Dân Việt

Quảng Ninh đã thông qua những chính sách nào hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3?

Thu Lê 23/09/2024 15:31 GMT+7
Để kịp thời ban hành những chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do bão số 3, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV tổ chức Kỳ họp thứ 21 nhằm quyết nghị kịp thời một số chính sách, biện pháp khẩn cấp theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Sáng 23/9, tại Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 đã quyết nghị thông qua các nhóm chính sách quan trọng để hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi) trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Quảng Ninh thông qua nhiều chính sách nào hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3- Ảnh 1.

Kỳ họp thứ 21 của HĐND tỉnh Quảng Ninh đã quyết nghị nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại bởi bão số 3. Ảnh: Thu Lê.

Học sinh, chủ tàu cá bị đắm, người dân hỏng nhà được hỗ trợ

Theo Nghị quyết về một số biện pháp hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2024 vừa được HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua, có 3 nhóm đối tượng đầu tiên được ưu tiên hỗ trợ là học sinh, chủ tàu cá bị đắm, người dân bị hỏng nhà.

Quảng Ninh thông qua nhiều chính sách nào hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3- Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Thuý, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh trình bày tờ trình về chính sách hỗ trợ cho học sinh. Ảnh: Thu Lê.

Theo bà Nguyễn Thị Thuý, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, năm học 2024-2025 vừa mới bắt đầu, bão số 3 đã đổ bộ trực tiếp vào tỉnh, khiến 70% gia đình học sinh bị tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của cha mẹ học sinh. Do đó, việc hỗ trợ kinh phí cho học sinh chính là hỗ trợ kinh phí cho cha mẹ học sinh, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ khó khăn với người dân. Với chính sách này sẽ có gần 244.000 học sinh của gần 165.000 hộ gia đình tại Quảng Ninh được hưởng hỗ trợ.

Quảng Ninh thông qua nhiều chính sách nào hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3- Ảnh 3.

Nhà ông Nguyễn Đức Dũng, tại tổ 23, khu 2B, phường Cao Thắng, TP.Hạ Long bị hư hỏng nặng sau bão số 3. Ảnh: Thu Lê.

Với những hộ dân bị thiệt hại nặng về nhà ở, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã đồng ý dành ngân sách để hỗ trợ những hộ có nhà ở bị đổ sập, trôi, hư hỏng nặng, không có khả năng khôi phục và không có nhà ở khác trên địa bàn, với mức 100 triệu đồng/hộ để xây mới. Hỗ trợ những hộ có nhà bị hư hỏng nặng, có thể cải tạo, sửa chữa với mức 50 triệu đồng/hộ. Thời gian thực hiện là trong năm 2024 và sẽ hơn 1.800 hộ thuộc diện được hưởng chính sách này, với tổng mức kinh phí dự kiến là hơn 100 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Dũng (khu 2B, phường Cao Thắng, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ: "Ngôi nhà cấp 4 của tôi đã bị hỏng nặng sau bão. Toàn bộ mái nhà đã bị bão cuốn đi. Đồ đạc trong gia đình bị hư hỏng toàn bộ. Mấy ngày sau bão, tôi đã phải ngủ nhờ nhà hàng xóm. Giờ có chính sách hỗ trợ của tỉnh, tôi có thêm nguồn lực để lo xây sửa lại nhà cửa cho kiên cố hơn".

Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có trên 102.800 nhà bị tốc mái, khoảng 254 nhà bị đổ sập, gần 5.000 nhà ngập, sạt lở. Việc ban hành chính sách này cũng sẽ là nguồn động viên lớn giúp các hộ gia đình có thêm kinh phí xây dựng, sửa chữa lại nhà ở, sớm ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp.

