phuma, làm rối ren trên chính trường Lào. Thành quả hòa hợp dân tộc vừa nhen nhóm có nguy cơ bị hủy hoại.
Đông chí được Bác Hồ cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ: Cách mạng Lào cần chuyển hướng lên mức độ cao hơn. Đây là cuộc đấu tranh cách mạng gay go phức tạp sống còn để cứu nguy cho hòa hợp dân tộc, giành độc lập, hòa bình. Để tiếp tục giúp bạn Lào, Bác Hồ cùng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh điều động đồng chí trở lại Lào trước khi Neo Lào Hắc xạt đưa lực lượng về Viêng Chăn thành lập chính phủ liên hợp. Thêm một lần nữa, đồng chí Chu Huy Mân lại dấn thân vào hành trình chiến đấu trên đất nước Triệu Voi.
Rời Hà Nội sang căn cứ cách mạng Lào ở Hủa Phăn vào đầu tháng 9/1957, đồng chí Chu Huy Mân khẩn trương nắm chắc tình hình của lực lượng ta và các diễn biến từ đối phương, Mỹ và tay sai. Đồng chí đã cùng với lãnh đạo Pathét Lào nhận thức rõ: Để đưa lực lượng vào Viêng Chăn thực hiện hòa hợp dân tộc, lực lượng ta phải được củng cố về tổ chức, tư tưởng. Ta phải tổ chức học tập chính trị làm cho cả lực lượng hiểu rõ tính chất gay go phức tạp gian nguy của cuộc đấu tranh mới. Cần nâng cao cảnh giác cách mạng và ý chí chiến đấu ngoan cường quyết tâm thẳng địch trong mọi tình huống. Đủ sức đánh bại mọi hành động phản trắc của các thế lực thù địch.
Với sự nỗ lực của Đoàn 100 do Đồng chí Chu Huy Mân đứng đầu đã thống nhất với các bạn Lào một kế hoạch tỉ mỉ, toàn diện về thực hiện hòa hợp dân tộc. Một giải pháp chính trị cho vấn đề Lào được triển khai đồng bộ kịp thời tháo ngay ngòi nổ cái gọi là “nguy cơ cộng sản trên đất nước Triệu Voi”. Pathét Lào và đại diện chính phủ Vương quốc Lào đã ký kết được Hiệp thương chính trị và các hiệp nghị bổ sung mở ra thời kỳ hòa bình hòa hợp dân tộc trong đó có Hiệp định Viêng Chăn trong giai đoạn 1954-1958 này. Tiến tới ký Hiệp định thành lập Chính phủ liên hiệp Lào ngày 19/11/1957, Quốc hội Lào đã thông qua được danh sách Chính phủ liên hợp do Hoàng thân Xuvana Phuma và Hoàng thân Xuphanuvông đứng đầu.
Mỹ và tay sai cùng bọn phản động trong và ngoài nước vô cùng tức tối, lồng lộn tìm mọi cách chống phá ngăn cản nhưng không thể đảo ngược được tình thế.
Giữa tháng 12/1957, ta cơ bản hoàn thành việc đưa cán bộ Pathét Lào tham gia bộ máy chính quyền Viêng Chăn, đưa lực lượng vũ trang vùng giải phóng sáp nhập vào quân đội hoàng gia, chuyển giao Hủa Phăn và Phong xa lỳ cho chính quyền trung ương quản lý nhà nước về hành chính. Cán bộ, chiến sĩ quân đội Pathét Lào tin tưởng hân hoan đón nhận và thực thi nhiệm vụ mới trong tình đoàn kết hòa hợp dân tộc.
Cán bộ, chiến sĩ Đoàn cố vấn 100 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chuẩn bị lên đường về nước trong sự lưu luyến bịn rịn của lãnh đạo và quân dân Lào anh em. Đồng chí nhớ mãi lời nói từ tâm can đầy cảm kích của đồng chí Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Cayxỏn Phômvihản: “Sự trưởng thành và thắng lợi của cách mạng Lào bắt nguồn từ Đảng Cộng sản Đông Dương do Bác Hồ sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Bác Hồ đã dày công vun đắp cho tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt của hai đất nước, hai dân tộc, hai quân đội anh em. Chúng tôi mãi mãi biết ơn Đảng, nhân dân, quân đội Việt Nam, biết ơn Đoàn cố vấn quân sự 100 đã hết lòng, hết sức tận tâm, tận tình giúp đỡ cách mạng Lào, giúp đỡ quân đội Lào trưởng thành như ngày nay. Năm tháng qua đi nhưng tình nghĩa Việt – Lào vẫn mãi mãi sáng ngời trong lịch sử hai đất nước anh em”.
