Dân Việt

Tham ô 152 tỷ đổ vào lô đề cờ bạc, cựu kế toán trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương bị phạt tử hình

Gia Bình 23/09/2024 21:37 GMT+7
Nguyễn Hoàng, 53 tuổi, cựu Trưởng phòng Tài chính Kế toán, cựu Kế toán trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương bị cáo buộc tham ô 152 tỷ đồng, tiêu dùng vào lô đề cờ bạc.

Tối 23/9, TAND Hà Nội tuyên án tử hình bị cáo Nguyễn Hoàng, 53 tuổi, cựu Trưởng phòng Tài chính Kế toán, cựu Kế toán trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vì tội Tham ô.

Hai cựu Viện trưởng Nguyễn Trần Hiển, 70 tuổi và Đặng Đức Anh, 60 tuổi cùng bị phạt 3 năm tù vì tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Cựu Kế toán trưởng Phạm Sơn Thủy, 65 tuổi, bị phạt 4 năm tù cùng tội danh.

Ông Đức Anh cũng chính là người gửi đơn lên Bộ Công an ngày 13/02/2023, với nội dung tố cáo Nguyễn Hoàng đã rút 110 tỷ đồng từ tài khoản của Viện nhưng không nhập quỹ.

Qua điều tra xác định, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là đơn vị sự nghiệp y tế công lập trực thuộc Bộ Y tế, mở 31 tài khoản ngân hàng, trong đó có 6 tài khoản tại Ngân hàng Sacombank, để tiếp nhận, giải ngân các dự án, tài trợ của các tổ chức phi Chính phủ, nước ngoài, các tổ chức cá nhân trong nước và lợi nhuận từ các hoạt động dịch vụ của Viện.

Tham ô 152 tỷ đổ vào lô đề cờ bạc, kế toán trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương bị phạt tử hình- Ảnh 1.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Ảnh: T.A.

Chủ tài khoản, sẽ là Viện trưởng trong giai đoạn đó (Nguyễn Trần Hiển 2005-2015; Đặng Đức Anh 2015-2023).

Phạm Sơn Thủy làm Kế toán trưởng năm 2006-2016; Nguyễn Hoàng làm kế toán viên từ tháng 7/2003, Kế toán trưởng từ 2017 và kiêm nhiệm Trưởng phòng Tài chính - Kế toán từ tháng 11/2019 - 3/2023.

Trong quá trình quản lý, sử dụng 6 tài khoản ngân hàng, Nguyễn Hoàng bị cáo buộc viết khống 409 giấy rút tiền để rút hơn 246 tỷ đồng. 3 cựu cán bộ còn lại bị cáo buộc "thiếu trách nhiệm", để Hoàng thực hiện được hành vi.

Trong tổng số hơn 246 tỷ đồng đã rút trên, Hoàng nộp lại 94 tỷ vào các tài khoản đã rút, mục đích để các tài khoản trên luôn còn tiền, tránh bị phát hiện. Số tiền còn lại hơn 152 tỷ đồng, Hoàng sử dụng cá nhân.

Xin chữ ký lúc "lãnh đạo vội" để rút tiền khống

Theo quy định của Viện, việc rút tiền mặt từ tài khoản ngân hàng về quỹ tiền mặt của Viện thực hiện theo 6 bước: Các đơn vị đề nghị thanh toán để thủ quỹ xác định số tiền cần rút; thủ quỹ viết giấy rút tiền, ghi đủ chữ ký của Kế toán trưởng, chủ tài khoản, thủ quỹ, đóng dấu và ghi rõ tên người rút tiền; thủ quỹ ra ngân hàng rút tiền; căn cứ chứng từ ngân hàng trả lại, kế toán viên viết phiếu thu, thủ quỹ nhập tiền vào quỹ, thủ quỹ chi tiền theo phiếu chi; cuối tháng thủ quỹ và kế toán viên đối chiếu số dư tiền mặt tại quỹ.

