Clip: Người Khơ Mú đan các sản phẩm truyền thống tại không gian trưng bày trung tâm thị trấn Than Uyên, Lai Châu.
Nếu ai tới huyện Than Uyên, Lai Châu vào những dịp như: Lễ Chào năm mới, Tết Độc lập, Tuần văn hóa du lịch… sẽ không khó bắt gặp hình ảnh các bà, các chị người Khơ Mú ngồi đan đỏng, phộ, ca thi, ca dọn… ở không gian văn hóa của dân tộc. Nhiều khách du lịch người Việt hay thậm chí người nước ngoài tới đây đều rất tò mò, thích thú và không ít du khách đã mua các sản phẩm đan lát này về làm quà cho người thân.
Có quan sát mới thấy hết được sự khéo léo, tỉ mỉ trong nghệ thuật đan lát của bà con Khơ Mú, cách mà bà con làm ra những sản phẩm độc đáo, ấn tượng này. Các sản phẩm của bà con đều có tính thẩm mỹ cao, nếu không xem kỹ sẽ khó nhìn thấy những mối nối...
Theo những người già có uy tín còn thạo nghề đan lát trong cộng đồng người Khơ Mú ở Than Uyên, nghề đan lát có từ rất lâu, được truyền qua nhiều thế hệ, theo phương thức “cha truyền con nối” và cũng không ai còn nhớ nổi nghề này có từ bao giờ.
Người Khơ Mú ở huyện Than Uyên sinh sống rải rác tại các bản như: Noong Ỏ, Noong Ma (xã Tà Hừa); bản Thẩm Phé (xã Mường Kim); bản Đốc (xã Khoen On). Cũng theo những người còn thạo nghề kể lại, nghề đan lát của bà con như được “trời phú” từ khi sinh ra, những đứa trẻ bất kể là nam hay nữ khi đến tuổi nhận biết đều thể hiện năng khiếu đan lát, chỉ cần nhìn người lớn làm là có thể bắt chước.
Từ xa xưa, cuộc sống hàng ngày của người Khơ Mú gắn liền với việc làm nương rẫy, đánh bắt cá nên cần nhiều nông cụ phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Từ những vật liệu thông dụng của cây tre, nứa, giang… dưới đôi tay khéo léo người Khơ Mú đã tạo nên các vật dụng để phục vụ cuộc sống như: Sọt, sàng, gùi, đó… hay còn gọi là Đỏng, Phộ, Ca thi, Ca dọn… rất đẹp. Trong gia đình người Khơ Mú, đan lát không phải việc riêng của phụ nữ mà cả đàn ông đều biết đan lát.
Những sản phẩm bà con làm ra trước đây chỉ sử dụng trong sinh hoạt gia đình xưa, ngày nay hầu hết đã được thay thế bằng những vật dụng có vật liệu như inox, nhựa, nhôm, sành, sứ… Vì thế nghề đan lát đang dần bị mai một trong cộng đồng người Khơ Mú ở Than Uyên nói riêng và các dân tộc Việt Nam nói chung.
Bà Lò Thị Hặc năm nay đã gần 80 tuổi, ở bản Thẩm Phé, xã Mường Kim, huyện Than Uyên có hơn nửa đời người gắn bó với nghề đan lát chia sẻ với chúng tôi: "Trước đây nhìn ông bà, bố mẹ đan lát, tôi xem và thấy yêu thích nghề này. Khi được 20 - 21 tuổi thì tôi bắt đầu tập đan lát, giờ cũng được 60 năm rồi, từ đó đến nay tôi vẫn đan thường xuyên. Nghề đan lát này có từ rất lâu, giờ tôi vẫn đan một số vật dụng sinh hoạt của gia đình, khi có cơ hội là tôi chỉ dạy nghề đan lát cho các cháu trong bản".
Bản Thẩm Phé, xã Mường Kim, huyện Than Uyên, Lai Châu có hơn 80 hộ, hơn 400 nhân khẩu. Nghề đan lát ở nơi này vẫn được duy trì và truyền dạy cho thế hệ trẻ theo cách truyền tay “cầm tay chỉ việc”.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Hoàng Văn Hợp, ở bản Thẩm Phé, xã Mường Kim hiện là Trưởng Ban vận động bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Khơ Mú huyện Than Uyên, Lai Châu cho biết: "Hầu hết những người lớn tuổi là nữ giới ở bản Thẩm Phé đều biết nghề đan lát, đàn ông thì rất ít người biết nghề này. Một bộ phận thế hệ trẻ ngày nay không còn mặn mà với nghề, bởi người dân bây giờ có thể lựa chọn mua các vật dụng phục vụ sinh hoạt hàng ngày từ các sản phẩm được làm từ nhựa, inox, nhôm ở chợ vừa rẻ, đẹp, mẫu mã lại đa dạng.
Chính vì thế nên nghề đan lát truyền thống đang dần bị mai một. Do đó, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch mở các lớp dạy nghề để bảo tồn, phát huy nghề đan lát. Hoạt động này không chỉ là bảo tồn giá trị văn hóa mà còn gìn giữ nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Khơ Mú".
Theo anh Hợp, việc mở lớp truyền dạy nghề đan lát của đồng bào dân tộc Khơ Mú đang được quan tâm triển khai, khi những người lớn tuổi thạo nghề đan lát có chứng chỉ dạy nghề, Ban vận động bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Khơ Mú huyện Than Uyên sẽ phối hợp với các đơn vị chuyên môn mở lớp dạy nghề cho thế hệ trẻ.
Để bảo tồn và phát huy nghề đan lát truyền thống của dân tộc Khơ Mú, các cấp chính quyền xã Mường Kim nói riêng và huyện Than Uyên nói chung đã và đang xây dựng kế hoạch không chỉ phục hồi nghề đan lát truyền thống của đồng bào dân tộc Khơ Mú mà còn phát huy giá trị văn hóa của nghề đan lát này gắn với phát triển du lịch, đồng thời tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, chính quyền huyện Than Uyên cũng triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá những sản phẩm đan lát của bà con đến đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh để các sản phẩm của bà con được tiếp cận với khách hàng, tạo việc làm và tăng thu nhập.
Có thể nói, nghề đan lát không chỉ là nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Khơ Mú ở huyện Than Uyên, mà còn là nét văn hóa riêng biệt, độc đáo cần được khôi phục, bảo tồn góp phần nâng cao ý thức giữ gìn, trân trọng và tự hào để bản sắc văn hóa của dân tộc không bị mai một cùng với thời gian. Đồng thời còn góp phần quảng bá, giới thiệu về hình ảnh thiên nhiên, con người, tiềm năng và các sản phẩm của đồng bào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Được biết, các hoạt động quảng bá, xúc tiến giới thiệu các sản phẩm nghề truyền thống đang được chính quyền huyện Than Uyên đây mạnh là một trong nhiều giải pháp nhằm cụ thể hoá Nghị quyết số 04- NQ/TU ngày 17/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.