Như Dân Việt đã thông tin: Một lãnh đạo của xã Bằng Thành (huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) xác nhận với Dân Việt, khoảng 18h ngày 17/9 trên địa bàn xã phát hiện một người phụ nữ đã tử vong cùng nhiều vết máu. Nơi phát hiện thi thể là ngôi nhà của nạn nhân thuộc thôn Khuổi Luông của xã Bằng Thành.
Nạn nhân được xác định là bà T.M.L, sinh năm 1972.
Nguồn tin của Dân Việt cho biết, nạn nhân sống cùng chồng là ông Hoàng Sùn T, sinh năm 1977. Nơi nạn nhân sinh sống dân cư phân bố thưa thớt, mỗi nhà một quả đồi tách biệt nên người dân trong thôn trước đó cũng không phát hiện việc có to tiếng hay cãi vã, đánh đập phát ra từ ngôi nhà của nạn nhân.
"Sự việc chỉ được phát hiện khi ông Hoàng Sùn T, chồng nạn nhân về nhà mẹ đẻ cách đó khoảng 1km kể lại việc đã đánh chết vợ mình. Sau khi kể lại với mẹ đẻ, nghi phạm đã bỏ trốn lên rừng. Ngay khi nhận được thông tin, chính quyền xã Bằng Thành cùng lực lượng chức năng đã huy động khoảng 40 người tỏa đi các hướng để tìm kiếm nghi phạm", vị lãnh đạo này cho biết thêm.
Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Quyền lợi hơn 35.000 nhà đầu tư ra sao khi xét xử vắng mặt?
Ngày 19/9, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 33 đồng phạm về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Tòa án đã đề nghị 35.824 người bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan theo dõi thông tin về ngày, giờ xét xử vụ án và cập nhật diễn biến vụ án trên trang thông tin điện tử của TAND TP.HCM.
Tòa án sẽ tiến hành xét xử vắng mặt bị hại, đương sự theo quy định tại Điều 62, Điều 65 và Điều 292 Bộ luật Tố tụng hình sự, đảm bảo quyền, lợi ích của các bị hại, đương sự theo đúng quy định của pháp luật.
Việc xét xử vắng mặt các bị hại, đương sự không gây ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án và không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bị hại, đương sự.
Ở giai đoạn 2 của vụ án, bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành trái phiếu, rửa tiền hơn 445.000 tỷ đồng và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới 4,5 tỷ USD.
Bà Trương Mỹ Lan là người đưa ra chủ trương phát hành trái phiếu của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và chỉ đạo cấp dưới phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại các công ty nêu trên không đúng quy định của pháp luật để chiếm đoạt số tiền hơn 30.000 tỷ đồng của 35.824 người bị hại.
Bị cáo Lan xin chịu trách nhiệm về sai phạm của mình và chịu trách nhiệm trả nợ trái phiếu cho các trái chủ bằng hình thức: Sử dụng toàn bộ tiền, tài sản mà bà Lan đã bị kê biên, phong tỏa, ngăn chặn, thu giữ và toàn bộ các khoản tiền, tài sản mà TAND TP.HCM đã tuyên các cá nhân/tổ chức phải trả lại hoặc bồi thường cho bà Lan để ưu tiên thanh toán nợ và lãi trái phiếu cho các trái chủ.
Bên cạnh đó, bà Lan cũng mong muốn các cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc sử dụng tiền huy động trái phiếu phải cùng có trách nhiệm với bị cáo để đảm bảo việc trả hết tiền cho người dân.
Tính đến ngày 8/7, gia đình bà Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã nộp hơn 386 tỷ đồng; bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM đã buộc các tổ chức, cá nhân nộp lại hoặc hoàn trả cho bà Lan các tài sản, tiền mặt giá trị khoảng 21.000 tỷ đồng. Cùng với đó là tài sản của bà Lan hoặc có liên quan đến bà Lan bị kê biên, phong tỏa với giá trị quy đổi là hơn 12.300 tỷ đồng.