Điều đồng chí Chu Huy Mân tâm đắc nhất là đã thống nhất với chỉ huy bộ đội Pathét Lào về triển khai củng cố kiện toàn và chốt chặn lực lượng ở các vị trí then chốt trọng yếu. Chọn lọc 1.500 cán bộ chiến sĩ có năng lực tác chiến biên chế thành hai tiểu đoàn đứng chân ở khu vực Luông Pha Băng và Cánh Đồng Chum. Chọn một tiểu đoàn mạnh mẽ quân số 750 cán bộ, chiến sĩ sáp nhập vào quân đội Hoàng gia trực tiếp đấu tranh bảo vệ Chính phủ liên hiệp. Huấn luyện cho tiểu đoàn này có đủ khả năng đấu tranh thuyết phục đối phương và vận động nhân dân hướng về chính nghĩa hòa bình, hòa hợp dân tộc. Chọn lọc đưa 500 cán bộ, chiến sĩ trẻ khỏe giác ngộ chính trị tốt đưa sang Việt Nam học văn hóa, chính trị, quân sự, chuyên môn kỹ thuật, chuẩn bị nguồn nhân lực cho cách mạng và quân đội Lào những năm sau.
Về nước, đồng chí Chu Huy Mân vào Quân khu 4 tiếp tục vị trí công tác của mình. Tháng 5/1958, đồng chí lại được điều động về làm Chính ủy Quân khu Tây Bắc. Cuối tháng 12/1960, đồng chí được Bộ Chính trị điện gọi về Hà Nội để sang nước bạn Lào lần thứ ba.
Tình hình Lào có những dấu hiệu căng thẳng bất lợi cho cách mạng. Mỹ ép buộc đình chỉ Ủy ban quốc tế giám sát đình chiến ở Lào châm ngòi nổ cho cuộc chiến tranh. Chính phủ liên hiệp dân tộc lần thứ I giải tán. Đại diện Neo Lào Hắc xạt bị gạt ra ngoài. Tháng 8/1958, thủ lĩnh phe đối lập Phủi Xa-na-ni-con thành lập chính phủ phái hữu, thẳng tay đàn áp các lực lượng hòa bình, hòa hợp dân tộc; Xóa bỏ Hiệp định Viêng Chăn và tìm cách xóa bỏ, thủ tiêu Neo Lào Hắc xạt; Thực hiện chính sách thù địch với Việt Nam; Tìm cách tiêu diệt hai tiểu đoàn quân chủ lực của Pathét Lào đã sát nhập với quân đội Vương quốc. Chúng bao vây trụ sở trung ương Neo Lào Hắc xạt, vu cáo lực lượng cách mạng Lào, bao vây rồi bắt giam Hoàng thân Xuphanuvông cùng nhiều lãnh đạo khác.
Cuối năm 1959, được Mỹ hậu thuẫn, Phu-mi-nô-xa-vẳn và Xốm-xa-nít tiến hành đảo chính lật đổ chính phủ Phúi Xa-na-ni-con, giải tán quốc hội Lào, tổng tuyển cử dưới lưỡi lê và đô là Mỹ. Lên cầm quyền, bọn chúng khủng bố dã man, buộc Neo Lào Hắc xạt đầu hàng. Bằng tài trí và tâm huyết cùng với sự tiếp sức của tổ chức, Hoàng thân Xuphanuvông và các cán bộ cách mạng Lào đã vượt ngục phá vây để trở về căn cứ địa cách mạng bình an.
Biến cố chính trị tại Lào tháng 8/1960 đã làm đảo lộn mọi toan tính của các bên tham chiến. Đại úy Coong Le và Trung úy Đươn Xun-na-lát được hai tiểu đoàn và một số đơn vị phối hợp đã nhận được sự ủng hộ của nhân dân, học sinh, sinh viên đảo chính lật đổ chính phủ phản động Lào – Mỹ. Ủy ban đảo chính tuyên bố chống Mỹ, chống nội chiến xây dựng nước Lào hòa bình trung lập. Chính phủ mới do Hoàng thân Xuvana Phuma đứng đầu tiếp tục vai trò hòa bình, trung lập.