Vìột giấy rút tiền sẽ cần chữ ký của Kế toán trưởng và chủ tài khoản (viện trưởng), nên để có 2 chữ ký quan trọng này, Hoàng bị cáo buộc đã viết khống đề xuất tạm ứng của các đơn vị, phòng ban, "lợi dụng những lúc lãnh đạo bận rộn công việc để trà trộn các giấy rút tiền vào tập văn bản, chứng từ cần ký gấp để họ ký, phê duyệt trên các giấy rút tiền", cáo trạng nêu.

Trong khi đó, hai cựu Viện trưởng và cựu Kế toán trưởng "không kiểm tra kỹ nên không phát hiện" việc Hoàng tự ghi tên mình ở mục "người nhận tiền". Hoàng do đó rút tiền trót lọt.

Hàng tháng, khi ngân hàng sao kê tài khoản, Hoàng đã giấu đi rồi vào lại khoản sổ phụ online, chỉnh sửa lại nội dung các giao dịch do mình thực hiện và in ra để "khớp" số liệu, hoàn thành trót lọt bước thứ 6 của quy trình rút tiền mặt khống mà không bị ai phát hiện.

Thời điểm 2009 - 2017, do Hoàng đã sửa đổi số liệu trên các báo cáo tài chính nên khi duyệt báo cáo cuối năm, lãnh đạo Viện và Bộ Y tế không phát hiện được việc Hoàng chiếm đoạt tiền. Từ năm 2018, khi làm Kế toán trưởng, Hoàng "khất nợ" báo cáo tài chính, bị gửi 2 công văn đôn đốc nhưng Hoàng vẫn không thực hiện.

Ngoài ra, để che giấu hành vi, Hoàng đã rút tiền từ tài khoản này rồi lại nộp sang tài khoản khác hoặc nhiều lần vay, mượn tiền từ người thân, bạn bè để nộp tiền vào các tài khoản khi các tài khoản này cần.

Bị can Nguyễn Hoàng thừa nhận toàn bộ hành vi, khai chỉ sử dụng cá nhân và đánh bạc theo hình thức chơi lô đề, không chi cho bất kỳ ai.

Về trách nhiệm của 2 lãnh đạo Viện, VKS xác định ông Đặng Đức Anh không kiểm tra xem có đề xuất phương án chi, chứng từ quyết toán chi, sự cần thiết phải rút tiền từ tài khoản hay không mà chỉ tin tưởng vào chữ ký xác nhận của Kế toán trưởng, bị cáo Thủy.

Với vai trò chủ tài khoản, ông cũng không kiểm tra quỹ tiền mặt của đơn vị; không thực hiện việc kiểm kê, đối chiếu số dư trong các tài khoản ngân hàng, dẫn đến việc Hoàng nhiều lần rút tiền trong thời gian dài nhưng không được phát hiện kịp thời để có biện pháp ngăn chặn, VKS cáo buộc.

Ông Đức Anh bị quy kết ký 330 giấy rút tiền, tổng 218 tỷ đồng. Song do Hoàng đã nộp hoàn trả 89 tỷ đồng trong giai đoạn ông đương nhiệm, nên số tiền Viện bị thất thoát trong giai đoạn ông lãnh đạo, được tính là 129 tỷ đồng.

Với cựu Viện trưởng Nguyễn Trần Hiển, cơ quan tố tụng đánh giá ông thiếu kiểm tra, giám sát thông tin người nhận tiền; không kiểm tra xem có đề xuất phương án chi, chúng từ quyết toán chi, sự cần thiết phải rút tiền từ tài khoản hay không mà do tin tưởng Kế toán trưởng Thủy có trình độ, kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính kế toán, nên khi thấy các chứng từ đã có chữ ký của Thủy thì ông Hiển sẽ ký ngay.

Theo VKS, tâm lý "hoàn toàn tin tưởng" này của ông Hiển đã bị Hoàng tận dụng bằng cách xin chữ ký của Kế toán trưởng Thủy trước rồi "trà trộn" các giấy rút tiền này để trình ông Hiển ký cùng theo các tài liệu cần ký gấp để ông Hiển không phát hiện.

Ông Hiển đã ký duyệt cho Hoàng 78 giấy rút tiền, tổng 28 tỷ đồng, trừ 5 tỷ đồng Hoàng đã nộp lại, số tiền Viện bị thất thoát trong giai đoạn ông Hiển làm Vện trưởng, là hơn 23 tỷ đồng.

