Sáng 8/9, bão số 3 Yagi đã đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Sau bão, theo thống kê của thành phố Hà Nội, tính đến 19 giờ ngày 7/9, bão đã khiến 2.800 cây gãy đổ; 13 ôtô và 6 xe máy hư hại; 9 hộ dân bị tốc mái nhà lợp tôn tại Ba Đình, Sơn Tây, Ba Vì.
Đặc biệt, trong chiều và đêm 7/9, trên phố Hà Nội nhiều ô tô đỗ dưới lòng đường, vỉa hè bị cây xanh gãy đổ, đè bẹp, hư hỏng nặng. Nhiều chủ xe, độc giả thắc mắc, trong trường hợp này ai là người phải bồi thường cho chủ xe?
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho hay, bão số 3 Yagi khi đổ bộ vào đất liền đã gây thiệt hại lớn cho tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng và các địa phương khác. Đối với Hà Nội cũng chịu thiệt hại nặng nề khi bão quét qua, nhiều cây xanh bị gãy đổ, nhà cửa, ô tô bị hư hại.
Nghị định 64/2010/ NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị, nêu rõ: "Cây trồng phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây. Việc chăm sóc, cắt tỉa cây phải tuân thủ quy trình kỹ thuật đồng thời phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và công trình".
Cây xanh là tài sản có chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, nếu gây thiệt hại cho người khác thì việc bồi thường căn cứ theo Khoản 3 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
"Tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác".
Đối với thiệt hại do cây cối gây ra, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải có trách nhiệm bồi thường. Nếu những người có trách nhiệm quản lý, trông coi cây xanh đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật đúng quy định (thường xuyên kiểm tra, cắt tỉa, chặt hạ những phần thân cây mang tính chất rủi ro tiềm tàng) mà vẫn xảy ra tai nạn cây xanh gãy đổ thì có thể xem đó là sự kiện bất khả kháng.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng xem xét trường hợp chủ xe ô tô có đỗ xe ở vị trí được phép dừng đỗ hay không.
Ngoài ra, theo luật sư Bình, Điều 604 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra như sau: Bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra; Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.
Đồng thời, pháp luật cũng quy định chi tiết về nguyên tắc mức bồi thường thiệt hại trong những trường hợp cụ thể theo quy định tại Điều 585 BLDS 2015 như sau:
Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 584 BLDS 2015: "Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác".
Theo đó, người gây thiệt hại không phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong các trường hợp sau đây. Người gây thiệt hại trong trường hợp do sự kiện bất khả kháng. Theo quy định tại khoản 1 Điều 156 BLDS 2015 một sự kiện được cho là bất khả kháng khi có đủ ba điều kiện: Sự kiện xảy ra một cách khách quan; Không thể lường trước được; và không thể khắc phục được dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Như vậy theo luật sư Bình, việc bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.
Do đó trường hợp cây xanh dọc vỉa hè đỗ gãy gây tai nạn cho người đi đường thì chủ sở hữu, người chiếm hữu hoặc người được giao quản lý cây xanh phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.
Việc bồi thường dựa trên nguyên tắc, thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời đối với chủ xe ô tô.
Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.