Ngoài ra, bà Lan khai, khoảng hơn 17.300 tỷ đồng có nguồn gốc từ việc phát hành trái phiếu đã được bà này dùng để trả nợ cho 9 tổ chức tín dụng. Cơ quan điều tra đã làm rõ những đơn vị, tổ chức sử dụng số tiền này. Do vậy, bà Lan đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng thu hồi số tiền vật chứng trên để trả lại cho các nhà đầu tư.
Theo bản án sơ thẩm hồi xét xử giai đoạn 1, các tài sản, khoản tiền mà HĐXX xác định để khắc phục, đảm bảo nghĩa vụ cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong toàn bộ vụ án là bao gồm vụ án ở giai đoạn 1 và các vụ án của các giai đoạn tiếp theo; ưu tiên thi hành án cho các bị hại liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong việc phát hành trái phiếu. Do đó, tòa án sẽ ưu tiên thi hành án cho các bị hại mua trái phiếu và đảm bảo quyền, lợi ích của các bị hại, đương sự theo đúng quy định của pháp luật.
Viện KSND tối cao đã ra cáo trạng truy tố 15 bị can trong vụ án tại Công ty Xuyên Việt Oil về các tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", "Đưa – Nhận hối lộ" "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".
Theo cáo trạng, quá trình điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu tại Xuyên Việt Oil, bị can Mai Thị Hồng Hạnh có vi phạm trong việc quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu (BOG) và nhiệm vụ thu hộ, chuyển nộp tiền Thuế bảo vệ môi trường vào Ngân sách nhà nước, gây thiệt hại tổng cộng 1.463 tỷ đồng.
Cụ thể, bà Hạnh chỉ đạo nhân viên chuyển tiền Quỹ BOG vào tài khoản cá nhân thay vì trích quỹ BOG theo quy định. Số tiền này được bị can dùng mua bất động sản, cho bạn bè vay; chi tiêu cá nhân; chi hối lộ cho một số cá nhân tại Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính, Cục Thuế TP.HCM…
Để đối phó với hoạt động thanh, kiểm tra, Mai Thị Hồng Hạnh đã chỉ đạo nhân viên kế toán lập 81 Báo cáo tình hình trích lập, sử dụng Quỹ BOG nhưng thực tế số dư trong tài khoản không đúng với số liệu; gây thiệt hại hơn 219 tỷ đồng.
Sai phạm thứ 2 của bà Hạnh xảy ra trong việc Xuyên Việt Oil thu hộ, quản lý, chuyển nộp tiền Thuế bảo vệ môi trường vào ngân sách. Cụ thể, Mai Thị Hồng Hạnh cố ý sử dụng tiền thuế đã thu hộ cho Nhà nước để dùng vào mục đích cá nhân. Việc này gây thất thoát hơn 1.244 tỷ đồng.
Ngoài ra, năm 2021, khi giấp phép kinh doanh xăng dầu của Xuyên Việt Oil hết hạn, bị can Hạnh có hành vi tác động, đưa hối lộ cho nhóm lãnh đạo, cán bộ Bộ Công thương để được cấp lại.
Số này gồm Đỗ Thắng Hải, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương; Trần Duy Đông và Hoàng Anh Tuấn, lần lượt cựu Vụ trưởng và Vụ phó Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương.
Cụ thể, tháng 6/2021, giấy phép của Xuyên Việt Oil chuẩn bị hết hạn nhưng không đủ điều kiện để được cấp lại nên Mai Thị Hồng Hạnh chỉ đạo Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Chi nhánh Hà Nội Xuyên Việt Oil, liên hệ, hối lộ cho cán bộ, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước và Bộ Công Thương để được "tạo điều kiện cấp lại".
Đồng thời, bà Hạnh nhờ Đỗ Thắng Hải, khi đó là Thứ trưởng Bộ Công Thương, giúp đỡ cấp và được giới thiệu gặp Hoàng Anh Tuấn, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước. Tuấn báo cáo lại việc này cho Vụ trưởng Trần Duy Đông và hai người thống nhất tạo điều kiện cho Xuyên Việt Oil theo chỉ đạo của Thứ trưởng Hải.