Hai cựu lãnh đạo này đều thừa nhận "buông lỏng quản lý", hành vi nghiêm trọng, gây thất thoát lớn về tài sản cho Nhà nước.

Cựu Kế toán trưởng Thủy khai tương tự, thừa nhận ký các giấy rút tiền mà không xem xét kỹ do tin tưởng Hoàng.

Trong quá trình giải quyết vụ án, 4 bị cáo đã nộp khắc phục tổng 3,85 tỷ đồng, trong đó Hoàng 3,2 tỷ, ông Đức Anh 250 triệu, ông Hiển và Thủy mỗi người 200 triệu đồng. VKS xác định, số tiền còn lại chưa được khắc phục, gần 149 tỷ đồng.

Hoàng bị kê biên một ôtô, gần 2.500m2 đất tại Quảng Bá (quận Tây Hồ, Hà Nội), huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh và huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Nhiều vi phạm pháp luật khác của cựu kế toán trưởng

Quá trình điều tra, Hoàng khai từ năm 2009 do chi tiêu cá nhân vượt khả năng thu nhập của bản thân, đã vay mượn lớn của người thân, bạn bè nên nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền từ tài khoản của Viện để trả nợ.

Sau khi chiếm đoạt tiền từ các tài khoản của Viện, Hoàng đã nhờ đồng nghiệp Phòng Hành chính - Vật tư của Viện ghi hộ các số lô đề.

Việc trao đổi, mua số lô đề với đồng nghiệp này được trao đổi thông qua ứng dụng Viber hoặc tin nhắn thường, nhận thức được hành vi đánh bạc là vi phạm pháp luật nên đã xóa nội dung tin nhắn đánh bạc ngay ngày hôm sau để che giấu.

Về hình thức chuyển tiền đánh bạc, trả tiền khi trúng thưởng đều được thực hiện bằng hình thức giao, nhận tiền mặt tại Viện. Hai người lựa chọn nơi ít người qua lại để chuyển tiền, nên không có ai biết Nguyễn Hoàng đánh bạc thông qua đồng nghiệp.

Nam đồng nghiệp này khai chỉ có 3 lần mua lô đề hộ Hoàng để cấn trừ vào 1,4 tỷ đồng Hoàng nợ mình trước đó, không "thường xuyên" như Hoàng khai.

Cơ quan điều tra tách hành vi trên, chuyển nguồn tin trên đến Công an Hà Nội để tiếp tục điều tra, xác minh, xử lý theo thẩm quyền.

Ngoài ra, Hoàng còn khai nhiều lần vay tiền của một người tên Ngọc hoặc nhờ Ngọc vay hộ với lãi suất 1.500 - 2.000 đồng/1 triệu/ngày, khoảng 54-72%/năm). Hoàng không nhớ đã vay Ngọc bao nhiêu tiền, hiện Hoàng còn nợ Vũ Tuấn Ngọc khoảng 5 tỷ đồng cả gốc và lãi.

Ngọc khai mỗi lần Hoàng vay 300 - 400 triệu đồng xong trả ngay, không biết Hoàng vay tiền để làm gì và nguồn tiền mà Hoàng trả nợ cho Ngọc được lấy từ đâu; các lần vay mượn đều không lập giấy tờ và không có người chứng kiến.

Do chưa đủ căn cứ xác định Ngọc có hành vi phạm tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, cơ quan điều tra tách hành vi trên để tiếp tục điều tra.

VKS cũng cho rằng, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế với vai trò là cơ quan chuyên môn của Bộ, trực tiếp quản lý việc chấp hành chế độ tài chính của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhưng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm, không kịp thời phát hiện để ngăn chặn hành vi phạm tội của Hoàng.

Song, cơ quan công tố cho rằng quy định quản lý tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập có thể chưa rõ ràng, đầy đủ, chặt chẽ. Năm 2022, Bộ Y tế còn phải tập trung chống dịch Covid-19.

Những thiếu sót của Vụ Kế hoạch - Tài chính không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả thất thoát 152 tỷ đồng, do đó không xử lý trách nhiệm, cáo trạng nêu. Song, Bộ Công an có kiến nghị Bộ Y tế xử lý các cá nhân này theo quy định.