Tại buổi làm việc (chiều 12/9), thay mặt Đảng bộ tỉnh, ông Bùi Văn Quang - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã báo cáo với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn công tác về tình hình, kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và tình hình mưa lũ, tính đến ngày 12/9, Phú Thọ đã có 10 người chết và mất tích (trong đó có 8 người mất tích sau sự cố sập cầu Phong Châu), tổng thiệt hại về tài sản bao gồm nhà cửa, các công trình giao thông, y tế, giáo dục, đê điều, thủy lợi... dự kiến sơ bộ hơn 250 tỷ đồng.
Các hồ thủy điện: Hoà Bình đã đóng toàn bộ các cửa xả, Thác Bà còn 3 cửa xả mặt, Tuyên Quang chỉ còn mở 3 cửa xả đáy, mực nước các sông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ gồm sông Lô, sông Thao, sông Đà tiếp tục xuống.
Ngay sau khi nước rút, các địa phương như Cẩm Khê, Phù Ninh, Hạ Hòa đã huy động, tập trung lực lượng quân đội, công an, lực lượng tại chỗ cùng người dân dọn dẹp vệ sinh môi trường, nạo vét bùn đất trong nhà, ngoài ngõ với phương châm “nước rút đến đâu, vệ sinh đến đó”.
Đến chiều 12/9, tỉnh Phú Thọ vẫn còn một số khu vực bị ngập lụt, nước tiêu chậm. Cụ thể trên địa bàn huyện Hạ Hòa còn tình trạng ngập lụt ở xã Đan Thượng, xã Hiền Lương.
"Nhờ làm tốt công tác nắm tình hình, dự báo tác động, ảnh hưởng của tình hình thời tiết và với tinh thần chủ động, xây dựng kịch bản chi tiết trong các tình huống cụ thể; quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; triển khai kịp thời, nghiêm túc các biện pháp ứng phó với tình hình bão lũ nên thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh được hạn chế", Chủ tịch tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh.
Tỉnh Phú Thọ kiến nghị Trung ương quan tâm, giúp đỡ, sớm đầu tư xây dựng cầu mới thay thế cầu Phong Châu cũ để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương; hỗ trợ tỉnh đầu tư gia cố, nâng cấp các đoạn đê xung yếu và xây dựng hệ thống tường chắn sóng, nước dâng thuộc đê tả, hữu sông Thao, bảo đảm chống lũ và bảo vệ các công trình hạ tầng quan trọng, trong đó có tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai.
Đề nghị hỗ trợ cho tỉnh kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục cơ sở hạ tầng và sản xuất của nhân dân; hỗ trợ vật tư, phương tiện, trang, thiết bị phục vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi lời cảm thông và chia sẻ sâu sắc nhất đối với những thiệt hại mà người dân Phú Thọ cũng như các tỉnh phía Bắc đang phải gánh chịu do hoàn lưu bão số 3 gây ra.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá cao tỉnh Phú Thọ đã chủ động, nắm chắc tình hình, kịp thời có những chỉ đạo, thực hiện các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 theo đúng tinh thần chỉ đạo chung của Bộ Chính trị, của Chính phủ.
Biểu dương lực lượng quân đội, công an đã kịp thời hỗ trợ nhân dân trong những ngày bão lũ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu tỉnh cần tiếp tục triển khai tất cả các biện pháp, phương tiện trong việc tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn đối với những khu vực người dân đang bị cô lập, bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Tỉnh Phú Thọ cũng cần tổ chức thăm hỏi, động viên, thực hiện kịp thời các chính sách đối với các gia đình bị thiệt hại. Nỗ lực thực hiện các biện pháp bảo đảm cung cấp, hỗ trợ, trao tận tay đến người dân những nhu yếu phẩm cần thiết và nơi tránh trú an toàn, kiên quyết không để người dân bị thiếu lương thực, thực phẩm, chỗ ở an toàn; bảo đảm phương tiện, hậu cần và các điều kiện cần thiết cho lực lượng tham gia phòng, chống lụt, bão và cứu nạn, cứu hộ.
Cùng với đó, huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, tiêu trùng, khử độc, phòng, chống dịch bệnh, ổn định đời sống, sớm đưa các hoạt động trở lại bình thường. Tập trung sửa chữa, khắc phục nhanh hệ thống giao thông, hệ thống lưới điện, hệ thống thông tin liên lạc, các cơ sở trường học, bệnh viện...
Tiếp tục tổ chức lực lượng kiểm tra, rà soát các khu vực, khu dân cư có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để cảnh báo kịp thời và chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn; kiểm tra công trình đê điều, hồ, đập..., đặc biệt là các vị trí, công trình trọng điểm, xung yếu để có biện pháp xử lý kịp thời.
Ngoài ra, tăng cường các biện pháp tuyên truyền cho người dân; tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự, kiên quyết không để kẻ xấu lợi dụng tình hình khó khăn để hoạt động vi phạm pháp luật.
Với những kiến nghị của tỉnh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định: Cầu Phong Châu nằm trong tuyến đường giao thông huyết mạch không chỉ của riêng tỉnh Phú Thọ mà của các tỉnh lân cận, vì vậy cần làm sớm, khẩn trương.
Trước tiên, cần căn cứ tình hình mưa lũ để lắp đặt cầu phao vào thời điểm thích hợp.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đồng ý với đề xuất hỗ trợ cho tỉnh Phú Thọ đầu tư gia cố, nâng cấp các đoạn đê xung yếu và xây dựng hệ thống tường chắn sóng, nước dâng thuộc đê tả, hữu sông Thao, bảo đảm chống lũ, bảo vệ các công trình hạ tầng quan trọng.
Trung ương cũng sẽ hỗ trợ kinh phí cho tỉnh để khắc phục hậu quả thiên tai. Tuy nhiên, Chính phủ và các bộ, ngành cần căn cứ tình hình thiệt hại của các địa phương để có mức hỗ trợ phù hợp.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn, địa bàn Phú Thọ sẽ không còn trường hợp nào bị tử vong do cơn lũ này; tỉnh cần khẩn trương khắc phục hậu quả, hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phục hồi nền kinh tế.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã trao biển biểu trưng số tiền ủng hộ 30 tỷ đồng do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vận động, quyên góp cho tỉnh Phú Thọ để khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đã gửi tặng 100 suất quà cho bà con nhân dân trong tỉnh chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.