Ngày 17/6/2021, Mai Thị Hồng Hạnh đưa 10.000 USD cho Nguyễn Văn Thắng để tặng số tiền này cho Hoàng Anh Tuấn. Tuy nhiên khi gặp nhau, Thắng chỉ đưa 5.000 USD, còn lại 5.000 USD, được chuyển vào quỹ Xuyên Việt Oil Chi nhánh Hà Nội.
Một tuần sau, Nguyễn Văn Thắng nộp hồ sơ của Xuyên Việt Oil nhưng sau đó, Hoàng Anh Tuấn ký thông báo về việc chưa chấp thuận cấp lại giấy phép cho Xuyên Việt Oil vì chưa đáp ứng điều kiện về cầu cảng chuyên dụng, kho tiếp nhận xăng dầu và hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định.
Do vậy, Mai Thị Hồng Hạnh liên lạc lại với Tuấn để nhờ giúp đỡ và được tư vấn, hướng dẫn hoàn thiện thủ tục. Xuyên Việt Oil sau đó mua thêm doanh nghiệp khác để đủ số lượng về đại lý bán lẻ theo điều kiện cấp phép rồi nộp lại hồ sơ.
Đồng thời, bị can Hạnh đi mua 300.000 USD, đưa cho cấp dưới Nguyễn Văn Thắng để đi hối lộ nhằm giúp hồ sơ được thông qua.
Bị can Thắng "cất lại" 50.000 USD và mang 250.000 USD còn lại tới phòng làm việc của Trần Duy Đông, nói "chị Hạnh có quà gửi cho anh". Sau khi Thắng ra về, hai lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước là Đông và Tuấn chia nhau số tiền này.
Tháng 11/2021, Bộ Công Thương có đoàn kiểm tra do Hoàng Anh Tuấn làm trưởng đoàn đi kiểm tra điều kiện cấp phép cho Xuyên Việt Oil. Trong lần này, bị can Hạnh lại chỉ đạo hối lộ Tuấn 10.000 USD.
Do vậy, Xuyên Việt Oil đạt tiêu chuẩn rồi được cấp giấy phép kinh doanh đến năm 2026. Ngay sau đó, Mai Thị Hồng Hạnh đến gặp cựu Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, "cảm ơn" bằng 50.000 USD.
Cơ quan điều tra cho rằng, để xin cấp lại Giấy phép kinh doanh xăng dầu cho Xuyên Việt Oil, Mai Thị Hồng Hạnh đã đưa hối lộ tổng cộng 365.000 USD cho lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước và Bộ Công Thương. Trong đó, cựu Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận hối lộ trực tiếp của Mai Thị Hồng Hạnh 50,000 USD, tương đương hơn 1,1 tỷ đồng.
Trong vụ án, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị truy tố về cả 2 hành vi, gồm nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Tổng số hưởng lợi bất chính của ông Thọ là hơn 1 triệu USD.
Ngày 18/9, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can đối với Ngô Thị Như Huệ (SN 1985, ngụ quận 12) và Nguyễn Đức Thành Huy (SN 1989, ngụ tỉnh Bình Định) về tội mua bán trái phép chất độc.
Theo cơ quan chức năng, gần đây nhiều vụ án thương tâm đã xảy ra khi kẻ thủ ác sử dụng xyanua để đầu độc nạn nhân để cướp tài sản hoặc chỉ để giải quyết những mâu thuẫn trong cuộc sống hàng ngày gây phẫn nộ trong dư luận xã hội.
Từ những vụ án tàn độc này cho thấy, việc quản lý, mua bán xyanua còn nhiều lổ hổng, dễ dàng trao đổi, mua bán trên các trang mạng xã hội.
Trước tình hình trên, ngày 9/9, Công an TP.HCM đã triển khai Kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn TP.HCM.
