Dân Việt

Trung Quốc tăng tuổi nghỉ hưu vì cạn quỹ lương?

Trọng Hà (Theo SCMP) 20/09/2024 20:12 GMT+7
Một số chuyên gia cho rằng động thái này được thực hiện muộn màng, trong khi Trung Quốc đang đối mặt với áp lực lớn từ hệ thống an sinh xã hội do dân số già hóa.

Ngày 19/9, cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc đã chính thức phê duyệt kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu cho nam và nữ giới, trong bối cảnh đất nước này đối mặt với tình trạng dân số già hóa nhanh chóng và thách thức về lực lượng lao động. Theo kế hoạch mới, từ ngày 1/1/2025, tuổi nghỉ hưu của nam giới sẽ được nâng từ 60 lên 63, trong khi phụ nữ làm công việc trí óc sẽ nghỉ hưu ở tuổi 58 thay vì 55. Đối với lao động nữ chân tay, tuổi nghỉ hưu cũng tăng từ 50 lên 55.

Kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu được thực hiện trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm trong vòng 15 năm tới. Tuy nhiên, quyết định này đã làm dấy lên lo ngại trong xã hội, đặc biệt từ phía người lao động và các chuyên gia kinh tế. Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin rằng nhiều người lo ngại về tác động của chính sách này đối với thị trường việc làm vốn đã ảm đạm và triển vọng kinh tế không mấy sáng sủa. Một số chuyên gia cho rằng động thái này được thực hiện muộn màng, trong khi Trung Quốc đang đối mặt với áp lực lớn từ hệ thống an sinh xã hội do dân số già hóa.

Trung Quốc tăng tuổi nghỉ hưu vì cạn quỹ lương?

Phó giáo sư Alfred Wu, thuộc Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu của Đại học Quốc gia Singapore, nhận định rằng Bắc Kinh đã bỏ lỡ "cơ hội vàng" để điều chỉnh tuổi nghỉ hưu trước khi đại dịch bùng phát, khi nền kinh tế còn tăng trưởng mạnh và cơ hội việc làm vẫn rộng mở. Hiện tại, ông cho rằng không có thời điểm nào tốt hơn để thực hiện việc tăng tuổi nghỉ hưu, bởi xã hội Trung Quốc đang già hóa nhanh chóng, cùng với áp lực ngày càng lớn đối với hệ thống lương hưu và phúc lợi xã hội.

Trung Quốc tăng tuổi nghỉ hưu vì cạn quỹ lương? - Ảnh 1.

Một số chuyên gia cho rằng động thái này được thực hiện muộn màng, trong khi Trung Quốc đang đối mặt với áp lực lớn từ hệ thống an sinh xã hội do dân số già hóa. Ảnh: CND.

Những người sinh sau năm 1980 là đối tượng chịu tác động mạnh mẽ nhất của chính sách này. Họ sẽ phải làm việc lâu hơn và đóng góp nhiều hơn vào quỹ lương hưu trước khi có thể hưởng các chế độ phúc lợi. Cô Zhao, một cố vấn tiếp thị 26 tuổi sống tại Bắc Kinh, bày tỏ sự không hài lòng với chính sách mới. Zhao cho rằng việc kéo dài tuổi nghỉ hưu sẽ khiến những người trẻ tuổi cảm thấy mệt mỏi và chán nản với công việc, đồng thời không có động lực tìm kiếm cơ hội mới. Cô nhấn mạnh: "Điều cần giải quyết ngay bây giờ là tạo ra nhiều việc làm hơn cho người trẻ, thay vì trì hoãn việc nghỉ hưu".

Tương tự, cô Clytie Chen, 26 tuổi, bày tỏ lo ngại về tương lai của mình sau khi mất việc tại một hãng sản xuất ô tô vào tháng 7. Cô cho rằng không ai có thể chắc chắn liệu công việc của mình sẽ an toàn trong những năm tới và việc tăng tuổi nghỉ hưu chỉ khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn: "Khi tôi sắp nghỉ hưu ở tuổi 60, có thể tôi sẽ nhận được thông báo rằng tuổi nghỉ hưu đã tăng lên 65 hoặc 70".

Vấn đề cạn kiệt quỹ lương hưu trở thành mối lo ngại ngày càng lớn đối với Trung Quốc. Luật sư Gu Yu tại Bắc Kinh cho rằng việc trì hoãn nghỉ hưu là cách Bắc Kinh giải quyết áp lực tài chính đối với quỹ lương hưu, nhưng điều này chắc chắn sẽ tăng gánh nặng lên người lao động. Trong khi đó, ông Deng Yuwen, cựu phó tổng biên tập tạp chí Study Times, nhận định rằng dù thời điểm hiện tại không lý tưởng, Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác. Theo ông, Bắc Kinh buộc phải hành động nhanh chóng để đối phó với dân số già hóa, tỷ lệ sinh giảm mạnh và tình trạng thâm hụt ngân sách gia tăng, những yếu tố có thể dẫn đến khủng hoảng lương hưu trong tương lai gần.

Dù chính sách mới kéo dài thời gian làm việc và đóng góp vào quỹ lương hưu từ 15 lên 20 năm, nhưng vẫn cho phép người lao động có quyền "nghỉ hưu sớm linh hoạt" trước thời hạn tối đa 3 năm. Điều này mở ra lựa chọn cho những người không muốn kéo dài thời gian lao động của mình.