Dân Việt

Hà Nam: Chương trình OCOP kết tinh giá trị văn hóa và phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn

Hồng Nhân 27/09/2024 09:59 GMT+7
Sau nhiều nỗ lực, các sản phẩm OCOP tại tỉnh Hà Nam đã góp phần vào phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, dẫn dắt sản xuất hàng hóa.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây được coi là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP” tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025 và có kế hoạch cho từng năm.

Từ khi Chương trình được triển khai, đã có nhiều tác động vào việc bảo tồn và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của từng địa phương, sản xuất theo chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc, theo nhu cầu thị trường.

Sản phẩm OCOP kết tinh giá trị văn hóa

Hà Nam giờ đây không chỉ được biết đến là một vùng đất chiêm trũng mà còn là địa phương có nhiều sản phẩm OCOP nổi tiếng, mang đậm giá trị văn hóa. Điều đó càng tiếp thêm động lực để các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh hồi sinh những nét độc đáo riêng có và khác biệt.

Theo đó, tại Hà Nam, nhiều sản phẩm OCOP được công nhận từ sản phẩm làng nghề truyền thống và sản phẩm đặc sản như chuối ngự Đại Hoàng, cá kho Nhân Hậu… 25 sản phẩm của 8 làng nghề truyền thống bao gồm: làng nghề TT thêu ren An Hòa (3 sản phẩm), làng nghề TT Mây giang đan Ngọc Động (1 sản phẩm), làng nghề TT dệt lụa Nha Xá (9 sản phẩm), làng nghề TT trống Đọi Tam (4 sản phẩm)...

Hà Nam: Chương trình OCOP kết tinh giá trị văn hóa và phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn - Ảnh 1.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở có sản phẩm được chứng nhận OCOP phát triển cả về sản lượng và doanh thu. Ảnh chụp tại Công ty Dược thảo Minh Đức.

Để gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa trong sản phẩm OCOP, tỉnh Hà Nam đã tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản, lợi thế, sản phẩm nghề, làng nghề truyền thống. Đồng thời gắn với khai thác nguồn nguyên liệu địa phương, văn hóa, tri thức bản địa và sản phẩm nông nghiệp mới được áp dụng khoa học công nghệ để chế biến hoặc canh tác phù hợp với thổ nhưỡng địa phương.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam cho biết, đơn vị luôn đồng hành với các doanh nghiệp, hộ sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác trong việc định hướng tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, góp phần tạo ra những sản phẩm riêng, mang nét đặc trưng.

Chương trình OCOP dẫn dắt sản xuất hàng hóa khu vực nông thôn

Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, trong đó, chủ thể thực hiện là các thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế HTX. Khi nông dân tiếp cận chương trình OCOP, là điều kiện thuận lợi để thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy về kinh tế nông nghiệp.

Hà Nam: Chương trình OCOP kết tinh giá trị văn hóa và phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn - Ảnh 2.

Tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 150 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên.

Chương trình OCOP đã trực tiếp thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế nông thôn, thúc đẩy trách nhiệm, tính chủ động, năng lực sản xuất, quảng bá và phát triển thị trường sản phẩm của các chủ thể, nhất là các tổ chức kinh tế tập thể. Đồng thời, giúp hình thành nền kinh tế “xanh”, phát triển các vùng sản xuất nông sản “sạch”, xây dựng thêm các mô hình sản xuất mới có hiệu quả tại nhiều địa phương trên địa bàn toàn tỉnh Hà Nam, các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị, từ đó tạo lực đẩy mới cho kinh tế nông thôn phát triển, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Chương trình OCOP với phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn

Tại tỉnh Hà Nam, Chương trình OCOP đã tạo ra những chuyển biến tích cực cho sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm địa phương. Nhiều chủ thể sản xuất khi tham gia vào chương trình đã chủ động học tập kinh nghiệm, đổi mới tư duy, phương pháp sản xuất. Từ đó phát triển cơ sở quy mô, hiện đại với những sản phẩm chuyên nghiệp, nâng cấp chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã bao bì, kiểm soát mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc nhằm xây dựng thương hiệu, uy tín để nâng cao sức cạnh tranh, gia tăng giá trị, sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trên thị trường và có thể dễ dàng đưa vào hệ thống các siêu thị. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở có sản phẩm được chứng nhận OCOP phát triển cả về sản lượng và doanh thu (sản lượng tăng từ 15% đến 20%, doanh thu tăng 10%).

Tỉnh Hà Nam sau 6 năm triển khai, hiện có 130 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (trong đó có 17 sản phẩm đạt hạng 4 sao).

Hà Nam: Chương trình OCOP kết tinh giá trị văn hóa và phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn - Ảnh 3.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam cho biết, đơn vị luôn đồng hành với các doanh nghiệp, hộ sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác trong việc định hướng tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP.

Cụ thể, thị xã Duy Tiên: 42 sản phẩm; thành phố Phủ Lý: 27 sản phẩm; huyện Lý Nhân: 16 sản phẩm; huyện Bình Lục: 15 sản phẩm; huyện Thanh Liêm: 22 sản phẩm; huyện Kim Bảng: 8 sản phẩm.

Các sản phẩm OCOP của tỉnh Hà Nam đã đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, có mẫu mã, bao bì đa dạng, thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường. Từ đó, góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu.

Bên cạnh đó, chương trình còn giúp các chủ thể chủ động trong phát triển thị trường, mở rộng kênh phân phối, tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại, được phân phối rộng rãi ở các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch…

Các loại rau sạch của HTX Nông sản hữu cơ Phù Vân và HTX Nông sản Cát Lại; sản phẩm sữa của Công ty Cổ phần sữa và giống bò sữa Mộc Bắc; sản phẩm Bánh đa nem làng Chều;… sản lượng và doanh thu bán hàng đều tăng lên so với trước khi công nhận sản phẩm OCOP…

Hà Nam: Chương trình OCOP kết tinh giá trị văn hóa và phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn - Ảnh 4.

Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện.

Ông Nguyễn Hải Đăng - Chi cục trưởng Chi Cục Phát triển Nông thôn (Sở Nông nghiệp &PTNT Hà Nam) cho biết, tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 150 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Đồng thời duy trì, nâng cấp 50% sản phẩm đã được đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP; phát triển mới và củng cố 70-80 tổ chức kinh tế và hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP.

“Chúng tôi tiếp tục phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa, hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, sản phẩm chế biến, chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa.

Để làm được việc này, chúng tôi sẽ chú trọng bồi dưỡng các kỹ năng về tổ chức sản xuất, quản trị, đổi mới, sáng tạo về sản phẩm, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm, sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị, marketing và phát triển thị trường… cho các chủ thể sản xuất. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra sản phẩm sau khi được đánh giá, phân hạng. Rà soát, kiểm tra đánh giá, phân hạng sản phẩm sau khi hết thời hạn công nhận nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể đối với người tiêu dùng để phát triển sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường để phát triển kinh tế nông thôn bền vững”, vị lãnh đạo Chi cục nói.