Tây Thi có tên thật là Thi Di Quang. Nàng sinh vào thời Xuân Thu. Nàng là con gái của một người kiếm củi ở núi Trữ Gia, Gia Lãm. Dù lớn lên trong cảnh nghèo khó, không có lụa là gấm vóc mà quanh năm chỉ có thể mặc vải bố nhưng vẻ đẹp của Tây Thi vẫn mê hoặc lòng người. Nhan sắc của nàng kiều diễm tới nỗi được xếp vào hàng đầu trong tứ đại mỹ nhân trứ danh ở thời kỳ Xuân Thu.
Thế nhưng như người đời vẫn nói, "hồng nhan thì bạc mệnh", vẻ đẹp của Tây Thi quả thực lại ứng với câu nói đó. Vì sắc đẹp quá hoàn hảo nên số mệnh nàng cũng khó vẹn tròn, cuộc đời nàng bắt đầu rơi vào bể khổ trầm luân sau khi bị Việt Vương Câu Tiễn lôi kéo vào cuộc chiến đầy mưu mô và toan tính với Ngô Vương Phù Sai.
Việt Vương Câu Tiễn đã dâng nàng cho Ngô Vương. Với bản tính háo sắc, Phù Sai say mê sắc đẹp và chìm đắm trong các cuộc hoan lạc với mỹ nhân Tây Thi. Do chìm đắm trong các cuộc ăn chơi hưởng lạc với Tây Thi nên Phù Sai bỏ bê triều chính và khiến ông hoàng này từng bước đánh mất giang sơn.
Sau nhiều năm "nằm gai nếm mật", Câu Tiễn tập hợp lực lượng cũng như chuẩn bị đầy đủ cho việc tiêu diệt nước Ngô. Cuối cùng, vào năm 473 trước Công nguyên, Câu Tiễn dẫn quân chinh phạt nhà Ngô khiến Phù Sai mất vương quyền. Sau khi nước Ngô diệt vong, số phận của mỹ nhân này là một ẩn số.
Theo một số giai thoại, Tây Thi bị dìm chết đuối. Người giết hại mỹ nhân này chính là Ngô Vương Phù Sai. Sở dĩ Phù Sai sát hại mỹ nhân mà ông từng hết mực yêu thương là vì biết được Tây Thi là người đóng vai trò quan trọng khiến vương triều của ông bị diệt vong. Một giả thuyết khách cho rằng, Tây Thi bị Câu Tiễn dìm xuống nước tới chết vì sợ rằng mỹ nhân này sẽ mê hoặc ông giống như Phù Sai. Do không muốn đánh mất giang sơn như Phù Sai nên Câu Tiễn sai người giết chết Tây Thi để tránh hậu họa về sau.
Vương Chiêu Quân được trời phú nhan sắc tuyệt trần và trí thông minh. Nàng thông thạo đàn tỳ bà và tứ nghệ gồm: Cầm, kì, thi, họa. Nàng được tuyển vào nội cung vào khoảng sau năm 40 TCN, đời Hán Nguyên Đế. Trong thời gian ở hậu cung, Chiêu Quân chưa bao giờ được gặp mặt Hoàng đế và vẫn chỉ là một cung nữ.
Năm 33 TCN, Vương Chiêu Quân phụng mệnh Hán Nguyên Đế xuất giá kết thân, được gả cho Thiền vu Nam Hung Nô Hô Hàn Tà. Năm 31 TCN, Hô Hàn Tà qua đời, Vương Chiêu Quân bắt buộc phải theo tập quán nối dây của Hung Nô và trở thành phi tần của con trai trưởng của Hô Hàn Tà là Phục Chu Luy Nhược Đề.
Bi kịch của Vương Chiêu Quân vẫn chưa dừng lại. Chỉ 11 năm sau, người chồng thứ hai của Vương Chiêu Quân qua đời, nàng lại phải làm vợ của con trưởng của Phục Chu Luy, cũng là cháu nội của Hô Hàn Tà. Vương Chiêu Quân không thể tiếp tục chịu đựng được sự nhục nhã này, cuối cùng quyết định dùng độc tự vẫn và được an táng tại Thanh Trủng.
Về cái chết của Chiêu Quân cũng có nhiều giả thuyết. Có giả thuyết cho rằng, đến Nhạn Môn Quan, Chiêu Quân gieo mình xuống sông tự vẫn. Cũng có giả thuyết khác là Chiêu Quân đến đất Hồ, nàng yêu cầu thiền vu Hồ giết chết gian thần Mao Diên Thọ, rồi sau đó nàng tìm cách tự tử, nhảy xuống sông để xác nàng theo dòng trôi trở về đất Trung Nguyên.
Như vậy, suốt cả cuộc đời mình, hạnh phúc chưa một lần mỉm cười với mỹ nhân Vương Chiêu Quân. Khi còn trẻ đẹp, nàng không được vua sủng hạnh chỉ vì bị gã họa sĩ hèn hạ chơi xấu, rồi nàng phải rời xa quê hương, hy sinh hạnh phúc riêng để quan hệ giữa hai quốc gia được tốt đẹp. Chiêu Quân cũng sinh được 2 người con với người vua mới của Hung Nô. Nàng chẳng bao giờ cười, cứ thế sống lặng lẽ cho đến cuối đời ở nơi đất khách.
