Dân Việt

Người dân cảnh giác nhiều tin giả, kêu gọi từ thiện để lừa đảo trong đợt mưa lũ "càn quét" miền Bắc

Gia Khiêm 13/09/2024 12:37 GMT+7
Trong khi nhiều khu vực tại miền Bắc bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ, một số đối tượng xấu đã lợi dụng để phát tán thông tin giả mạo, tin tức sai sự thật để kêu gọi từ thiện.

Để hoạt động cứu trợ được chuyên nghiệp, hiệu quả hơn cũng như giảm thiểu các nguy cơ lừa đảo, Báo Dân Việt tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến "Cứu trợ thiên tai: Sao cho hiệu quả?" vào lúc 14h30 phút chiều nay, 13/9, với sự tham gia của hai khách mời:

- Ông Nguyễn Trung Thành – Phó Trưởng phòng Chính sách Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH).

- PGS.TS Trịnh Hòa Bình – Chuyên gia xã hội học.

Ngoài ra, cuộc tọa đàm có sự tham gia của hàng nghìn độc giả của Báo điện tử Dân Việt đang theo dõi trực tiếp qua livestream trên Kênh Youtube của Báo Dân Việt sẽ đặt câu hỏi cho khách mời của chúng ta ngày hôm nay.

Các bạn cũng có thể theo dõi toàn bộ nội dung cuộc tọa đàm này khi truy cập vào Báo điện tử Dân Việt (danviet.vn) và Truyền hình Dân Việt (tv.danviet.vn).

Cảnh báo lừa đảo, lợi dụng bão số 3 để kêu gọi từ thiện

Vài ngày qua, cả nước hướng về các tỉnh miền Bắc đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3 Yagi đã và đang gây mưa lớn, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất trên diện rộng, trong đó có tỉnh Lào Cai, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, "lá lành đùm lá rách", nhiều tổ chức, cá nhân đã kêu gọi từ thiện, quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ người dân vùng lũ lụt.

Cảnh báo người dân cảnh giác nhiều tin giả, kêu gọi từ thiện để lừa đảo trong đợt mưa lũ ở miền Bắc - Ảnh 1.

Fanpage giả mạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh để lừa đảo tiền từ thiện. Ảnh: Minh Sơn

Tuy nhiên, lợi dụng vấn đề này, nhiều đối tượng xấu đã mạo danh Hội Chữ thập đỏ, các tổ chức từ thiện uy tín, gọi điện thoại đến nhiều người kêu gọi quyên góp nhằm chiếm đoạt số tiền của người dân ủng hộ đồng bào gặp thiên tai.

Ngày 11/9, trên mạng xã hội xuất hiện trang fanpage giả mạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ) để lừa đảo, bằng cách kêu gọi quyên góp, ủng hộ cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố sập cầu Phong Châu. Các đối tượng lừa đảo sử dụng hình ảnh, thông tin giống các trang chính thống để kêu gọi những người hảo tâm quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt.

Cảnh báo người dân cảnh giác nhiều tin giả, kêu gọi từ thiện để lừa đảo trong đợt mưa lũ ở miền Bắc - Ảnh 2.

Công an Hải Dương xử lý trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội đợt mưa lũ. Ảnh: CACC

Ông Nguyễn Mạnh Toàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Lâm Thao khẳng định, thông tin kêu gọi ủng hộ những người bị ảnh hưởng bởi sự cố sập cầu Phong Châu trên fanpage là không chính xác. Người dân cần cảnh giác, không chuyển tiền vào số tài khoản cá nhân trên trang fanpage giả mạo.

Trước đó, ngày 7/9 vừa qua, trang Facebook của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh đăng cảnh báo về tình trạng fanpage lừa đảo, mạo danh để kêu gọi ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Đến nay, dù đã bị nhiều người report (báo cáo) và báo chí đưa tin, fanpage giả mạo trên vẫn tồn tại, tiếp tục kêu gọi mọi người chuyển tiền từ thiện.

Cảnh báo người dân cảnh giác nhiều tin giả, kêu gọi từ thiện để lừa đảo trong đợt mưa lũ ở miền Bắc - Ảnh 3.

Làng Nủ có đại tang, cả làng vang tiếng khóc, tiếng gọi tìm người thân. Ảnh: Phạm Hưng

Không chỉ tạo fanpage giả để kêu gọi từ thiện, mạng xã hội những ngày qua còn lan truyền nhiều tin giả về việc người dân vùng bão lũ, mất điện, không có mạng có thể nhập cú pháp gửi 191 để được dùng Internet miễn phí của Viettel.

