Bạn đọc Quỳnh Hương (Hà Nội) hỏi: Tại một số con ngõ, đường liên thôn, tôi thấy người dân xây trụ bê tông chắn một phần lòng đường gây tai nạn cho người đi đường. Vậy xin hỏi với trường hợp này, người chắn lòng sẽ bị xử lý thế nào?
Luật sư Ma Văn Giang - Công ty luật TNHH Niềm tin công lý, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay một số người dân tự ý đổ trụ bê tông hoặc tạo chướng ngại vật tại các con ngõ, đường liên thôn, liên xã nhằm mục đích bảo vệ đường, chống hư hỏng đường xá.
Tuy nhiên, những hành vi này bị cấm theo Luật giao thông đường bộ năm 2008. Cụ thể, khoản 2 Điều 8 luật này quy định, cấm người dân có hành vi đào, khoan, xẻ đường trái phép; đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường; đặt, rải vật nhọn, đổ chất gây trơn trên đường;
Để trái phép vật liệu, phế thải, thải rác ra đường; mở đường, đấu nối trái phép vào đường chính; lấn, chiếm hoặc sử dụng trái phép đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ; tự ý tháo mở nắp cống, tháo dỡ, di chuyển trái phép hoặc làm sai lệch công trình đường bộ.
Người vi phạm sẽ bị phạt hành chính theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Cụ thể điểm b khoản 5 Điều 12 Nghị định 100 quy định:
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: Họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông,…
Trường hợp người đặt trụ bê tông gây hậu quả cho các phương tiện khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Cản trở giao thông đường bộ" theo điều 261 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, với hình phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất là 3 năm tù.