Chiều tối nay, 24/9, Cục quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) đã có công văn số 1335, đề nghị kiểm tra, xử lý thông tin liên quan đến việc Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Educa Việt Nam đưa hơn 200 lao động đi làm việc ở Hàn Quốc không thành.
Công văn nêu, theo thông tin báo chí phản ánh, Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Educa Việt Nam (địa chỉ: số 78 Duy Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã thu tiền và làm thủ tục đưa hơn 200 người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc.
Tuy nhiên, Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Educa Việt Nam (trụ sở: số 78 Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) không được Bộ LĐTBXH cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đây là vụ việc lớn, phức tạp, liên quan đến số lượng lớn người lao động, có dấu hiệu vi phạm pháp luật và lừa đảo người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài.
Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, ngày 24/9/2024, Cục Quản lý lao động ngoài nước ban hành Công văn số 1335/CQLLĐNN-TTr (file PDF) gửi các cơ quan chức năng đề nghị phối hợp kiểm tra, xác minh và xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
Trước đó, vào sáng ngày 23/9, phóng viên Báo Dân Việt cũng đã có buổi tiếp xúc với hàng trăm người lao động có mặt ở trụ sở Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Educa Việt Nam tại 78 Duy Tân. Tại buổi tiếp xúc, hầu hết người lao động đều từ chối cung cấp thông tin với phóng viên với lý do "đã đạt được thỏa thuận sau đàm phán với công ty, công ty đã hứa sẽ trả lại tiền cho người lao động".
Một số lao động chỉ cho biết họ được giới thiệu đi xuất khẩu lao động theo công ty này và có nhiều người thân, bạn bè đã từng đi làm tại Hàn Quốc theo kênh này. Nguồn tin từ lao động quê Quảng Ninh cho hay, ban đầu họ được giới thiệu đi làm việc theo kênh du lịch (tức là đi du lịch rồi ở lại làm việc - PV). Những lao động này đã phải đóng khoản tiền rất lớn, lên tới gần 300 triệu đồng.
Trước đó, tối ngày 22/9, hàng trăm lao động và người nhà của các lao động đã bao vây trụ sở của Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Educa Việt Nam tại số 78 Duy Tân. Sau nhiều tiếng làm việc, hết đêm, tới sáng sớm ngày 23/9, các bên đã đi đến thỏa thuận, công ty sẽ trả tiền lại cho lao động.
Cũng trong chiều nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước tiếp tục có công văn gửi các tỉnh thành phố cảnh báo tình trạng lừa đảo lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo visa E8.
Công văn nêu rõ, thời gian vừa qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo, khuyến cáo tới người lao động, vẫn tiếp tục xảy ra tình trạng đối tượng môi giới thông tin, lừa đảo người lao động có nhu cầu đi làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hàn Quốc theo diện visa E8.
Cục Quản lý lao động ngoài nước khẳng định đây là chương trình hợp tác trực tiếp giữa địa phương của Việt Nam với địa phương của Hàn Quốc trên cơ sở bản Thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa địa phương hai nước để tuyển chọn đưa người lao động cư trú tại địa phương sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình này.
Đến nay, 17 địa phương gồm Đà Nẵng, Đồng Tháp, Thái Bình, Hà Nam, TT Huế, Cà Mau, Quảng Bình, Hậu Giang, Hà Giang, Lai Châu, Tuyên Quang, Nam Định, Đăk Lăk, Yên Bái, Lâm Đồng, Bạc Liêu và Phú Yên đã ký thỏa thuận với địa phương của Hàn Quốc để đưa lao động thời vụ đi làm việc tại Hàn Quốc theo thị thực E-8.
Tại các địa phương triển khai chương trình này, việc tuyển chọn, làm hồ sơ, thủ tục và đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc do cơ quan chức năng của địa phương được giao nhiệm vụ thực hiện.
Để tránh bị lừa đảo, Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo người lao động có nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình lao động thời vụ visa E8 chỉ liên hệ trực tiếp với Sở LĐTBXH hoặc Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐTBXH địa phương nơi cư trú để tìm hiểu cụ thể thông tin liên quan, tuyệt đối không nghe theo các thông tin quảng cáo không chính thống và không liên hệ với các tổ chức, cá nhân trung gian, môi giới.
Người lao động cũng có thể liên hệ với Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số điện thoại 0243.8.249.517, số máy lẻ 511, 304 để tìm hiểu thông tin liên quan.