HĐND tỉnh Quảng Ninh cũng đồng ý hỗ trợ một phần chi phí trục vớt phương tiện sản xuất là tàu, thuyền đăng ký tại Quảng Ninh bị chìm do bão số 3. Theo đó, đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết này là phương tiện, tàu thuyền đăng ký tại Quảng Ninh và đang duy trì ổn định, thường xuyên hoạt động sản xuất phục vụ khai thác, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển, ven biển của tỉnh đến thời điểm xảy ra bão số 3 thì bị chìm trên địa bàn tỉnh. Với các phương tiện đã mua bảo hiểm thân vỏ, các phương tiện không chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống bão của tỉnh sẽ không được hỗ trợ.

Trong đó, phương tiện có chiều dài từ 12m trở lên sẽ được hỗ trợ 50 triệu đồng; đối với phương tiện có chiều dài từ 6-12m sẽ được hỗ trợ 15 triệu đồng. Tỉnh phấn đấu hoàn thành hỗ trợ trong tháng 11/2024.

Điều chỉnh chi ngân sách cấp tỉnh và nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Quảng Ninh còn thông qua Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021.

Theo đó, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua việc nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội của tỉnh cao hơn mức Trung ương quy định. Bão số 3 đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hơn 1 triệu người dân Quảng Ninh, trong đó có 46.000 người đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng là đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội,… Việc nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội của tỉnh cao hơn mức Trung ương quy định là việc làm rất cần thiết, nhằm đảm bảo an sinh cho người dân sau bão số 3.

Để hỗ trợ những đối tượng này, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã đồng ý nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội đối với đối tượng ở cộng đồng (hiện nay là 500.000 đồng/người/tháng) và đối tượng trong cơ sở trợ giúp xã hội (hiện là 650.000 đồng/người/tháng) lên 700.000 đồng/người/tháng.

Theo đó, mức kinh phí để thực hiện trợ giúp xã hội của tỉnh Quảng Ninh theo Nghị quyết này sẽ tăng thêm 154,19 tỷ đồng/năm, nâng tổng kinh phí thực hiện chính sách trợ giúp xã hội là gần 550,42 tỷ đồng/năm.

Quảng Ninh thông qua nhiều chính sách nào hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3- Ảnh 4.

Bà Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Thu Lê.

Nghị quyết điều chỉnh, phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh năm 2024 cũng đã được HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV thông qua, để dành 1.000 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên để khắc phục hậu quả do bão số 3 (bão Yagi) gây ra.

Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh điều chỉnh giảm dự toán chi ngân sách từ việc tiết kiệm, cơ cấu lại 401,23 tỷ đồng dự toán chi thường xuyên ngân sách cấp tỉnh. Bố trí 1.000 tỷ đồng kinh phí khắc phục hậu quả bão số 3, mưa lũ, sau bão và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Dành 4 tỷ đồng kinh phí ủy thác cho chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để thực hiện cho vay đối với các đối tượng chấp hành xong án phạt tù. Phân bổ chi khác ngân sách dự toán cấp tỉnh là hơn 33,3 tỷ đồng.

Đánh giá về những chính sách hỗ trợ được trình HĐND tỉnh để thông qua, bà Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh khẳng định: "Sự hỗ trợ này của chúng ta chưa thấm vào đâu so với những tổn thất mà nhân dân và các tổ chức đã phải gánh chịu trong thời gian vừa qua. Đây chỉ là những chính sách hỗ trợ đầu tiên thể hiện sự động viên chia sẻ một phần khó khăn cho người dân".

Bế mạc kỳ họp, bà Vi Ngọc Bích, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh đã nhấn mạnh: "Bão số 3 đi vào vịnh Bắc Bộ và ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh Quảng Ninh, được đánh giá là siêu bão với cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua trên biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền. Đến thời điểm ngày 16/9/2024, tổng thiệt hại trên địa bàn tỉnh ước tính khoảng 24.223 tỷ đồng chiếm 1/2 tổng thiệt hại của cả nước. Do đó, những nội dung được quyết định tại Kỳ họp có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc kịp thời hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh và điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong Quý IV".