Dân Việt

Tan hoang những ngọn núi sắc màu ở Suối Giàng (Yên Bái)

Nhóm PV Điều tra 05/09/2024 06:10 GMT+7
Những ngọn núi sắc màu ở Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái) - báu vật của thiên nhiên, của đất nước đã và đang bị đối xử rất đau lòng, hoang phí.
Tan hoang những ngọn núi sắc màu ở Suối Giàng (Yên Bái)- Ảnh 1.

Những người khai thác đá trái phép ở Suối Giàng độ chế xe máy như những "cỗ quái thú", sử dụng máy tời đá để di chuyển, vận chuyển đá cảnh từ núi ra bên ngoài. Sau đó, chủ các cơ sở buôn bán đá cảnh, đá mỹ nghệ tìm cách quay vòng hồ sơ để hợp thức hóa mặt hàng này.

Tan hoang những ngọn núi sắc màu ở Suối Giàng (Yên Bái)- Ảnh 2.

Cách tỉnh lỵ Yên Bái khoảng 80km, xã Suối Giàng vòi vọi phía sau núi cao và mây mù. Với dân số ít ỏi, vỏn vẹn 3,9 nghìn người (98% đồng bào dân tộc Mông) sống chon von ở 7 bản như: Suối Lóp, Giàng Cao, Giàng A, Giàng B, Tập Lăng 1, Tập Lăng 2 … - những cái tên nghe đã bịt bùng xa ngái. Suối Giàng là một xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái.

Bù lại, có một chút an ủi: thế mạnh đặc biệt của Suối Giàng, là trời ban cho nơi đây một không gian nguyên sơ, bản sắc văn hóa sặc sỡ, vùng tiểu khí hậu mát mẻ đê mê (cao 1.370m so với mực nước biển) để làm du lịch. Nhưng, thứ đắt đỏ nhất theo cách hiểu có thể khai thác bền vững, bán ra thị trường trong và ngoài nước với giá cao ngất ngưởng "tiền tỷ một khối đá sắc màu": ấy là đá cảnh, đá mỹ nghệ, đá sắc màu. Đá quý!

img
img
img
img
img
img

Đá quý, đá mỹ nghệ vẫn tiếp tục bị khai thác trái phép trên quy mô lớn, dù ở hiện trường, những dòng chữ cảnh báo như "Cấm khai thác đá", "Nguy hiểm chế người" hay hình đầu lâu xương chéo được viết, vẽ bằng sơn đỏ ở khắp nơi.

Nhưng để tìm ngọc - "giọt máu của trời" ẩn trong đá, trong lòng núi mênh mang kỳ bí, có lúc phải đổ rất nhiều mồ hôi công sức và cả máu mà vẫn chưa thành. Vạn người đi mới có vài người trúng mánh. Xưa nay các cụ vẫn bảo: Một thì xanh cỏ (mất mạng), hai là… đỏ ngọc (trúng mánh có nhiều tiền).

Còn với đá màu, đá cảnh, đá quý giá của Suối Giàng lại khác. 

Tan hoang những ngọn núi sắc màu ở Suối Giàng (Yên Bái)- Ảnh 8.

Ở Suối Giàng, các trái núi đều hình thành từ đá màu, từ các kiến tạo địa chất cách đây hàng triệu hàng tỷ năm. Nói cho dễ hiểu, cái "nhà kho tự nhiên trời ban đất thưởng" ở Suối Giàng kia gồm nhiều loại đá cảnh, đá quý, đá màu vẫn chờ đợi người chiêm bái và khai thác.

Đá cảnh Suối Giàng thật sự là những hạt thóc quý như vàng, lại to khổng lồ và nhiều màu sắc hơn bất cứ hạt thóc nào từ bất cứ bông lúa nào. Thế nên, từ khi phát lộ ra màu sắc bất ngờ và quý giá của mình, Suối Giàng đã được người ta âm thầm biến thành một đại công trường khai thác đá cảnh, đá mỹ nghệ đầy sắc màu. Họ "đục khoét" bằng mọi giá, dưới nhiều hình thức.

