Theo sách "Đại Việt thông sử", Trần Thị Lan người thôn Trường Định, huyện Tuy Viễn (Tây Sơn), con của võ sư Trần Kim Báu, cháu nội của danh sư Trần Kim Hùng. Trần Thị Lan thích học võ nên luôn quấn quýt theo ông nội. Trần Thị Huệ lại thích nữ công gia chánh nên suốt ngày hầu hạ chuyện trò cùng bà nội. Còn Trần Kim Báu trên bước viễn du dừng lại huyện Quảng Phước, phủ Bình Khang lập gia đình và sinh được một người con trai là Trần Kim Sư và được hai năm thì mất. Lan và Huệ theo ông vào Quảng Phước thọ tang cha, lúc bấy giờ Huệ đã 17 tuổi, Lan chỉ mới 12.
Trần Thị Lan được ông nội rèn luyện từ thuở mới lên năm. Tư chất thông minh, thân thể cường tráng, Trần Thị Lan nhờ chuyên luyện tập nên sớm nổi danh là một tiểu cô nương giỏi võ nghệ. Lan chẳng những võ nghệ tinh thông, kiếm pháp tinh nhuệ và thân pháp lại nhẹ nhàng linh hoạt, nên được ông nội đặt cho biệt hiệu là "Ngọc Yến". Ông cháu rất tương đắc nên đi đâu ông cũng dẫn cháu theo. Ngày ngao du, tối luyện tập võ công. Thời gian luyện tập không bao giờ lơi lỏng. Trên đường từ Quảng Phước trở về, tại Gò Chàm, ba ông cháu gặp được Nguyễn Văn Tuyết và Trần Kim Hùng đã thu nhận làm đệ tử. Sau khi gửi hai cháu lại cho bà nội, hai thầy trò lại lên đường vân du.
Sau đó, Trần Thị Huệ kết duyên cùng Nguyễn Nhạc, theo chồng lên ở tại Kiên Mỹ. Nghe tiếng Bùi Thị Xuân võ nghệ cao cường. Trần Thị Lan lên thăm chị rồi tìm cách kết thân với Bùi Thị Xuân. Ngày tương kiến ban đầu xảy ra trong buổi luyện tập võ nghệ giữa các đệ tử. Đó là một buổi luyện cưỡi ngựa bắn cung. Trên một vùng gò rộng rãi, toán nữ binh đang phi ngựa bắn vào hồng tâm các tấm bia cách đó chừng 30 thước. Cuộc tập dượt đang độ sôi nổi thì bỗng nhiên một con ngựa dở chứng lồng lên mang nữ kỵ sĩ chạy quanh võ trường. Dù tìm đủ mọi cách, người cưỡi ngựa không thể nào kìm nổi con ngựa chứng. Đột nhiên, trong đám người đứng xem chạy vụt ra một bóng người áo trắng, nhẹ nhàng nhảy lên ngồi phía sau người kỵ mã, tay cướp lấy dây cương chân kẹp chắc vào bụng ngựa. Ngựa bỗng chồm hai chân trước, đứng thẳng lưng hòng hất hai người xuống đất nhưng dây cương đã siết chặt. Cuối cùng, ngựa cuồng đành phải ngoan ngoãn đứng yên.
Bùi Thị Xuân giục Ngân câu phi lại, đúng lúc nữ nhân áo trắng trao lại cương cho nữ kỵ mã và nhảy xuống đất. Cuộc tương kiến diễn ra trong niềm vui cởi mở. Bùi Thị Xuân hớn hở cầm tay Trần Thị Lan đi thẳng về nhà. Sáu năm sau, một hôm binh trại của Nguyễn Nhạc có một tráng sĩ cưỡi con tuấn mã màu hồng đến xin nhập ngũ. Đó là Nguyễn Văn Tuyết. Được trọng dụng, Nguyễn Văn Tuyết phục vụ dưới trướng Nguyễn Nhạc và có dịp gặp lại cô cháu của sư phụ. Mối lương duyên được kết nên từ đó. Tuy có chồng song Trần Thị Lan vẫn hoạt động dưới trướng Bùi Thị Xuân.
Khi Nguyễn Văn Tuyết được phong Đại đô đốc, đi ra Bắc đánh Thăng Long thắng trận thì bà Trần Thị Lan ra sống cùng chồng tại Bắc Thành. Năm Mậu Thân (1788), quân Thanh sang đánh nước ta, bà Trần đã theo chồng chinh chiến. Tháng giêng năm Kỷ Dậu (1789), bà Trần đã theo đoàn quân của chồng tấn công quân Thanh đóng ở Hải Dương. Giặc Tàu lớp bị tiêu diệt, lớp đạp lên nhau mà chạy. Bà Trần Thị Lan sau chiến trận, máu quân thù ướt đẫm khắp người. Diệt xong quân Thanh, vợ chồng Trần, Nguyễn theo vua Quang Trung về Thuận Hóa.
Vua Quang Trung mất, ông bà phò vua Cảnh Thịnh cùng với bà Bùi Thị Xuân lo việc trấn thủ thành Phú Xuân. Sau này vợ chồng được ra Thăng Long, phụ trách việc tuần phòng. Khi quân Nguyễn Phúc Ánh rầm rộ tiến vào Thăng Long, quan quân phần đông bỏ trốn. Đại đô đốc Nguyễn Văn Tuyết cùng phu nhân là bà Trần Thị Lan đưa vua Bửu Hưng cùng cung quyến sang sông Nhị Hà lên vùng phía Bắc. Đến Xương Giang bị vây đánh, Đại đô đốc Tuyết ở lại ngăn giặc để Trần Thị Lan phò ngự giá chạy trước. Đô đốc Tuyết tử trận, giặc đuổi theo kịp. Trần Thị Lan một mình tả xông hữu đột. Bùi Thái hậu cũng tham gia trận chiến. Cuối cùng, địch quân quá đông và sức lực hai bà càng lúc càng yếu. Rồi cả đoàn bị bắt. Để giữ vẹn tấm thân trung nghĩa, Trần Thị Lan đã cùng Thái hậu Bùi Thị Nhạn dùng gươm tuẫn tiết.
Trong lịch sử mấy ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã sản sinh ra rất nhiều nữ anh hùng và không ít người trong số đó đã trở nên bất tử. Trong đó, nữ tướng Trần Thị Lan là một trong "Ngũ phụng thư" của nghĩa quân Tây Sơn và đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân đất Việt qua nhiều thế hệ. Lúc còn sống, bà được người đời khâm phục vì vừa có nhan sắc vừa có lòng dũng cảm và tài cầm quân của một kiệt tướng, khi ra đi bà đã khiến kẻ thù phải nể sợ trước khí tiết của một anh hùng.
Nhắc lại lịch sử của các vị nữ tướng thời Tây Sơn, để thấy truyền thống anh hùng bất khuất của phụ nữ Việt Nam, từ Bà Trưng, Bà Triệu đến nay, thời nào cũng sản sinh lắm những nữ dũng tướng tài ba. Ngày nay, phụ nữ Việt Nam không ngừng phát huy truyền thống "anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" bằng việc tích cực tham gia và thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động và có nhiều đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.