Gặp nhau tại một quán cà phê cạnh Hồ Gươm trong chiều Thu nhạt nắng, Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng đã kể cho PV Dân Việt nghe rất nhiều câu chuyện về ký ức thân thương của ông. Đó là ký ức của những năm tháng đẹp đẽ với các bậc tiền bối như: nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Nguyễn Tuân, Kim Lân, nhà thơ Hoàng Cầm, Nguyễn Đình Thi và các bạn bè văn nghệ sĩ như: Nguyễn Trọng Tạo, Thụy Kha, Trần Tiến, Nguyễn Cường và Dương Trung Quốc. Mỗi câu chuyện ông kể đều là những chuyện chưa hề ai biết, bởi đó là chuyện riêng của ông với nhân vật đó. Những câu chuyện này giúp người nghe hiểu hơn về con người thời đại và nhân cách của họ.
Kể về nhạc sĩ Nguyễn Cường, Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng gọi ông bằng biệt danh hết sức đáng yêu "cao bồi già". Ông bảo, Nguyễn Cường đích thị là một lão cao bồi già ở điền trang Bắc Mỹ lạc sang Việt Nam. "Bên ấy, Nguyễn Cường sống trên lưng ngựa bát ngát thảo nguyên. Sang đây, đất hẹp người đông, phố xá chật chội nên lão chuyển sang nghề "chăn nhạc". Lão không nhong nhong trên con xe Jeep du ca khắp miền đất nước như bạn thân Trần Tiến của lão mà lão lang thang phố, lang thang biển, lang thang rừng… lạc vào tận Tây Nguyên xây "tượng đài" Nguyễn Cường ở đấy.
Ngày xưa, dù đang công tác ở Đại học Mỏ nhưng Nguyễn Cường lại xông vào Nhạc viện Hà Nội học đánh đàn Cello. Cái thứ đàn ồ ồ trầm buồn đã thế lại to vật vã chứ không nho nhỏ xinh xinh như mấy "em" Violin. Thầy dạy lão là ông anh thân thiết của tôi – Giáo sư, nhạc sĩ Hoàng Dương.
Nhạc sĩ Hoàng Dương bảo: "Cường học tớ nhưng trước sau nó cũng bỏ tớ để theo nghiệp sáng tác". Quả đúng thế, chưa ra trường lão đã nổi tiếng như cồn. Nổi đến mức ông Hiệu trưởng Nhạc viện lúc bấy giờ là nhạc sĩ Trọng Bằng nói: "Cậu cần gì phải lấy bằng tốt nghiệp vì đã quá nổi tiếng rồi".
Mà lão không thèm lấy bằng thật. Lão thú thật với tôi là lão học tại chức mà còn nợ môn ký xướng âm thì mùa quýt mới được nhận bằng. Ấy, cái giống nghệ thuật nó thế. Tài mới quan trọng, nên tại chức, chuyên tu mà có tài thì chính quy là cái "đinh". Cái câu: "Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức" áp dụng cho nghệ thuật là sai, nhất là với trường hợp của Nguyễn Cường", Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng nói.
Theo Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng, nhạc sĩ Nguyễn Cường là trai Hàng Bạc chính hiệu (số nhà 90) tận trên tầng hai thông lên tầng ba. Mỗi lần trèo lên chơi với ông, Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng thường bị ướt đẫm áo. Nhạc sĩ Nguyễn Cường nói cho ông em của mình biết rằng, người dạy ông sáng tác là nhạc sĩ Đàm Linh, người dạy ông học đàn Cello là nhạc sĩ Hoàng Dương và người đóng vai trò như "thuốc súng" để ông "nổ" thành "quả bom âm nhạc" về Tây Nguyên là nhạc sĩ Trần Tiến.
"Năm ấy, Trần Tiến được mời lên Tây Nguyên sáng tác nhưng bận không lên được nên ra Hà Nội bảo tớ vào. Trần Tiến dẫn tớ vào giới thiệu với họ rồi về Sài Gòn bỏ tôi ở lại một mình. Tớ ở lại và viết một loạt ca khúc về miền đất ấy. Yêu rồi mến, tớ tràn đầy cảm hứng với vùng đất này nên có được chuỗi ca khúc về Tây Nguyên.
Anh em tớ hợp cạ nên thân nhau. Nguyễn Cường nhiều bè nhưng rất ít bạn thân. Thân nghĩa là hay gặp nhau chén chú chén anh, cà phê, báo tin vui về sáng tạo nghệ thuật và thành quả lao động. Thấy tớ mở lớp dạy vẽ, Nguyễn Cường hay sang vẽ cho vui. Có hôm hứng lên tớ gọi điện Nguyễn Cường sang hành cho một tiếng được ngay bức chân dung rất oách. Vẽ Nguyễn Cường rất dễ, chỉ cần chiếc mũ cao bồi, đôi kính và bộ ria thật rậm là xong.