Do sự chống phá của Mỹ và tay sai phản động, phái hữu, tình hình chính trị ở Lào tiếp tục khủng hoảng, rối ren. Bun Ùm đứng ra thành lập lực lượng chống đối và được Mỹ trang bị vũ khí, hậu cần. Lực lượng cách mạng Lào gặp vô vàn khó khăn khi tình huống xấu đi rất chóng vánh. Mặt trận nóng bỏng, nhạy cảm. Một cuộc đối đầu lịch sử sắp nổ ra trên chiến trường Lào.
Đồng chí Chu Huy Mân đang làm việc với Bộ Tổng tham mưu thì được tin một sĩ quan đảo chính lái máy bay từ Viêng Chăn sang mang thư của Coong Le gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề nghị ta giúp đỡ khẩn cấp… Cuộc họp dừng lại và đồng chí Chu Huy Mân lại lên đường gấp.
Chuyến bay đặc biệt rời Hà Nội đưa đồng chí Chu Huy Mân sang Lào, chuyến đi không có cơ quan tham mưu đi cùng, chỉ có một sĩ quan quân báo và tổ điện đài. Một tướng quân ra trận gần như “đơn phương độc mã”, trong lúc máy bay địch lượn vòng nhưng chuyến bay đã hạ cánh Viêng Chăn an toàn. Tình hình Viêng Chăn lúc này cực kỳ nguy hiểm. Quân phái hữu được Mỹ đỡ đầu, phản động Thái Lan và tay sai Mỹ ở Sài Gòn, ráo riết tập trung hàng nghìn quân trà trộn trong các công sở phản động. Chúng xúi giục tay chân gây bạo loạn khắp nơi nhằm tấn công chiếm lại thủ đô Viêng Chăn… Nắm vững tình hình, đồng chí Chu Huy Mân chủ động gặp Coong Le và những cộng sự. Đúng lúc pháo từ phía Thái Lan cấp tập nã vào Viêng Chăn. Đồng chí bàn với Coong Le chỉ huy nỗ lực chặn bước tiến quân phái hữu.
Đồng chí điện về Hà Nội yêu cầu đưa gấp hai đại đội pháo sang Mặt trận Viêng Chăn bằng đường không. Pháo binh ta sang ngay và triển khai chiến đấu gấp. Pháo địch phía Thái Lan bị đập đầu câm họng, cụm quân địch phía nam nếm thương vong lớn. Coong Le và binh sĩ phấn chấn hẳn lên.
Mối quan hệ cố vấn Việt Nam, Pathét Lào và quân của Coong Le trở nên tin cậy nhau, phối hợp đánh địch tốt hơn. Uy tín Pathét Lào đối với phe Coong Le nâng lên. Cán bộ quân sự Việt Nam vừa nâng tâm vị thế Pathét Lào vừa nắm được lực lượng trung lập Coong Le và lan tỏa uy tín ảnh hưởng tốt tới phong trào yêu nước, giác ngộ cách mạng của nhân dân, binh sĩ và trí thức ở Viêng Chăn.
Một tuần chiến đấu bảo vệ Viêng Chăn qua đi. Ta bố trí phòng ngự nhưng không kết quả. Ta chưa đủ lực đánh lui chúng vì địch dựa vào bàn đạp và tiếp sức bên phía Thái Lan, quân đông, tăng cường liên tục. Tình huống mưu lược cho quân Coong Le rút khỏi Viêng Chăn để bảo toàn lực lượng đặt ra. Đồng chí Chu Huy Mân nung nấu bố trí bạn rút đi đâu để quân Coong Le có địa bàn đứng chân mà không tan rã để sát cánh cùng Pathét Lào chiến đấu?
Bằng mẫn cảm chính trị mang tầm chiến lược và nhãn quan quân sự, cùng với niềm tin, quyết tâm sắt đá, đồng chí Chu Huy Mân đã lựa chọn cách tối ưu nhất. Được phía bạn đồng tình và sau khi xin ý kiến lãnh đạo Đảng, quân đội, ta quyết cho bạn phương án hành quân đưa lực lượng bí mật, bất ngờ, táo bạo tấn công giải phóng Cánh Đồng Chum và thị xã Xiêng Khoảng.