Để tăng tính thuyết phục, các đối tượng còn lưu ý cú pháp chỉ áp dụng cho những khu vực bị bão lũ, mất điện, mất kết nối Internet. Đại diện Viettel Telecom đã bác bỏ thông tin sai sự thật trên.

Cũng trong những ngày gần đây, một số người dùng mạng xã hội cũng phản ánh tình trạng bị lừa đảo tiền từ thiện đóng góp cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Cụ thể, người này cho biết đã chuyển số tiền lên cả trăm triệu đồng cho một người mua 2.000 chiếc áo phao để chuyển lên Tuyên Quang. Tuy nhiên sau khi chuyển tiền, người kia đã biến mất "không dấu vết".

Hay mới đây, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Sóc Trăng cho hay, đơn vị đã tiếp nhận nhiều thông tin từ người dân về các số điện thoại lạ gọi đến kêu gọi quyên góp, ủng hộ người dân bị thiệt hại do bão số 3 gây ra.

Thượng tá Phan Sỹ Vinh, Trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Sóc Trăng, khuyến cáo người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không gửi tiền quyên góp, ủng hộ vào các tài khoản không rõ nguồn gốc hay các trang giả mạo trên các nền tảng xã hội để kêu gọi từ thiện. Người dân phải hết sức tỉnh táo, bảo vệ mình trước các hành vi lừa đảo.

Trước khi quyên góp, ủng hộ, cần tìm hiểu kỹ về tổ chức kêu gọi, xác minh tính xác thực của thông tin được cung cấp. Người có tấm lòng hảo tâm, chia sẻ với những khó khăn của đồng bào trong vùng thiên tai nên quyên góp, ủng hộ tại các đơn vị có uy tín, minh bạch, bảo đảm sự đóng góp của mình thực sự có ý nghĩa. 

Chuyên gia lên tiếng cảnh báo

Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo Dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, khi sự kiện nào đó xảy ra, mọi người đều thấy người Việt Nam có tinh thần chia sẻ, đoàn kết, tương thân tương ái rất lớn.

Theo ông Nam, trong giai đoạn vừa qua ảnh hưởng bão lũ, thiên tai, các phong trào từ thiện lan rộng. Phải nhìn thấy, kể cả có một số người lập ra fanpage, thì phần lớn mọi người đều xuất phát từ mong muốn tốt. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một bộ phận nhỏ một số cá nhân, tổ chức lợi dụng hoàn cảnh nguy cấp để lợi dụng lòng hảo tâm, lòng thương của mọi người lập ra fanpage hay quỹ kêu gọi giả mạo.

Cảnh báo người dân cảnh giác nhiều tin giả, kêu gọi từ thiện để lừa đảo trong đợt mưa lũ ở miền Bắc - Ảnh 4.

PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo Dục (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Gia Khiêm

"Đây cũng đang trở thành vấn đề chúng ta thường thấy lặp đi lặp lại trên truyền thông nhiều năm nay. Chính chúng ta trong giai đoạn cấp bách đều rất muốn đóng góp nhưng ở trên môi trường mạng luôn luôn phải có kỹ năng tư duy phản biện hay kỹ năng thông tin để có thể nhận biết được những thông tin nào tin tưởng được, thông tin nào cần phải kiểm tra lại. Đôi lúc chúng ta muốn tự làm nhưng mọi thứ cần nên có kế hoạch, tổ chức, điều phối tổng thể chúng để có thể đến đúng với những người bị ảnh hưởng và trong trong tình huống hoàn cảnh nguy cấp nhất", ông Nam nhấn mạnh.

Ông Nam cho rằng, trong tình huống cấp bách mọi người có xu hướng "phải thực hiện ngay", không có thời gian suy nghĩ thì rất dễ bị mắc sai lầm. Bản thân những trang mạng xã hội lập ra giả mạo một số tổ mọi người có thể bằng vài thủ thuật nhỏ, đơn giản cũng có thể phát hiện ra được.

Cảnh báo người dân cảnh giác nhiều tin giả, kêu gọi từ thiện để lừa đảo trong đợt mưa lũ ở miền Bắc - Ảnh 5.

Những chiếc áo quan liên tục được đưa ra từ hiện trường lũ quét. Làng Nủ những ngày này, đám tang nối tiếp đám tang. Ảnh Phạm Hưng.