Điêu Thuyền là bậc quốc sắc thiên hương, khuynh nước khuynh thành, thông minh hơn người. Trong sử sách có viết Điêu Thuyền là con nuôi của Tư đồ Vương Doãn và được ông hết sức yêu chiều. Trong thời gian này, Đổng Trác với sự giúp đỡ của Lã Bố đã thâu tóm hết quyền binh, ám hại công thần và ăn chơi sa đọa. Đứng trước tình cảnh này, Vương Doãn và Điêu Thuyền đã bày kế ly gián liên hoàn nhằm lật đổ Đổng Trác.
Ông hứa gả nàng cho con nuôi Đổng Trác là Lã Bố, nhưng sau đó lại hiến nàng cho Đổng Trác. Điêu Thuyền một mặt khóc lóc với Lã Bố là mình bị Đổng Trác cướp đi và cưỡng bức, mặt khác lại nỉ non với Đổng Trác là mình bị Lã Bố sàm sỡ. Hai bố con nghi kỵ nhau, cuối cùng Lã Bố giết Đổng Trác. Người con gái bé nhỏ đã làm được điều mà cả vạn đấng mày râu vũ dũng bó tay đó là dùng trí thông minh ưu việt của mình để ly gián Đổng Trác và Lã Bố, khiến cho Lã Bố phải nổi cơn ghen, say máu vác kích đuổi theo Đổng Trác để giết, làm náo loạn Phụng Nghi Đình, từ đó mở ra thời đại Tam Quốc phân tranh.
Sau đó, Điêu Thuyền trở thành thiếp của Lã Bố, khi Lã Bố bị bộ tướng của Đổng Trác là Lý Thôi đánh bại, Điêu Thuyền đã theo Lã Bố về Từ Châu. Sau khi Lã Bố bị Tào Tháo giết, Điêu Thuyền theo người nhà Lã Bố tới Hứa Xương. Từ đó, Điêu Thuyền "bặt vô âm tín".
Số phận của Điêu Thuyền trong các truyền thuyết dân gian cũng có nhiều dị bản khác nhau. Có thuyết nói, Quan Vũ đã đem Điêu Thuyền giấu đi, Tào Tháo sau khi biết chuyện liền phái người đuổi bắt, Điêu Thuyền rút kiếm tự sát. Một thuyết khác lại nói, nhờ sự sắp xếp của Quan Vũ, Điêu Thuyền trở về quê hương, sống cho tới già. Cũng có người nói, sau khi về quê, Điêu Thuyền xuất gia làm ni cô, sống cuộc đời ẩn dật, yên bình.
Một thuyết khác nói, sau khi đánh bại Lã Bố và cướp được Điêu Thuyền, Tào Tháo bên ngoài thì tặng Điêu Thuyền cho Quan Vũ nhưng lại ngấm ngầm đồng ý ban mỹ nhân này cho Lưu Bị để chia rẽ mối giữa Lưu và Quan. Biết được mưu đồ của Tào Tháo, Quan Vũ đã giết chết Điêu Thuyền.
Cho đến nay, sự biến mất của đại mỹ nhân Trung Hoa này vẫn là một điều bí ẩn, chưa có lời giải thích.
Dương Quý Phi (719-756) tên thật là Dương Ngọc Hoàn, được hoàng đế Đường Huyền Tông phong quý phi năm 745. Không chỉ xinh đẹp, nàng còn giỏi ca múa, tường âm luật, là tài năng hiếm có trong số hàng vạn phi tần, cung nữ qua các triều đại phong kiến Trung Quốc.
Chuyện tình Dương Quý Phi, Đường Huyền Tông gắn liền nhiều câu chuyện về tột đỉnh vinh hoa của thời Đường giai đoạn cực thịnh. Nhưng sự si mê, sủng ái của vua Đường với quý phi bị nhiều người cho là nguyên nhân dẫn đến sự suy vong. Năm 756, do An Lộc Sơn tạo phản, Đường Huyền Tông đưa Dương Quý Phi bỏ chạy khỏi kinh thành. Cái chết của Dương Quý Phi còn là bí ẩn.
Theo sách Tân Đường Thư và Cựu Đường Thư, tướng sĩ của Đường Huyền Tông bức nhà vua ban chết cho Dương Quý Phi, họ mới chịu phò tá cứu nhà Đường. Bất đắc dĩ, Đường Huyền Tông đành cho người thắt cổ ái thê. Một số truyền thuyết lại nói Dương Quý Phi bị kẻ thù giết trong quá trình chạy trốn hoặc quý phi được đưa lên thuyền đến sinh sống ở một nước khác.
Nguyên nhân chính xác của cái chết Dương Quý Phi vẫn là một bí ẩn, nhưng vẻ đẹp và số phận bi thảm của bà đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm văn hóa và nghệ thuật trong lịch sử Trung Quốc.