Có khi chỉ vài người dân bản địa ở bản kế bên hoặc ở chính cái ngọn núi sắc màu kia, mỗi ngày họ ghè đẽo, bế đi vài tảng, cục đá cảnh. Có khi người dân định cư từ lâu trên chính mỏ quặng đá màu đó, bới nền nhà, bới ruộng nương của họ ra là có "đá cảnh, đá mỹ nghệ" đắt đỏ nằm chờ sẵn ở đó từ… thượng cổ. Họ bế bằng tay trần, đi chân trần.

Thêm nữa, họ dùng xà beng, nêm sắt, quai búa, buộc dây tời vào các mỏm đá màu mà bửa nó ra, "trộm" của sơn thần lấy vài miếng. Đặt lên xe máy, chở vù ra bán cho các chủ xưởng đá, mọc lên như nấm sau mưa bấy lâu nay.

Xe máy của họ được độ chế như những con quái thú, có sức chở lên tới vài tạ! Muốn thế, họ phá bỏ yên xe, vì vải, nhựa, da, xốp nào thì cũng rách nát, khi đá lởm chởm vừa bửa ở núi đè lên, trong hành trình xe gào rú vượt đường đèo dốc gồ ghề, chênh vênh, trơn truội. Không còn yên xe, họ gia cố các khung dầm thép làm "sàn" để cõng hòn đá khổng lồ. Giảm sóc của của xe máy thì được độ bằng những lò xo thép dày, to bản (không phải chỉ một chiếc như nguyên bản của nhà sản xuất).

img
img
img
img
img

Để tách được những tảng đá nặng khoảng 3 đến 5 tạ (vừa trọng lượng mà những chiếc xe máy "khủng" có thể vận chuyển) ra khỏi các ngọn núi sắc màu, người ta đã dùng máy khoan, đục, máy tời tự chế chạy bằng xăng. Tất cả ầm ĩ đêm ngày!

Thậm chí, một xe máy hai bánh thì riêng phía sau có 3 hệ thống giảm sóc tự chế, bởi nếu một hệ thống thì vài trăm cân đá đè lên sẽ bẹp dí. Rồi thì mọi thiết bị lặt vặt khác bỏ hết, xe như con bọ ngựa khẳng khiu toàn sắt thép, với cái khung to như xe cải tiến. Riêng hệ thống đèn của xe thì sáng kinh hoàng. Vì họ thường chở lậu vào ban đêm, phải nhìn cực kỳ rõ đường cua, đường đèo và đường đá hộc trơn trượt.

Chúng tôi gặp những chàng trai vạm vỡ người ở vùng Suối Giàng và lân cận đi chở đá. Khối đá to như cái bàn uống nước cho 8 người quây quần, nhoe nhoét bùn đất, góc cạnh xù xì, sắc lẻm. Vậy mà họ phải một mình đánh vật với nó, bằng chiếc xe tử thần siêu… mất an toàn trong nhiều giờ đồng hồ. Các con đường xe chở đá lậu đi mãi mà vẹt thành lối, gặp mưa nhão nhoẹt và trơn trượt, đá hộc đâm ra lổng chổng.

Người họ ướt đầm mồ hôi, bê bết bùn đất. Xe cũng phủ kín bùn nhão đang siu siu khô dần. Nó là cục bùn, cõng trên "lưng" cục đá nặng vài tạ, cứ muốn rơi theo trọng lực trái đất, lăn xuống vực và tài xế phải "cược mạng sống để lấy miếng ăn". Anh ta hy vọng cuối ngày có vài đồng bạc lẻ.

Tan hoang những ngọn núi sắc màu ở Suối Giàng (Yên Bái)- Ảnh 15.

Trong mùa mưa Tây Bắc, những lối mòn chở đá lậu bình thường đã là hiểm địa chỉ tay lái lão luyện đèo dốc dám bén mảng, giờ đây bị cày xới kinh hoàng. Các bánh xe máy dã chiến cõng bên trên vài tạ đá hộc, đá phiến thi nhau đào bới mãi xuống: đường nhão biến thành rãnh lớn. Chúng tôi đi bộ còn ngã oành oạch.