Cuộc rút khỏi Viêng Chăn thành công, bảo toàn được lực lượng, đồng thời mở ra một thể trận mới khống chế ngược trở lại Viêng Chăn và cố đô Luông Pha Băng. Cuộc rút quân lại trở thành đòn tiến công thăn tốc chớp thời cơ chiếm lĩnh địa bàn chiến lược quan trọng đối với cả Đông Dương.
Đúng lúc này đồng chí Chu Huy Mân bị ốm. Đại tướng Võ Nguyên Giáp điện sang yêu cầu bí mật về nước gấp. Về tới nơi, đồng chí dự ngay cuộc họp bàn phương án tấn công giải phóng Cánh Đồng Chum và cân nhắc đề phòng các tình huống bất trắc.
Xong họp, đồng chí xin ý kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp không vào viện 108 như đã định mà sang Lào ngay. Đại tướng xin chỉ thị của Bác Hồ và truyền đạt ý kiến Bác: Giúp bạn phải giúp tận tình, quan tâm đáp ứng yêu cầu của Đảng và Nhà nước Lào. Bác nhắc mang theo thuốc điều trị và thường xuyên giữ liên lạc với Trung ương.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp dặn: Nắm chắc Coong Le, đề phòng lúc khốn khó ông ta có thể trở giáo bỏ trốn. Đường hành quân qua vùng phỉ Vàng Pao, cần có phương án đánh mở đường. Nếu gặp khó, đưa lực lượng về Sầm Nưa. Đồng chí Chu Huy Mân thầm hứa với Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp hết lòng làm tốt nhiệm vụ chuyến đi này.
Trở lại Viêng Chăn, việc đầu tiên của đồng chí Chu Huy Mân là chỉ đạo công tác chuẩn bị cuộc hành quân thần tốc theo cách tấn công, đồng thời thuyết phục cảm hóa Coong Le quyết tâm hành động phối hợp ăn ý. Tối 29/12/1960, cuộc hành binh hào hùng của 1.400 cán bộ, chiến sĩ cùng với đội hình xe cơ giới, xe thiết giáp, xe pháo theo đường 13 hướng tới Cánh Đồng Chum ở phía đông và một nhóm nghi binh lên hướng bắc đánh lạc hướng về phía Luông Pha Băng. Những cản trở trên đường hành quân tiến công từ phía địch, phía phỉ và địa hình hiểm trở không ngăn nổi cuộc chuyển quân thần tốc chiếm lĩnh vị trí xung yếu nhất trên chiến trường Lào.
9 giờ sáng ngày 1/1/1961, Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng đã về ta sau cuộc hành binh táo bạo chớp nhoáng đánh chiếm một vùng cao nguyên rộng lớn 2000 km2, vùng chiến lược chìa khóa về quân sự của Lào. Cũng lúc này, chuyến bay quân sự đầu tiên của ta từ Hà Nội đáp xuống sân bay Cánh Đồng Chum mang theo vũ khí và chuyên gia quân sự trong sự vui mừng khôn tả của các bạn Lào.
Căn cứ địa Hủa Phăn – Phong xa lỳ với Cánh Đồng Chum nối liền một dải. Đây là địa bàn sát sườn với Quân khu 4 của ta và là trọng điểm của tuyến đường Trường Sơn Tây thời kỳ chống Mỹ. Cuộc tấn công đã đảo chiều về thế trận, biến nguy cơ thành thời cơ, mở đường cho những thắng lợi nối tiếp trên chiến trường Lào.
3 lần cầm quân chiên đấu tài trí xuất chúng của đồng chí Chu Huy Mân trên Mặt trận giúp bạn Lào chiến thắng vinh quang và oanh liệt để lại nhiều bài học sâu sắc về chiến tranh cách mạng và quan hệ quốc tế. Đó là sự kiên trì sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động chính trị, quân sự giúp cách mạng Lào. Đó là tài năng quân sự độc đáo, sáng suốt, nhạy bén giúp bạn xây dựng lực lượng và tác chiến với sức mạnh chiến tranh nhân dân, đoàn kết hòa hợp dân tộc. Đó là bản lĩnh sắt thép của người chỉ huy quân sự trên chiến trường mặc dù không trực tiếp cầm quân nhưng vẫn tạo ra được sức mạnh giúp bạn Lào chiến thắng. Đó là sự bộc lộ phẩm chất cao đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ trong hoàn cảnh đặc biệt có những lúc khó khăn, ngặt nghèo nghiệt ngã trên chiến trường nước bạn nhưng vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng và Bác Hồ, của quân đội giao cho.