Dân Việt

Sắp xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Bà Trương Mỹ Lan từ không thành khẩn đến ăn năn hối cải

Xuân Huy - Chinh Hoàng 17/09/2024 06:36 GMT+7
Tại phiên tòa xét xử giai đoạn 2, Trương Mỹ Lan cùng 33 bị can hầu tòa với các tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền, Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Ngày 19/9 tới đây, TAND TP.HCM sẽ xét xử giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Ở phiên tòa này, Trương Mỹ Lan cùng 33 bị can hầu tòa với các tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền, Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Quyết định đưa vụ án ra xét xử và các phụ lục danh sách bị hại, danh sách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án đã được TAND TP.HCM đăng công khai trên Trang thông tin điện tử TAND TP.HCM tại địa chỉ: https://hochiminhcity.toaan.gov.vn. 

Toà án sẽ xét xử vắng mặt 35.824 bị hại, nhưng vẫn sẽ đảm bảo quyền cho những người này.

Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra trong vòng 1 tháng, do bà Nguyễn Thị Hà làm chủ tọa. 

Trương Mỹ Lan phải khắc phục hậu quả gần 700 nghìn tỷ đồng

Tại phiên tòa xét xử giai đoạn 1 diễn ra hồi tháng 3, Trương Mỹ Lan bị HĐXX TAND TP.HCM tuyên phạt tử hình về tội Tham ô tài sản; 20 năm về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; 20 năm tù về tội Đưa hối lộ. Tổng hợp hình phạt chung là tử hình.

HĐXX xác định, Trương Mỹ Lan chiếm đoạt của SCB hơn 677.000 tỷ đồng, tuy nhiên bị cáo đã nộp tiền khắc phục hậu quả nên chỉ còn bồi thường hơn 673.800 tỷ đồng.

Toàn cảnh vụ án Trương Mỹ Lan sắp xét xử giai đoạn 2- Ảnh 1.

Bị can Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Ảnh: L.G.

Tòa nhận định dù không quản lý, điều hành trực tiếp nhưng bị cáo Lan có vai trò cao nhất, có quyền quyết định toàn bộ tại SCB. Từ đó, bị cáo Trương Mỹ Lan sử dụng SCB như công cụ tài chính, huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân rồi sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để lập hồ sơ vay khống, nâng giá tài sản đảm bảo; đưa tài sản không đủ pháp lý, rút tài sản có giá trị lớn hoán đổi bằng tài sản có giá trị thấp hơn để rút tiền SCB.

Viện kiểm sát nêu quan điểm có đủ căn cứ xác định từ ngày 1/1/2012 đến ngày 17/10/2022 Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền đặc biệt lớn: 677.286 tỷ đồng. Đây chính là hậu quả thiệt hại của vụ án do hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan gây ra.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo không hợp tác khai báo, không thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây dư luận xấu trong xã hội. 

Trương Mỹ Lan là bị cáo duy nhất trong vụ án này bị tuyên phạt tử hình. 

Trong vụ án này, bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) bị tuyên phạt mức án tù chung thân về tội Tham ô tài sản, 19 năm tù về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. Tổng hợp hình phạt là tù chung thân.

Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc SCB) bị tuyên phạt mức án tù chung thân về tội Tham ô tài sản, 19 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp là tù chung thân.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN) bị tuyên phạt tù chung thân về tội Nhận hối lộ.

Bị cáo Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) bị tuyên phạt 19 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, mức án tù chung thân về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt là tù chung thân. Tuy nhiên, bị cáo này đang bỏ trốn nên Bộ Công an đã ra quyết định truy nã và HĐXX TAND TP.HCM đã xét xử vắng mặt.

Trương Mỹ Lan được đánh giá có chuyển biến về nhận thức pháp luật, ăn năn hối cải

Theo cáo trạng, Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được Trương Mỹ Lan thành lập. Bà Lan nắm giữ 60% cổ phần và làm Chủ tịch Hội đồng quản trị từ năm 1992.

Ngoài ra, bà Lan thông qua người thân, pháp nhân và cá nhân khác đứng tên hộ để nắm giữ phần lớn cổ phần tại Ngân hàng SCB, Công ty cổ phần chứng khoán Tân Việt (TVSI). Qua đó, bà Lan thao túng, chỉ đạo, điều hành, chi phối mọi hoạt động của các pháp nhân này.

Cáo trạng xác định từ năm 2018 đến năm 2020, bà Lan đã đề ra chủ trương và chỉ đạo các bị can: Đinh Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng SCB; Võ Tấn Hoàng Văn , Tổng giám đốc Ngân hàng SCB; Nguyễn Phương Hồng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB... sử dụng 4 công ty: An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra phát hành 25 mã trái phiếu "khống", tổng khối lượng hơn 308 triệu trái phiếu, huy động vốn của 35.824 nhà đầu tư (nhà đầu tư thứ cấp).

Toàn cảnh vụ án Trương Mỹ Lan sắp xét xử giai đoạn 2- Ảnh 2.

Tại giai đoạn 2, bà Lan được Cơ quan điều tra đánh giá là có chuyển biến về nhận thức và ý thức pháp luật, ăn năn hối cải. Ảnh: Lê Giang.

Qua đó, bà Lan thu về tổng số tiền hàng chục ngàn tỷ đồng, sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng mục đích phát hành, dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ trái phiếu. Bị can và đồng phạm chiếm đoạt số tiền hàng chục ngàn tỷ đồng của 35.824 bị hại.

Đối với hành vi rửa tiền, bà Lan và 8 đồng phạm bị cáo buộc chiếm đoạt hàng trăm nghìn tỷ đồng thông qua tham ô tài sản và phát hành trái phiếu.

Về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, cáo trạng nêu trong 10 năm từ 2012 đến 2022, Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã sử dụng 23 công ty (12 công ty tại Việt Nam và 11 công ty, tổ chức nước ngoài) để chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền từ nước ngoài về Việt Nam. Trong đó, 21 công ty đã thực hiện 78 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài trái quy định (tổng cộng 1,5 tỷ USD - khoảng 35.360 tỷ đồng) và thực hiện 152 giao dịch nhận tiền từ nước ngoài về (tổng 3 tỷ USD, tương đương 71.360 tỷ đồng). Tổng số tiền bà Lan bị cáo buộc vận chuyển trái phép qua biên giới là 4,5 tỷ USD (106.730 tỷ đồng).

Nếu như ở giai đoạn 1 của vụ án, bà Lan bị cho là không thành khẩn khai báo thì tại giai đoạn 2, bà Lan được Cơ quan điều tra đánh giá là có chuyển biến về nhận thức và ý thức pháp luật, ăn năn hối cải, chủ động khắc phục một phần hậu quả, bồi thường thiệt hại cho trái chủ.