Như đã đưa, Viện KSND tối cao ra cáo trạng, đề nghị truy tố cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ về các tội "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi".
Ông Thọ bị cáo buộc nhận số tiền, quà tặng "khủng" từ Mai Thị Hồng Hạnh, bà chủ Công ty Xuyên Việt Oil trong suốt thời gian từ khi làm trong ngành ngân hàng đến lúc giữ cương vị lãnh đạo tỉnh Bến Tre.
Quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thu giữ, tạm giữ nhiều đồ vật của ông Lê Đức Thọ, như 1 ôtô Mercedes, 3 bộ gậy golf hiệu Honma, 134 bản chính sổ/thẻ tiết kiệm; 4 sổ đỏ, 9 điện thoại di động...
Cơ quan điều tra còn thu giữ 13 đồng hồ của cựu bí thư Bến Tre gồm các hãng Patek Philippe, Tissot, Speak - Marin, Breguet, Blainpain; 3 chiếc đồng hồ để bàn, có một chiếc hiệu Patek Philippe.
Ngoài ra, công an cũng tìm thấy và thu giữ 97 miếng kim loại màu vàng khi khám xét chỗ ở của ông Lê Đức Thọ. Qua giám định, cơ quan chức năng xác định 97 miếng này đều là vàng, có hàm lượng trung bình 99,99%.
Đây không phải trường hợp đầu tiên quan chức bị cơ quan điều tra thu giữ số tài sản lớn. Như trong vụ chuyến bay giải cứu, cựu Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn bị kê biên 1 tỷ đồng, 210.000 USD cùng 146 "miếng kim loại màu vàng". Giám định cũng cho thấy cả 146 miếng này đều là vàng "4 số 9", nặng tổng cộng 5,4kg và có giấy đảm bảo kiêm hóa đơn bán lẻ.
Ông Tuấn bị kê biên số tài sản trên khi bị khởi tố với cáo buộc "Môi giới hối lộ", cầm tiền "chạy án" đưa điều tra viên Hoàng Văn Hưng và qua đây hưởng lợi 1,85 triệu USD. Do cựu Thiếu tướng đã nộp lại số này nên viện kiểm sát đề nghị trả lại toàn bộ tiền cùng 146 miếng vàng cho gia đình ông.
Vụ việc khác cơ quan điều tra cũng thu giữ lượng vàng lớn là vụ án "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi", xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn và các đơn vị, địa phương liên quan.
Tính đến tháng 7/2024, có 23 người bị khởi tố trong vụ án về các tội danh nói trên. Nhằm thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện thu giữ trên 300 tỷ đồng, 500 lượng vàng, 2 triệu USD, hơn 1.000 sổ đỏ của các bị can liên quan. Hiện, vụ án vẫn đang tiếp tục được điều tra.
Hoặc trong vụ án xảy ra tại Công ty AIC, cơ quan tố tụng đã tịch thu, kê biên của Giám đốc doanh nghiệp này là Nguyễn Thị Thanh Nhàn lượng lớn bất động sản, gồm cả biệt thự trên đất vàng.
Có thể kể đến căn biệt thự 357m2 ở phố Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội); biệt thự 453m2 tại phố Nguyễn Huy Tự (Hai Bà Trưng, Hà Nội); 6 căn hộ chung cư Pacific Place trên phố Lý Thường Kiệt; thửa đất hơn 4.000m2 tại quận Bắc Từ Liêm đứng tên Công ty AIC. Phía điều tra còn phong tỏa hơn 107 tỷ đồng trong tài khoản của AIC để đảm bảo thi hành án.
Một bị án gắn liền với nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn là Phan Văn Anh Vũ, Chủ tịch nhiều công ty lớn. Ông Vũ bị xử lý trong nhiều vụ án khác nhau về hàng loạt tội danh nhưng riêng trong vụ án liên quan 2 cựu Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, vị này bị kê biên 42 tài sản, bất động sản.
Trong số đó có 10 tài sản, bất động sản liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội của Phan Văn Anh Vũ được kê biên để thu hồi tài sản và 32 tài sản, bất động sản khác đứng tên chung vợ chồng ông Vũ, được kê biên qua xác minh để bảo đảm thi hành án. Kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản Trung ương cho rằng, tổng giá trị của 42 tài sản, bất động sản nêu trên có giá trị hơn 3.519 tỷ đồng.