Vậy mà, con đường sâu hoắm ngập ngụa bùn nhão đỏ quạch đó, các quái xế vẫn đi qua được. Tất nhiên là họ phải cược mạng sống của mình với vực sâu và cỗ xe "biến hình" đến mức không một hãng sản xuất nào hình dung nổi. Cả người, xe và khối đá nặng khủng khiếp như những con trâu đằm, vật vạ tìm đường tiêu thụ các sản phẩm ra đời từ cuộc khai thác khoáng sản lậu...

Theo một xe ôm ở địa phương, đi qua UBND xã Suối Giàng độ 1km, chúng tôi phải bỏ xe máy lại mà đi bộ. Lóc cóc trèo núi thêm 3km thì tới một đại công trường khai thác đá cảnh, đá mỹ nghệ trái phép.

img
img
img
img

Không dễ bóc mẽ được tình trạng khai thác đá cảnh quy mô máy móc, xe cơ giới. Vì khi có lệnh cấm, họ hoạt động rất kín đáo. Người ta đập nhỏ các khối đá màu ra, chở bằng xe máy đi bán. Các cơ quan chức năng mà chúng tôi làm việc đều thừa nhận họ "thông cảm" cho những cỗ xe này vận chuyển đá mỹ nghệ trái phép. Cuối cùng, tài nguyên vẫn thất thoát y như vận chuyển bằng xe cơ giới quy mô lớn.

Đang đi, tôi giật bắn mình khi gặp lại chính cậu thanh niên to cao đã chở khối đá khổng lồ mà mình ghi hình lén hôm trước. Giờ cu cậu vào tận công trường, vẫn cái xe đó, chở một cái máy tời đá ra to đoành. "Thiết bị đặc biệt" này được chế từ cỗ máy của chiếc xe máy. 

Chúng không hề vận hành dây xích và kéo bánh xe mà được dung kéo sợi dây cáp to "bẩy" đá; kéo đá lên xe, kéo xe cộ các loại vượt đường núi đường bùn nhão. Đường vào các "mỏ đá" thôn Giàng Cao, rồi thôn Suối Lóp, chúng tôi đều gặp vài toán người xe nối đuôi nhau chở đá đi ra.

Đi bộ khoảng vài tiếng đồng hồ, kiệt sức, vịn vào gậy chống trơn trượt mà vẫn ngã bèn bẹt, chúng tôi ướt lút thút. Quanh thôn, chúng tôi đếm được ít nhất 5 điểm khai thác đá đang đinh tai nhức óc tiếng máy móc đa dạng, máy phát điện, máy cưa xẻ, tiếng máy khoan, máy kéo tự chế (gồm tời, pa-lăng xích). Có vẻ như, nơi này giống với một đại công trường khai thác quy mô máy móc "ác liệt" hẳn hoi, chứ chả phải "nhỏ lẻ, tự phát". Họ đã đào bới tài nguyên quốc gia, bất chấp mọi quy định luật pháp, sự an toàn sức khoẻ cho những người có mặt và cả động đồng.

img
img
img
img
img

Dù có biển cấm, có barie ngăn chặn, những ngọn núi ở Suối Giàng vẫn tan hoang.

Các phiến đá to như gian nhà, bị đục đẽo giữa ban ngày. Có khu vực đá quý bị viết chữ lên để xí phần. Với tục lệ ở các vùng núi non thế này, việc "nhận phần" các cây gỗ, tảng đá để không cho ai "nẫng tay trên" là phổ biến. Chúng tôi đọc được các dòng chữ bằng sơn đỏ, "Dơ cấm", "Đá Phương Thành" đã nhận phần…

Tan hoang, phá phách vô lối, đá tặc hoạt động công khai giữa ban ngày ban mặt, tiếng máy móc gào rú thách thức. Giống như một cơn lốc đã đi qua, vùng rừng núi mỹ miều của Giàng (Trời) trên quê hương Suối Giàng đã nhiều phần trở thành "đá núi tật nguyền, vết sẹo thời gian" - y như lời bài hát buồn.

Tan hoang những ngọn núi sắc màu ở Suối Giàng (Yên Bái)- Ảnh 25.