Hôm tớ mua cây đàn Piano 3 chân, mời Nguyễn Cường sang đánh thử. Nguyễn Cường khen tiếng hay và múa phím một đoạn. Tặng Nguyễn Cường cuốn "Tuyển tập Thế Hùng 2" gồm 3 phần: thơ - nhạc - họa nặng gần 4kg, Nguyễn Cường bảo "Khủng, Việt Nam chưa có". Chơi được bền với nhau mấy chục năm là trọng nhau ở nhân cách và nể nhau bởi tài năng biểu hiện bằng tác phẩm. Sáng 22/3/2024, nghe tin Thế Hùng mổ mắt, Nguyễn Cường gọi hỏi thăm đầu tiên.
Anh em tớ giống nhau mấy điểm: Sáng tạo đến lúc tàn hơi, dù bát thập mà cả hai chưa hưu ngày nào; Cùng "chơi" ria (ria Cường rậm hơn, tỉa tót hơn tôi); Cùng viết nhạc (Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam); Cùng không mê rượu và cùng thân với Giáo sư, nhạc sĩ Hoàng Dương. Đặc biệt, Thế Hùng là bạn thân của Dương Trung Quốc mà Dương Trung Quốc lại lấy cô em thứ 3 của Nguyễn Cường nên chúng tớ cũng được gọi là thân nhau theo nghĩa tình thân", Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng kể.
Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng tiết lộ, nhạc sĩ Nguyễn Cường thường có thói quen đi ngủ từ lúc 22h và dậy từ rất sớm. Ông là người rất chăm tập thể thao hàng ngày. Mỗi ngày ông đi bộ 8.500 bước và bơi 500m. Nam nhạc sĩ cũng có một sức làm việc rất kinh khủng khi sở hữu trong tay gia tài âm nhạc đồ sộ với khoảng 100 ca khúc, 2 vở Operet, 1 vở Opera, 3 đại hợp xướng.
"Có lần tôi hỏi đùa: "Cuối đời, Cường để lại một đống nhạc, Hùng để lại một đống tranh. Ai hơn ai?", Cường cười nói: "Hùng hơn tớ vì bán được tranh". Mai kia lụ khụ, cụ Hùng chống gậy đến kính biếu cụ Cường mấy trăm đô la để cà phê nhé, hai tên cười "ha ha". Đùa vậy thôi, chứ mấy Opera, Operet của Cường là mấy tỷ đồng đấy, không đùa được với anh tôi, bạn tôi được đâu!".
Nhạc sĩ Nguyễn Cường sinh năm 1943 trong một gia đình gốc trung lưu ở phố Hàng Bạc, Hà Nội. Năm 16 tuổi, ông thi vào trường Trung cấp Âm nhạc Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam - Nhạc viện Hà Nội) để học về Violoncelle. Học được vài tuần, thì gia đình ông bị tịch thu gia sản vì diện "gia đình tư sản", ông bị cắt học bổng và phải sống nhờ bằng suất cơm của người bạn cùng trường.
Sau khi tốt nghiệp năm 1963, ông được phân công về Đoàn Ca múa Tây Nguyên (nay là Đoàn Ca múa Đam San), lúc đó đóng tại Hà Nội và ở lại đó hai năm (1963-1965). Từ năm 1967, ông chuyển về công tác tại phòng Giáo dục chính trị Trường Đại học Mỏ - Địa chất.
Tháng 5/1981, ông và nhạc sĩ Trần Tiến được Đoàn Ca múa Đắk Lắk mời về sáng tác. Từ lần đầu tiên đến Tây Nguyên, ông đã bị cuốn hút vì cái nắng cái gió, cà phê của vùng đất đại ngàn để từ đó cho ra hàng loạt tác phẩm âm nhạc về Tây Nguyên sau này.
Ông được xem là người đã ứng dụng khá thành công chất liệu âm nhạc Tây Nguyên vào ca khúc của mình, mặc dù ông không dùng từ "Tây Nguyên" trong bất cứ tác phẩm nào. Mỗi khi ông đến Tây Nguyên thì lại có cảm xúc để viết ca khúc mới, nhiều khi là sáng tác ngẫu hứng tại chỗ. Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2007 vì các ca khúc Hò biển (1974), H'Zen lên rẫy (1981), Một nét ca trù ngày xuân (1984), Em muốn sống bên anh trọn đời (1989), Đôi mắt Pleiku (1994) cũng như nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sĩ về mảng ca khúc.
Nhạc sĩ Dương Thụ từng nhận xét: "Nguyễn Cường yêu dân ca đến mức sùng bái". Ngoài dân ca Tây Nguyên, Nguyễn Cường còn mê đắm cả dân ca đồng bằng Bắc Bộ.
Ở tuổi 80, Nguyễn Cường vẫn giữ được sự hoạt bát cùng vẻ ngoài lãng tử, phong độ. Bí quyết giúp ông trẻ trung, giàu năng lượng là nhờ ý thức luyện tập từ thời còn trai tráng. Ông chia sẻ là mình vẫn dành 50 phút mỗi sáng tập thể dục, đi bộ ít nhất 5km và bơi tối thiểu 500m trong 30-40 phút hàng ngày.