Qua công tác phát động quần chúng nhân dân tham gia phong trào bảo vệ An ninh Tổ quốc, tích cực tố giác tội phạm, Công an quận Bình Thạnh tiếp nhận nguồn tin từ phóng viên Đài truyền hình Việt Nam phát hiện 1 gói hàng chứa chất bột màu trắng được giao nhầm đến trước cửa nhà.
Kết quả giám định ban đầu xác định gói hàng trên có chứa 300 gram chất độc Xyanua. Ban giám đốc Công an TP.HCM đã chỉ đạo Công an quận Bình Thạnh phối hợp với các đơn vị có liên quan khẩn trương truy xét.
Tỉ mỉ lần theo những dấu vết, manh mối để lại, Công an quận Bình Thạnh truy xét, bắt giữ đối tượng Huy, thu giữ hơn 1 kg xyanua được đối tượng cất giấu tại nhà để bán ra thị trường.
Tại cơ quan công an, Huy khai đã sử dụng mạng xã hội Facebook "Hóa chất Nam Phương" và "Hóa chất Xi mạ" để quảng cáo, trao đổi, mua bán chất độc xyanua.
Khi có khách hàng cần mua, Huy đóng gói, giao cho khách hàng thông qua dịch vụ giao hàng - thu hộ.
Từ tháng 3/2023 đến thời điểm bị bắt, Huy đã bán hơn 100kg chất độc Xyanua cho hàng trăm khách hàng tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước mà không quan tâm người mua có giấy phép kinh doanh hoặc có đủ điều kiện sử dụng hóa chất độc hại này không.
Hầu hết người dân mua, sử dụng chất độc xyanua do thiếu hiểu biết về pháp luật và chủ yếu sử dụng để làm xi mạ, sơn, nhuộm, thuốc diệt chuột…
Đáng chú ý, có 16 trường hợp tại TP.HCM và một số tỉnh lân cận mua chất độc xyanua nhằm mục đích tự tử. Trong đó, 2 trường hợp may mắn được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời, 14 trường hợp còn lại từ bỏ ý định tự tử và tự tiêu hủy số chất đốc Xyanua đã mua được.
Từ lời khai của Huy, công an bắt giữ Ngô Thị Như Huệ. Huệ là Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty TNHH hóa chất Nam Phương.
Lợi dụng vị trí công việc và sự quản lý lỏng lẻo hoạt động kinh doanh hóa chất độc hại, nguy hiểm của chủ doanh nghiệp, Huệ đã lập khống hợp đồng mua bán chất độc xyanua của Công ty Nam Phương với các đối tác để tuồn ra ngoài, bán lại cho người khác tại nhiều tỉnh, thành phố để hưởng chênh lệch.
Từ năm 2019 đến nay, Huệ đã bán tổng cộng 2,55 tấn chất độc xyanua với tổng số tiền thu được hơn 373 triệu đồng cho 11 khách hàng.
Riêng Huy mua chất độc xyanua về để bán lại kiềm lời bất chính; các trường hợp còn lại đều sử dụng vào trường hợp khai khoáng và chế tác kim loại. Công an quận Bình Thạnh đã thu giữ 149,2 kg chất độc xyanua.
Ngày 18/9, trên địa bàn xã Thanh Sơn, huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng đã xảy ra vụ án mạng nghiêm trọng khiến một người phụ nữ tử vong.
Theo nguồn tin từ cơ quan chức năng, vào khoảng 15h cùng ngày Nguyễn Tiến Hái (SN 1981, xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng) xảy ra mâu thuẫn với vợ. Sau đó đối tượng đã dùng dao sát hại nạn nhân rồi bỏ trốn khỏi hiện trường. Mặc dù đã được đưa đi cấp cứu, nhưng nạn nhân được xác định đã tử vong.
Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã có mặt tiến hành khám nghiệm hiện trường, huy động lực lượng, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ xác minh, điều tra, khẩn trương, nhanh chóng truy bắt đối tượng gây án. Đối tượng hiện đã bị lực lượng chức năng bắt giữ để tiếp tục điều tra làm rõ.