Dân Việt

Small House: Trốn chạy phố thị, tìm về thiên nhiên ở Nha Trang

Phương Thảo 27/09/2024 08:36 GMT+7
Small House là một dự án nhỏ nằm trong chuỗi dự án “Không gian đa lớp”. Dự án nằm trong 1 con hẻm của thành phố Nha Trang, mật độ xây dựng dày đặc cùng với rất nhiều hình thái kiến trúc tự phát lộn xộn.

Small House là ngôi nhà dành cho một gia đình trẻ có rất ít thời gian ở nhà vì đặc thù công việc kinh doanh nên họ thường phải dành phần lớn thời gian ở một khu chợ truyền thống, ồn ào và bụi bặm. 

Chính vì vậy, họ mong rằng khi trở về nhà, họ được rũ bỏ mọi sự xô bồ ngoài kia và đắm chìm trong sự tĩnh lặng, thơm mát và trong lành. Ở đó, họ được làm bạn với ánh sáng, với cây xanh, với nắng, với gió và tương tác tối đa với các thành viên trong gia đình.

img

Small House nằm trên một con hẻm nhỏ ở Nha Trang, được xây dựng năm 2017 tại thành phố Nha Trang với tổng diện tích là 73 m2. (Nguồn: Archdaily, ảnh: TaDalat Design)

img

Xây dựng lõi không gian khiến ngôi nhà trở nên cân đối và hài hòa giữa các không gian chức năng (Nguồn: Archdaily, ảnh: TaDalat Design)

Small House mang đặc trưng của một ngôi nhà ống và để tạo nên được một câu chuyện riêng, một dấu ấn riêng, các kiến trúc sư đã xây dựng cho ngôi nhà một lõi không gian sống được bao bọc bởi 2 khoảng đệm thiên nhiên, cây xanh và ánh sáng. Các không gian chức năng được phân chia và sắp xếp hợp lý, kết hợp cùng với sự có mặt của thiên nhiên.

img

Có một khoảng sân nhỏ trước nhà tràn ngập ánh sáng và an nhiên (Nguồn: Archdaily, ảnh: TaDalat Design)

Tầng 1 gồm: sân, phòng khách và nhà bếp. Dù sở hữu một diện tích khá hạn chế, chỉ 73 m2 nhưng kiến trúc sư vẫn quyết giữ lại một khoảng sân nhỏ làm khoảng đệm cho ngôi nhà. Chỉ cần bước qua cánh cổng kia, gia chủ có thể rũ bỏ mọi xô bồ, ồn ào và tấp nập trong cuộc sống mưu sinh để trở về là một người cần được chở che sau lớp áo mềm, cần yêu và được yêu như bao người.

img

Phòng khách được thiết kế tối giản nhằm tiết kiệm thời gian dọn dẹp và gia tăng tầm nhìn (Nguồn: Archdaily, ảnh: TaDalat Design)

img

Nhà bếp được thiết kế mở liên thông với phòng khách, được phân chia thông qua cách nâng cốt sàn (Nguồn: Archdaily, ảnh: TaDalat Design)

img

Cầu thang được chia nhỏ, ở mỗi khoảng đệm tiếp nối đều có sự tiếp xúc với thiên nhiên (Nguồn: Archdaily, ảnh: TaDalat Design)

img

Mảng xanh được thêm vào không gian sống một cách khéo léo và tinh tế (Nguồn: Archdaily, ảnh: TaDalat Design)

Điều quan trọng nhất trong gia đình đó chính là sự tương tác giữa các thành viên với nhau, và với Small House, nó càng được quan tâm đặc biệt. Vì thế, kiến trúc sư đã xây dựng một trục giao thông theo chiều đứng được chia nhỏ và bố trí di chuyển xoay quanh những khoảng đệm không gian nhằm gia tăng sự tương tác của các thành viên. 

Ở mỗi khoảng đệm là một sự tiếp xúc gần gũi với thiên nhiên làm gia tăng khoảng “xanh” và không khí trong lành trong ngôi nhà.

img

Cửa sổ không tiếp xúc trực tiếp với thiên nhiên nhưng không gian nhà vẫn đầy ánh sáng (Nguồn: Archdaily, ảnh: TaDalat Design)

Ở Small House có một điểm vô cùng đặc biệt là không có một cửa sổ nào tiếp xúc trực tiếp với không gian bên ngoài. Tường chừng như không gian bên trong đó sẽ bí bách và ngột ngạt lắm nhưng, ngược lại. Từng ngõ nhỏ trong ngôi nhà đều có sự xuất hiện của nắng, của gió mang lại sức sống cho con người, cho cây xanh và cho ngôi nhà.

Để có được điều đó, các kiến trúc sư đã tạo nên 2 lớp vỏ bọc bằng kim loại để bảo vệ, điều tiết lượng ánh sáng, nắng và gió cho toàn bộ không gian. Đây là một giải pháp được các kiến trúc sư sử dụng trong thời gian gần đây và mang lại hiệu quả cao trong những ngôi nhà ống.

img

Lớp kim loại phía ngoài tạo nên lớp rèm bảo vệ cho không gian phía trong (Nguồn: Archdaily, ảnh: TaDalat Design)

img

Nắng ngập tràn trong từng ngõ ngách tại Small House (Nguồn: Archdaily, ảnh: TaDalat Design)

img

Nắng ngập tràn trong Small House (Nguồn: Archdaily, ảnh: TaDalat Design)

img

Tại nơi có nắng, có gió khiến trúc sư đã ý nhị trồng thêm cây xanh để tạo nên một bức tranh thiên nhiên hoàn mỹ (Nguồn: Archdaily, ảnh: TaDalat Design)

img

Để lấy thêm ánh sáng, kiến trúc sư đã “đục” những lỗ nhỏ trên trần nhà và sử dụng gạch kính (Nguồn: Archdaily, ảnh: TaDalat Design)

Tấm vỏ bọc sơn trắng giúp ánh sáng dễ dàng đi xuyên qua vào ban ngày và mỗi khi đêm về, ánh sáng từ đèn nhà tạo nên một khung cảnh sống động, mờ ảo dưới con mắt của người qua đường. 

Đồng thời, gia chủ cũng có thể tìm cho mình một góc lặng để ngắm nhìn khung cảnh tấp nập ngoài kia. Cách làm này giúp gia tăng sự gần gũi giữa không gian bên trong và bên ngoài mà vẫn giữ được sự riêng tư cần thiết.

img

Ban đêm, ngôi nhà giống như một chiếc đèn lồng sáng lấp lánh (Nguồn: Archdaily, ảnh: TaDalat Design)