Theo Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, thời gian qua, các sở, ban, ngành ở tỉnh Trà Vinh luôn quan tâm đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo đối với người dân tộc thiểu số (DTTS).
Riêng trong năm 2024, kế hoạch đề ra là sẽ tiếp tục đầu tư cải tạo và nâng cấp 8 trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT). Trong đó cấp huyện 7 trường (tập trung ở các huyện Trà Cú, Tiểu Cần, Cầu Ngang, Duyên Hải, Châu Thành, Cầu Kè) và cấp tỉnh 1 trường; mua sắm trang thiết bị chuyển đổi số; đào tạo bồi dưỡng cho giáo viên và cán bộ quản lý các trường PTDTNT; tổ chức huy động người mù chữ tham gia lớp học; bồi dưỡng kiến thức dân tộc; đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào DTTS.
Hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng; đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, người dạy nghề tại các huyện Cầu Kè, Duyên Hải, Tiểu Cần, Trà Cú và TP.Trà Vinh; tổ chức 68 lớp nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia 1719.
Các phần việc trên được thực hiện từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719). Tính đến hết tháng 8 vừa qua, đã giải ngân được 27,6 tỷ đồng trong tổng số 57,4 tỷ đồng từ ngân sách trung ương.
Theo phóng viên tìm hiểu, 8 trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đang đầu tư cải tạo, nâng cấp nói trên đang đào tạo cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, với khoảng 3.000 học sinh theo học mỗi năm.
Tỉnh Trà Vinh có Trường Trung cấp Pali Khmer (phường 8) - trường đầu tiên ở khu vực ĐBSCL đào tạo học sinh, tăng sinh Khmer ở hai hệ: Trung học phổ thông hệ giáo dục thường xuyên và Trung cấp Bali Khmer.
Trà Vinh cũng là tỉnh duy nhất trong cả nước đào tạo ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật Khmer ở bậc đại học tại Trường Đại học Trà Vinh. Ngoài ra, tỉnh Trà Vinh còn có 143 chùa Phật giáo Nam tông Khmer tổ chức giảng dạy chữ Khmer, với hơn 3.000 tăng sinh, học sinh theo học.
Chưa dừng lại ở đó, để phát triển giáo dục và đào tạo nhằm tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bào DTTS, nhiều điểm trường ở tỉnh Trà Vinh đã tổ chức dạy chữ Khmer.
Đối với học sinh, sinh viên ở các ấp, xã đặc biệt khó khăn (theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP) còn được hỗ trợ chính sách miễn, giảm học phí. Do đó, an tâm học tập, học sinh người dân tộc Khmer bỏ học giảm dần qua các năm. Hiện đa số các ấp vùng đồng bào dân tộc đều có trường học đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
Ngoài đầu tư về cơ sở vật chất, để nâng cao chất lượng dạy và học, các trường PTDTNT trên địa bàn tỉnh không ngừng đổi mới chương trình và phương pháp dạy học, thường xuyên bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên. Ngoài việc dạy chữ, còn tập trung chú ý nhiều hơn đến việc giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống, xây dựng nhân cách tốt cho học sinh.
Đối với học sinh, ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ học tập trên lớp, còn dành thời gian nghiên cứu, tự học ở nhà hoặc ở trường đối với những học sinh nội trú, tham gia đầy đủ các hoạt động ngoại khóa, nhằm trang bị cho học sinh những kỹ năng sống cần thiết. Do vậy, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên, hàng năm tỷ lệ học sinh lên lớp thẳng, xét công nhận tốt nghiệp đạt khá cao.
Được biết, thời gian qua, cán bộ, giáo viên Khmer trong ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Trà Vinh ngày càng chuẩn hóa. Đến năm 2023, tổng số cán bộ, công chức, viên chức người lao động là dân tộc Khmer có 3.287/14.270 người, chiếm 23,03%. Trong đó, cán bộ quản lý các cấp học 111 người, nhân viên 290 người, giáo viên dạy lớp 2.873 người.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp ủy Đảng và chính quyền trong tỉnh, mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học luôn được đầu tư xây dựng, chất lượng giáo dục và đào tạo người dân tộc Khmer được quan tâm và ngày càng nâng lên. Từ đó, học sinh, sinh viên người DTTS an tâm theo đuổi con đường học tập, không ngừng nâng cao trình độ,
Ngoài góp phần đào tạo nâng cao dân trí trong vùng đồng bào Khmer (từ năm 2016 đến tháng 5/2024, tỉnh Trà Vinh đã phân công công tác cho 118/139 sinh viên đào tạo theo chế độ cử tuyển), phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, việc dạy và học chữ Khmer còn phục vụ và góp phần bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của người dân tộc.
Theo báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia 1719 của Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 92%, cấp tiểu học đạt 100%, cấp trung học cơ sở đạt 98,8%, trung học phổ thông đạt 87,5%; tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt 93,96%; cơ sở vật chất trường lớp học tiếp tục được quan tâm đầu tư, toàn tỉnh có 8.057 phòng học và phòng chức năng, tỷ lệ phòng học kiên cố chiếm 94,61%, bán kiên cố chiếm 5,39%, không còn phòng học tạm thời.