"Mọi người trước khi có quyết định hành động liên quan đến tài chính phải kiểm tra lại các thông tin và khuyến nghị lấy từ các trang thông tin chính thống hay từ tài khoản Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, thông tin từ các trang báo chính thống, uy tín. Tinh thần đoàn kết, sự gắn bó sẻ chia là nhu cầu và điểm mạnh của chúng ta, nhưng sự vội vã đôi khi làm chúng ta rơi vào cảm giác cảm thấy hối hận, trở nên lo lắng, mất đi lòng tin vì mình bị lừa hay có hành động mong muốn đóng góp sẻ chia của mình không được đưa tới đúng người", ông Nam chia sẻ.

Về vấn đề này, chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) cũng nêu ra một số trường hợp lừa đảo mới trong những ngày gần đây. Cụ thể, lợi dụng lúc cả nước đang hướng về các tỉnh miền núi phía Bắc bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ, nhiều kẻ xấu sẽ đăng tải các bài viết trên mạng xã hội kèm theo những hình ảnh rất đáng thương được tạo ra bằng AI. Sau đó kẻ xấu sẽ lợi dụng lòng thương để lừa người dùng chuyển tiền từ thiện.

Một số đối tượng lợi dụng sự quan tâm của người dân đã phát tán thông tin giả mạo, tin tức sai sự thật trên các trang mạng xã hội về tình hình lũ lụt như tin giả về vỡ đê Yên Lập (Phú Thọ), vỡ thủy điện ở Bát Xát (Lào Cai), vỡ đê Sông Cầu, vỡ đê ở Bắc Giang,... Các cơ quan chức năng đã phát đi cảnh báo tin giả, khẳng định các thông tin nói trên, được lan truyền trên mạng xã hội là không đúng sự thật.

Mặc dù cơ quan chức năng đã triệu tập, xử lý nhiều trường hợp về hành vi đăng tải, chia sẻ những thông tin giả, tin sai sự thật trên nhưng nhiều người dùng mạng xã hội vẫn còn xem nhẹ, chưa ý thức hết trách nhiệm và hậu quả của việc phát tán những thông tin không đúng sự thật lên môi trường mạng.

Ngày 11/9, Bộ Công an cho biết, đã xuất hiện hình thức lừa đảo, lợi dụng bão số 3 để kêu gọi quyên góp, từ thiện nhằm trục lợi cá nhân. Cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác: Không gửi tiền quyên góp, ủng hộ vào các tài khoản không rõ nguồn gốc.

Hiện nay, các đối tượng còn tạo các trang giả mạo trên các nền tảng mạng xã hội để kêu gọi từ thiện, người dân phải hết sức tỉnh táo, bảo vệ mình trước các hành vi lừa đảo.

"Trước khi quyên góp, ủng hộ, cần tìm hiểu kỹ về tổ chức kêu gọi, xác minh tính xác thực của thông tin được cung cấp. Trong trường hợp người có tấm lòng hảo tâm, chia sẻ với những khó khăn của đồng bào trong vùng thiên tai thì nên quyên góp, ủng hộ tại các đơn vị có uy tín, minh bạch, đảm bảo sự đóng góp của mình thực sự có ý nghĩa", Bộ Công an khuyến cáo.

Theo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão, các địa phương đã thống kê thiệt hại tính đến 22 giờ ngày 11/9 có 326 người chết, mất tích (181 người chết, 145 người mất tích)

Cụ thể: Lào Cai: 183 người (72 người chết, 111 người mất tích), gồm: Bảo Yên 113, Sa Pa 09, Bát Xát 18, Si Ma Cai 07, Bắc Hà 34, Văn Bàn 02.

Cao Bằng: 52 người (34 người chết, 18 người mất tích). Yên Bái: 44 người (40 người chết, 04 người mất tích), gồm: thành phố Yên Bái 21, Lục Yên: 14, Văn Yên 06, Văn Chấn 01, Trấn Yên 02. Quảng Ninh: 15 người chết. Hải Phòng: 02 người chết do bão. Hải Dương: 01 người chết do bão. Hà Nội: 01 người chết do bão. Hòa Bình: 05 người chết do sạt lở đất. Lạng Sơn: 03 người chết do lũ cuốn, sạt lở đất. Bắc Giang: 02 người chết do lũ cuốn. Tuyên Quang: 03 người do lũ (02 người chết, 01 người mất tích). Hà Giang: 02 người (01 người chết; 01 người mất tích). Lai Châu: 01 người chết do sạt lở đất. Vĩnh phúc: 02 người (01 chết, 01 người mất tích do lật thuyền). Phú Thọ: 10 người (08 người mất tích tại sự cố sập cầu Phong Châu; 01 người mất tích do lũ; 01 người chết do sạt lở đất).