Chia sẻ với Dân Việt, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nói rằng, giải thưởng Cánh diều 2024 vừa qua có nhiều sự khởi sắc, khi có nhiều phim truyền hình phía Nam tham gia tranh tài. Ông nhấn mạnh rằng, tín hiệu này cho thấy màu sắc mới mẻ cho giải thưởng, khiến cho công chúng không "lầm tưởng" giải Cánh diều mọi năm giống như một sự ưu tiên cho Trung tâm Phim truyền hình Việt Nam (VFC), bởi những bộ phim từ đơn vị này luôn luôn được giải quan trọng.
Các phim truyền hình phía Nam tham dự tranh giải năm nay như: Nữ luật sư hay Tình yêu đến cùng gió biển được sản xuất bởi Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV), nhưng rốt cuộc sự chú ý vẫn thuộc về các phim của VFC, khi hai bộ phim như: Gặp em ngày nắng, Cuộc đời vẫn đẹp sao hay Cuộc chiến không giới tuyến đều mang về những giải thưởng quan trọng.
Điều này một phần có thể giải thích rằng, do các phim truyền hình ở phía Nam không có sự thay đổi đề tài một cách đa dạng, nên dễ rơi vào tình trạng "thụt lùi" so với các phim phía Bắc.
Tính riêng trong nửa cuối năm 2023 đến năm 2024, gần như các phim truyền hình phía Nam đều lấy đề tài drama, đánh ghen và mâu thuẫn gia đình. Có thể kể tới các bộ phim như: Hoa hồng cho sớm mai, Bến bờ hạnh phúc, Trên cả tình thân… từ các đơn vị sản xuất như SCTV hay Truyền hình Vĩnh Long (THVL)
Trong khi đó, phim truyền hình phía Bắc đã thoát khỏi khuôn mẫu nhưng đề tài phim gia đình, đánh ghen từ rất lâu, cố gắng mạnh dạn khai thác những đề tài mới. Trong đó, bộ phim Cuộc đời vẫn đẹp sao khai khác cuộc sống của những người dân nghèo gầm cầu Long Biên hay Cuộc chiến không giới tuyếm mô tả cuộc chiến chống buôn lậu của những chiến sĩ bộ đội biên phòng.
Giải thích cho điều này, NSƯT Đỗ Thanh Hải - Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam chia sẻ với PV Dân Việt rằng, phần nhiều do các trang thiết bị phía Bắc có đầy đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu sản xuất phim truyền hình. Ông cho hay: "Hiện nay chỉ có duy nhất Đài Truyền hình Việt Nam có đủ năng lực để đáp ứng con số 30% so với tổng thời lượng phát sóng phim của mỗi đài truyền hình, còn một số nơi như Đài Truyền hình Vĩnh Long, Đài Truyền Hình TP.HCM hiện nay không có cơ sở sản xuất phim Việt".
Bản thân đạo diễn, NSƯT Nhâm Minh Hiền – gương mặt đạo diễn nổi bật của làng truyền hình phía Nam cũng bày tỏ rằng, điều kiện làm phim truyền hình phía Nam chưa cho phép nghĩ tới những điều cao xa hơn: "Có nhiều kịch bản viết rất hay, bay bổng. Nhưng khi đụng vào thực tế, kinh phí không cho phép chọn bối cảnh như kịch bản văn học và đạo diễn buộc phải đổi bối cảnh, chỉnh sửa đường dây tâm lý và cả lời thoại cho phù hợp".
Có thể dễ dàng nhận ra, dạo gần đây các phim truyền hình phía Nam đã có nhiều cố gắng để thay đổi, điển hình nhất là việc mời những gương mặt phía Bắc vào Nam đóng phim, đem lại dư vị mới cho khán giả.
Bộ phim Hạnh phúc bị đánh cắp phát sóng trên VTV9 gần đây có sự tham gia của NSND Lan Hương, đạt 120 triệu lượt xem trên các nền tảng (VieON, Tiktok, Facebook, YouTube). NSƯT Nhâm Minh Hiền – đạo diễn bộ phim cho biết, ông chấp nhận mất gần 1 năm casting dàn diễn viên từ Bắc tới Nam để đem lại xúc cảm mới cho người xem. Ngoài ra, kịch bản bộ phim cũng mất đến gần 3 năm chỉnh sửa, đầu tư trang phục bối cảnh đắt tiền.
Tuy nhiên, thay đổi cũng vấp phải khá nhiều trở ngại. Quỳnh Lương – gương mặt từng nổi tiếng với các phim truyền hình phía Bắc như Đừng làm mẹ cáu, Ga-ra hạnh phúc từng bày tỏ áp lực khi đóng phim phía Nam và lồng tiếng giọng Nam trong bộ phim Mặt trời mùa đông: "May quá tôi sinh ra ở Bắc, chứ nếu sinh ở miền Nam thì giọng Sài Gòn sẽ ra sao đây? Quả thật khi xem lại, Quỳnh Lương rất buồn cười, cứ ngỡ là ai đó không phải mình". Thời điểm đó, Quỳnh Lương cũng gặp khá nhiều ý kiến trái chiều của khán giả.
Chị Phương Thảo - Giám đốc sản xuất DTT Media (đơn vị làm phim Nữ luật sư) cũng bày tỏ những khó khăn khi sử dụng diễn viên phía Bắc, đó là các diễn viên phía Bắc nhiều khi rất khó để sắp xếp lịch trình, mỗi nhân vật phải thử chục người để chọn một người hợp nhất nhưng cũng khó mỹ mãn như diễn viên tự lồng. Việc diễn viên miền Bắc nhưng lên phim nói giọng miền Nam khá phổ biến ở các phim phía Nam gần đây.
Điều cần làm là cần tới một đơn vị có thể đo lường chính xác tỷ suất xem phim truyền hình trên các đài, để có thể tăng tình cạnh tranh cho các phim truyền hình.
Ông Huỳnh Long Thuỷ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần VieOn cho biết: "Phương pháp đo rating truyền thống bị tác động bởi con người, tức là từ khâu đặt mẫu cho tới tính toán là thủ công. Vì thế người ta có thể can thiệp vào các mẫu đó làm thay đổi rating.
Chúng tôi tính toán chỉ cần thay đổi 15 mẫu là đã cho ra một kết quả rất khác. Còn với OTT (nền tảng trực tuyến) chúng ta sẽ đo đếm đủ và biết chương trình có giá trị hay không. Việc lên kế hoạch chương trình dựa vào dữ liệu chuẩn nó sẽ mang lại giá trị tốt hơn cho khán giả bởi khi ta biết khán giả là ai thì ta sản xuất nội dung trúng với thị hiếu của họ".
Ngoài ra, khi điều kiện làm phim truyền hình ở phía Nam chưa tốt, việc kết hợp với các đơn vị tư nhân đang có nguồn lực mạnh mẽ cũng là điều khả dĩ. Ông Trần Đăng Tuấn từng giữ chức Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam đã ủng hộ việc nhiều đơn vị ngoài đài tham gia làm phim truyền hình. Ông cho rằng đã qua thời các đạo diễn tự hài lòng với mình vì phim làm ra kiểu gì cũng được phát sóng. Chính yếu tố cạnh tranh đã kích thích họ sáng tạo và tìm tòi cách thể hiện mới mẻ. Xã hội hóa phim truyền hình đã tạo nên một cuộc cạnh tranh lành mạnh, tạo ra một thế hệ các đạo diễn trẻ với nhiều phương pháp làm phim.