Như Dân Việt đã thông tin, Viện KSND tối cao ra cáo trạng, đề nghị truy tố cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ về các tội "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi".
Ông Thọ bị cáo buộc nhận số tiền, quà tặng "khủng" từ Mai Thị Hồng Hạnh, bà chủ Công ty Xuyên Việt Oil trong suốt thời gian từ khi làm trong ngành ngân hàng đến lúc giữ cương vị lãnh đạo tỉnh Bến Tre.
Quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thu giữ, tạm giữ nhiều đồ vật của ông Lê Đức Thọ, như 1 ôtô Mercedes, 3 bộ gậy golf hiệu Honma, 134 bản chính sổ/thẻ tiết kiệm; 4 sổ đỏ, 9 điện thoại di động...
Cơ quan điều tra còn thu giữ 13 đồng hồ của cựu bí thư Bến Tre gồm các hãng Patek Philippe, Tissot, Speak - Marin, Breguet, Blainpain; 3 chiếc đồng hồ để bàn, có một chiếc hiệu Patek Philippe.
Ngoài ra, công an cũng tìm thấy và thu giữ 97 miếng kim loại màu vàng khi khám xét chỗ ở của ông Lê Đức Thọ. Qua giám định, cơ quan chức năng xác định 97 miếng này đều là vàng, có hàm lượng trung bình 99,99%.
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định pháp luật, số tài sản mà Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang thu giữ, tạm giữ của ông Lê Đức Thọ sẽ được xác định là vật chứng trong vụ án hình sự.
Vật chứng trong vụ án hình sự là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, tiền hoặc vật khác… có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án. Khi đình chỉ vụ án hoặc vụ án đã đưa ra xét xử, vật chứng phải được xử lý.
Việc xử lý vật chứng của vụ án được thực hiện theo quy định tại Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Điều 7 Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐTP.
Cụ thể, theo bà Thơ, vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước hoặc tiêu hủy; Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước.
Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được sẽ bị tịch thu và tiêu hủy; Vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm hoặc sản phẩm của chúng được xử lý như sau:
Vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm còn sống thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành để trả về tự nhiên, giao cho trung tâm cứu hộ, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia hoặc giao cho cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
Vật chứng là cá thể động vật chết hoặc sản phẩm động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc loại mau hỏng, khó bảo quản sẽ tiêu hủy hoặc giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Vật chứng khác không thuộc hai trường hợp trên sẽ tịch thu hoặc tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo quy định trên, vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước hoặc tiêu hủy.
Còn vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước. Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được sẽ bị tịch thu và tiêu hủy…
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ số tài sản này có nguồn gốc từ đâu, có phải là tiền đưa hối lộ hay không hoặc có nguồn gốc phạm tội khác hay không để xem xét giải quyết.
Nếu các tài sản trên được xác định là do phạm tội mà có, sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước. Còn trường hợp tài sản không phải do phạm tội mà có thì sẽ trả lại cho ông Lê Đức Thọ.