Chế xe máy cũ hỏng thành máy kéo dây cáp, bẩy đá ra khỏi núi, kéo đá lên xe cho người ta chở đi. Dây cua-loa chạy ào ào, máy nổ phành phạch, các cỗ xe độ chế chở siêu nặng như thế đã đủ để coi là "đá tặc" sử dụng máy móc thiết khai thác quy mô không hề nhỏ chưa?

Chúng tôi đi đến đâu, tiếng máy móc dừng tới đó. Hút tầm mắt, trên đỉnh đồi cao, vài người đang kéo đá, bẩy đá. Dưới thung là các cỗ xe gắn máy độ chế đang gào thét rú ga, tất cả, bỗng dưng đứng sững lại. Tời, cáp, máy phát, máy khoan… ngừng bặt.

Họ góp ý, họ hằm hằm, họ ra hiệu: không được chụp ảnh, quay phim. Họ lớn tiếng "trách móc" người xe ôm dẫn khách đi vào các khu vực nhạy cảm. 

Tan hoang những ngọn núi sắc màu ở Suối Giàng (Yên Bái)- Ảnh 26.

Với những tư liệu chúng tôi thu thập được, phải nói là: họ có đường dây, có ông chủ, bà chủ đứng sau, chứ không phải vài cư dân nghèo khó đang kiếm ăn lần hồi một cách đơn thuần. Nói khác đi, họ đang khai thác quy mô lớn nhất có thể có tại một khu "di sản địa chất" huyền thoại chưa có đường ô tô vào, chưa có cả điện lưới (tính đến tháng 8/2024). Còn ở Suối Lóp, như đã mô tả trên, họ mang cả phương tiện, thiết bị cơ giới vào để khai thác. Có cả điện lưới, có cả ô tô chở máy cẩu vào hiện trường.

Với những gì diễn ragiữa năm 2024 và mới nhất là đầu tháng 8/2024 như vừa mô tả, thử hỏi: cơ quan chức năng đứng ở đâu? Chưa một đơn vị nào được cấp phép khai thác đá cảnh đá quý ở khu vực Suối Giàng, vậy 100% đá quý, đá cảnh, đá màu từ Suối Giàng chở ra ngoài ở quy mô buôn bán chế tác thương mại đều là trái phép!

img
img
img
img

Các sản phẩm đá cảnh lậu sau khi chế tác nhẵn bóng, rực màu, bắt mắt đã được lén lút vận chuyển đi bán khắp cả nước, đồng thời trưng bày la liệt ngay trên địa bàn huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Hầu như tất cả các sản phẩm đá mỹ nghệ vô cùng đắt đỏ này đều có nguồn gốc từ khai thác bất hợp pháp. Ngay cả khi chúng là hàng mua đấu giá thì cũng đã bị "quay vòng hồ sơ" như tiết lộ của các chủ hàng.

Theo tìm hiểu của PV, một số đơn vị có từng được cấp phép thăm dò khai thác các mỏ đá màu này, nhưng đến giờ chưa đơn vị nào được chính thức cấp phép. Suốt thời gian "rút ruột" các ngọn núi sắc màu, họ đã tung ra thị trường đá cảnh đá quý một khối lượng khá lớn sản phẩm lậu. 

Sau này cơ quan chức năng liên tục kiểm tra, bắt giữ, đem bán đấu giá các tang vật. Thế là xuất hiện "giới" trúng đấu giá hàng tang vật đá cảnh đá mỹ nghệ. Rồi sự nhập nhằng hàng có "hồ sơ mua đấu giá" với hàng lậu hàng gian cứ thế kéo dài.

Vậy là sự thật không đơn giản là vài trai bản nghèo khó đi kiếm ăn lần hồi như "bề nổi" kể trên. Phía sau những tảng đá sắc màu, những khối đá được đục đẽo thành hàng mỹ nghệ, là những ổ nhóm khai thác quy mô hơn; với nhiều mưu ma chước quỷ ác liệt hơn hơn nhiều. Chuyện sẽ có ở phần sau.

Đón đọc Bài 2: Chiêu thức rửa nguồn gốc cho những kho đá mỹ miều ở Suối Giàng