Trịnh Công Sơn luôn được coi là một trong những nhạc sĩ lớn nhất của nền tân nhạc Việt Nam, nằm trong danh sách những nghệ sĩ có lượng đĩa bán chạy nhất mọi thời đại. Không chỉ được yêu thích rộng rãi bởi khán giả trong nước, các ca khúc của ông còn vang danh tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Nhật Bản.
Trong số các nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, Diễm xưa là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất. Tác phẩm ra đời từ năm 1960 và chính thức xuất hiện trong đĩa Sơn ca 7. Sau khi được công chúng Việt Nam đón nhận, năm 1970, nữ ca sĩ Khánh Ly được hãng đĩa Myrica Music mời sang Tokyo để thu hai bài Diễm xưa và Ca dao mẹ của Trịnh Công Sơn bằng hai ngôn ngữ Việt - Nhật. Cũng năm đó Khánh Ly trình bày tác phẩm trước hàng trăm nghìn khán giả Nhật tham dự Hội chợ quốc tế ở Osaka.
Nghệ sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chia sẻ, danh ca Nhật Tokiko Kato chính là người đầu tiên dịch bài Diễm xưa ra tiếng Nhật và trình diễn, phát hành tại thị trường Nhật Bản cũng như đưa nhạc Trịnh đi khắp thế giới vào những năm sau đó. Với tên gọi Utsukushii mukashi, nhạc phẩm trở nên rất nổi tiếng tại đất nước "mặt trời mọc", bán được hàng triệu bản album, 2 lần lọt vào bảng xếp hạng 10 ca khúc được yêu thích nhất Nhật Bản. Diễm xưa cũng được xếp hạng 11 trong 20 ca khúc hay nhất trên kênh truyền hình cáp của Nhật Bản năm 2004.
Ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng là nhạc phẩm Á Châu hiếm hoi được Đại học Kansai Gakuin (Nhật Bản) đưa vào chương trình giáo dục của mình trong môn Văn hoá và Âm nhạc. Ngoài tài liệu về bài hát, nhà trường còn kèm theo DVD để sinh viên dễ dàng trong việc nghiên cứu học tập. Bên cạnh đó, Đài truyền hình NHK chọn Diễm xưa làm nhạc chính cho một bộ phim sản xuất và phát hành ở Nhật Bản.
Ngoài ra, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng có nhiều ca khúc được dịch sang tiếng Anh để giới thiệu với quốc tế như Đêm thấy ta là thác đổ (At night I feel like a waterfall), Hạ trắng (White Summer), Biển nhớ (A Sea's Yearning)...
Diễm xưa là một trong những tác phẩm đầu tay của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ca khúc là nỗi niềm của ông trong mối tình đầu của chính ông với nàng thơ tên Ngô Vũ Bích Diễm.
Những năm đầu thập niên 60, do kinh tế sa sút, gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phải chuyển về một căn hộ ở tầng một dãy nhà mới xây nơi đầu cầu Phủ Cam. Hằng ngày, ông đứng trên lầu ngắm các cô nữ sinh trường Đồng Khánh đi học qua cầu Phủ Cam, dọc theo đường Nguyễn Trường Tộ.
Trịnh Công Sơn từng kể lại: "Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến Trường Đại học Văn khoa ở Huế. Long não, bàng, phượng đỏ, muối, mù u và một dòng sông Hương chảy quanh thành phố đã phả vào tâm hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn thanh khiết…". Từ cảm hứng ấy mà Diễm xưa đã ra đời.
Sau Khánh Ly, Diễm xưa được nhiều ca sĩ thể hiện, có thể kể tới Cẩm Vân, Hồng Nhung, Lệ Thu, Thanh Lam, Phạm Thu Hà... Nói tới những ký ức về ca khúc này, ca sĩ Cẩm Vân từng thổ lộ: "Năm 1964, trong một buổi biểu diễn, khán giả đề nghị tôi hát một ca khúc nhạc Trịnh. Tôi ngại ngùng, định từ chối vì không thuộc lời. Nhạc sĩ động viên tôi hát và lên sân khấu đứng cạnh, nhắc lời. Lúc đó, anh đã ngà ngà say. Hình ảnh anh đứng một bên nhắc cho tôi hát Diễm xưa đọng lại trong tâm trí tôi mãi sau này".
Sau hơn 60 năm ra đời, hiện Diễm xưa vẫn là bản tình khúc bất hủ, vang lên trên nhiều sân khấu âm nhạc. Năm 2023, diva Mỹ Linh thể hiện tác phẩm này tại chương trình Chị đẹp đạp gió rẽ sóng, một lần nữa khiến dư luận xôn xao.