Nữ đạo diễn duy nhất của Việt Nam được ghi tên trong từ điển của Liên Xô
Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Diệp là nữ đạo diễn điện ảnh đầu tiên của Việt Nam. Bà được biết đến với nhiều bộ phim nổi tiếng như: Người về đồng cói (1973), Ngày lễ Thánh (1976), Câu chuyện làng dừa (1977), Người chưa biết nói (1979), Ai giận ai thương (1982)... Nổi bật nhất là hai bộ phim Ngày lễ Thánh và Huyền thoại mẹ đều do Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang đóng vai chính, đều giành được giải thưởng Bông sen Bạc lần lượt tại hai kỳ Liên hoan phim năm 1977 và năm 1988.
Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Diệp tên thật là Nguyễn Thanh Tâm, sinh năm 1929 tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống nhiếp ảnh. Từ năm 6 tuổi, nữ nghệ sĩ đã được đưa theo học ở trường tu viện Saint Dominique ở Hải Phòng. Khi mới chỉ 16 tuổi, nghệ sĩ Bạch Diệp đã đi theo Việt Minh, tham gia tổng khởi nghĩa và tham gia phụ nữ cứu quốc ở Hải Dương rồi hoạt động trong Tỉnh hội và thường vụ liên khu III.
Năm 1959, bà theo học lớp đạo diễn điện ảnh do Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) mở dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Liên Xô. Bà tốt nghiệp năm 1963, sau đó về làm việc tại Hãng phim truyện Việt Nam. Tác phẩm đầu tay của bà là bộ phim Trần Quốc Toản ra quân chuyển thể từ chèo, sau được trao giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ hai.
Trong làng điện ảnh trước đây, nhiều người gọi Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Diệp là "nữ tướng trường quay" bởi tính cách rất quyết liệt khi ra phim trường. Tuy nhiên, bà lại là một người rất ấm áp và có trái tim nhân hậu. Có giai thoại kể rằng, hồi còn bé, mỗi khi được cho tiền hoặc có tiền mừng tuổi, bà thường chia làm hai phần, phần chia cho người nghèo khổ, phần còn lại mua vé xem phim. Bà mê phim đến độ, không có phương tiện đi lại, bà sẵn sàng đi bộ 7km đến rạp để mua bằng được vé xem phim. Một bộ phim khiến bà cảm thấy hấp dẫn, bà sẵn sàng đi xem đến 3 – 4 lần.
Với 15 phim truyện nhựa và hàng chục phim truyền hình, trong đó có nhiều phim đoạt giải cao tại các Liên hoan phim trong và ngoài nước, tài năng, bản lĩnh của nữ đạo diễn Bạch Diệp còn được ghi nhận trong Bách khoa toàn thư điện ảnh Liên Xô. Trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật, Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Diệp đã luôn lao động hết mình và với sự năng động, quyết liệt và sâu sắc, cống hiến cho đến tận tuổi 80, bà khiến cho nhiều thế hệ đồng nghiệp nể phục, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ.
Nhà văn Lê Phương nhận xét về Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Diệp rằng: "Những người có tinh thần yêu nghề, tôn trọng nghề, say mê với nghề như Bạch Diệp không nhiều. Bà ấy nói một câu rất xúc động với tôi: "Nếu không làm phim thì tôi cảm thấy không sống". Và khi làm bộ phim cuối cùng, bà ấy rất yếu, trợ lý phải đẩy xe lăn cho bà quay. Phải thấy đấy mới là người yêu nghề đến hơi thở cuối cùng".
Nghệ sĩ Nhân dân Nhuệ Giang cũng tâm sự: "Cô Diệp là một trong những đạo diễn làm rất nhiều phim và có sức khỏe rất tốt. Cô có một hoàn cảnh gia đình thiệt thòi và cống hiến hết cho điện ảnh. Cô rất hăng say hoạt động, làm rất nhiều thể loại phim. Cô có thể làm những phim hoành tráng như: Hoa ban đỏ, Trừng phạt, những cảnh lớn như di tản, kể cả phim tâm lý. Cô không né tránh bất cứ đề tài nào".
Năm 1992, sau khi về hưu, Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Diệp vẫn tiếp tục làm phim cộng tác với các chương trình Điện ảnh chiều thứ 7 và Văn nghệ chủ nhật của Đài Truyền hình Việt Nam. Năm 1997, nữ đạo diễn được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Năm 2007, bà được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho hai tác phẩm: Ngày lễ thánh, Huyền thoại mẹ.
Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Diệp từng kết hôn 2 lần nhưng không có con. Cho đến bây giờ, cuộc hôn nhân ngắn ngủi giữa Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Diệp với thi sĩ Xuân Diệu – người chồng đầu tiên của bà vẫn được người đời nhắc đến.
Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Diệp từng kể rằng, cuối năm 1957, khi đó bà 27 tuổi thì được ông Hoàng Tùng (nguyên Tổng biên tập báo Nhân dân) ngỏ lời mai mối thi sĩ Xuân Diệu cho bà. Khi ấy vốn là người yêu thơ và cảm phục tài năng của chàng thi sĩ, bà thường chép thơ của ông vào những cuốn sổ tay. Ngay lần gặp đầu tiên, Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Diệp đã chìm đắm trong đôi mắt to, sáng và vẻ ngoài lãng tử của "ông hoàng thơ tình".
Trong những buổi hẹn hò sau đó, thi sĩ Xuân Diệu thường chở Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Diệp trên xe đạp lang thang ngoại ô chơi. Chuyện tình của họ cũng là cảm hứng giúp thi sĩ Xuân Diệu viết lên những dòng thơ tình bất hủ: "Tôi cầm mùi dạ lan hương/ Trong tay đi đến người thương cách trùng/ Dạ lan thơm nức lạ lùng/ Tưởng như đi mãi không cùng mùi hương".
Thực ra ngày ấy, dù rất yêu thơ và nể phục tài năng của thi sĩ Xuân Diệu nhưng Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Diệp vẫn cảm giác có sự xa cách của hai thế hệ, nhận ra có sự khác biệt giữa thơ và đời thực. Nhưng vì cha mẹ sốt ruột khi con gái đã gần 30 tuổi, giục chuyện cưới xin nên bà đồng ý lấy thi sĩ làm chồng.
Sau khoảng 1 năm hẹn hò, thi sĩ Xuân Diệu và Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Diệp tổ chức đám cưới vào tháng 4/1958. Có giai thoại, trong đêm đầu tiên trở thành vợ chồng, thi sĩ tỏ ra rất chu đáo, pha nước ấm để vợ đi tắm. Những điều này khiến bà Bạch Diệp rất cảm động. Ngồi trong căn phòng tân hôn, cô dâu đầy ngại ngùng và e ấp, bàn tay mềm mại của thi sĩ đặt lên vai khiến tim bà đập thình thịch, má đỏ bừng ngượng ngùng.
Rồi Xuân Diệu cất tiếng hỏi: "Em này! Có thấy cái bút ở đâu không?", ngạc nhiên Bạch Diệp đáp lại: "Để làm gì hả anh?". Xuân Diệu không trả lời, ông lục tung bàn, giấy tờ và cúi cả xuống gầm giường tìm bút sau đó ngồi vào bàn loay hoay viết rồi cầm tờ giấy sang đọc thơ cho vợ nghe. Sau đó lại tiếp tục hì hụi viết như quên mất cô dâu và đêm tân hôn đáng lẽ diễn ra như bao đôi vợ chồng mới cưới khác.
Tuy nhiên, lấy nhau được 6 tháng mà cả hai vẫn "chưa xảy ra chuyện gì" nên cha của Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Diệp chủ động nói chuyện với con rể để cả hai chia tay nhau. Nhớ lại cuộc hôn nhân ngắn ngủi, Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Diệp từng cho biết, sau khi "đường ai nấy đi", bà trở về sống với cha mẹ ruột trên phố Bà Triệu. Cả hai vẫn dành cho nhau sự tôn trọng, xem như người bạn thân quý mến, chào hỏi bình thường. Sau chia tay Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Diệp, thi sĩ Xuân Diệu sống một mình, làm bạn với văn thơ cho đến cuối đời.
Ngày thi sĩ Xuân Diệu qua đời, Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Diệp mang đến một bó lay ơn và cúc trắng để tiễn người quá cố. Vào giây phút đưa tang, bà ngồi lên xe tang, bên cạnh linh cữu của Xuân Diệu để đưa ông về cõi vĩnh hằng.
Đến năm 1975, Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Diệp đi bước nữa với ông Nguyễn Đức Tường. Cả hai sống với nhau 15 năm, cho đến khi ông Tường mất vào năm 1990. Trong những năm tháng cuối đời, bà sống một mình trong căn nhà rộng rãi, thỉnh thoảng vài người cháu hay diễn viên hậu bối đến thăm, đưa đi chơi. Ngày 17/8/2013, NSND Bạch Diệp qua đời, hưởng thọ 84 tuổi.