Dân Việt

Top 10 trường có doanh thu nghìn tỷ cao nhất cả nước: Doanh thu có tỉ lệ thuận với chất lượng?

Tào Nga 26/09/2024 06:30 GMT+7
Theo số liệu được trích từ đề án tuyển sinh, báo cáo công khai của các trường đại học với Bộ GDĐT, 10 trường dẫn đầu về doanh thu trên cả nước trong năm 2023 đều đạt từ 1.000 tỷ đồng trở lên. Trong số này, có 6 trường đại học công lập và 4 trường tư thục.

Top 10 trường dẫn đầu về doanh thu trên cả nước

Theo thống kê, dẫn đầu về tổng nguồn thu là Trường ĐH FPT với gần 2.920 tỷ đồng. Những năm học trước, trường này cũng thuộc top các đại học doanh thu cao nhất, trong đó hơn 90% nguồn thu đến từ học phí.

Xếp sau đó là ĐH Bách khoa Hà Nội với khoảng 2.140 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2022 (năm 2022 doanh thu của trường này khoảng 1.070 tỷ). Trong đó, thu từ học phí chiếm phần lớn với 1.340 tỷ đồng, khoảng 63%. Nguồn thu từ học phí của trường này cũng tăng nhanh những năm gần đây. Ngoài ra, các nguồn thu còn đến từ ngân sách, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ và một số nguồn thu khác.

Top 10 trường có doanh thu nghìn tỷ cao nhất cả nước: Doanh thu có tỉ lệ thuận với chất lượng?- Ảnh 1.

ĐH Bách khoa Hà Nội với doanh thu khoảng 2.140 tỷ đồng năm 2023. Ảnh: HUST

Trường ĐH Văn Lang có tổng thu năm 2023 là 2.286 tỷ đồng, năm 2022 là 1.758 tỷ đồng, chủ yếu đến từ học phí..

Còn với Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, tổng nguồn thu hợp pháp tăng từ 1.443 tỷ đồng vào năm 2022 lên gần 1.680 tỷ đồng vào năm 2023.

Top các trường đại học dẫn đầu về doanh thu trên cả nước (tính theo tỷ đồng) còn có Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (1.476 tỷ), Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (1.410 tỷ), Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (1.260 tỷ), Trường ĐH Tôn Đức Thắng (1.141 tỷ), Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM (1.010 tỷ), Trường ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TP.HCM (1.004 tỷ).

"Doanh thu không phản ánh toàn diện chất lượng đào tạo"

Nhận xét về các trường nằm trong top 10 có doanh thu nghìn tỷ đồng, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công Thương TP.HCM cho hay: "Các trường đại học nằm trong top này phần lớn là các trường đại học tư thục và các trường công lập tự chủ lâu đời, có học phí cao và lượng sinh viên hàng năm cao như Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Kinh Tế TP.HCM... Hàng năm chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 8.000 chỉ tiêu".

Lý giải vì sao 2 đại học lớn của cả nước là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM không có tên trong danh sách này mặc dù chất lượng đào tạo lọt top, ranking cao cả trong nước và quốc tế..., Thạc sĩ Sơn nói: "Hai Đại học quốc gia có tiêu chí đánh giá khác vì mục tiêu đào tạo của 2 đại học này là đào tạo nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của Việt Nam chứ không phải vì "lợi ích trước mắt". Ví dụ điển hình như Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM hay Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM có những ngành khó tuyển sinh như Địa chất, Kỹ thuật môi trường, Ngôn ngữ Tây Ban Nha, Ngôn ngữ Thái Lan...

Doanh thu không phản ánh toàn diện chất lượng đào tạo. Mặc dù doanh thu là một thước đo quan trọng về mặt tài chính, nhưng không thể hiện được đầy đủ chất lượng đào tạo. Chất lượng đào tạo được đánh giá dựa trên nhiều yếu tố như chương trình học, đội ngũ giảng viên, môi trường học tập và cơ hội nghiên cứu khoa học. Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Hà Nội TP.HCM có truyền thống lâu đời và nổi tiếng về học thuật nhưng mô hình tài chính có thể không tập trung quá nhiều vào việc khai thác các nguồn thu ngoài học phí. 

Doanh thu và chất lượng đào tạo là hai yếu tố có mối liên hệ nhưng không hoàn toàn tỷ lệ thuận với nhau. Một trường có doanh thu cao chưa chắc đã có chất lượng đào tạo tốt và ngược lại, những trường có thành tích học thuật xuất sắc có thể không nằm trong top doanh thu".

"Trường Đại học Công Thương TP.HCM nằm trong top giữa, doanh thu khoảng 600 tỷ đồng/năm. Con số 1.000 tỷ đồng là mơ ước của trường vì không có diện tích lớn để xây dựng cơ sở vật chất nhiều hơn", Thạc sĩ Sơn cho hay.

TS. Phạm Hiệp, đồng trưởng nhóm nghiên cứu Đổi mới Giáo dục Reduvation, Trường Đại học Thành Đô, đồng trưởng nhóm nghiên cứu khoa học giáo dục và chính sách, Trường ĐH Giáo dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội, bày tỏ: "Tôi không bất ngờ với top 10 này vì đây là những trường có quy mô lớn, uy tín: Có trường thì uy tín trong ngành cụ thể như Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, trường có nhiều cơ sở như Trường ĐH FPT, trường nghiên cứu hàng đầu như Đại học Bách khoa Hà Nội hoặc các trường nổi tiếng về nội dung nào đó. 

 trường không nằm trong xếp hạng vì chạy theo tiêu chí riêng. Ví dụ Đại học Quốc gia Hà Nội thống kê theo trường thành viên. Nếu tính tổng có thể lọt trong top 5 này. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có chất lượng đào tạo ngành Sư phạm tốt nhất cả nước nhưng ngân sách chủ yếu của Nhà nước".

Theo TS Hiệp, giáo dục đại học là một thị trường và các trường phải đặt bài toán kinh phí. Thống kê minh bạch như thế này là tốt. Tuy nhiên, doanh thu và chất lượng lại khác nhau. Trường tốt nhưng quy mô nhỏ không nằm trong số top này. 

TS Hiệp khẳng định: "Đây là dấu hiệu tốt. Các trường có doanh thu cao cho thấy nhu cầu đi học lớn, thị trường sẵn sàng chi trả và đang lớn dần. Chúng ta chưa quen với con số này ở trường đại học nhưng nhìn sang ngành khác hay các trường khác ở nước ngoài thì con số này không quá to. Các trường làm được thì chúng ta nên mừng cho họ.

Tuy nhiên, về vấn đề xã hội có 2 điều cần quan tâm. Thứ nhất là nhà nước cần đầu tư vào các trường có ngành như khoa học cơ bản, xã hội nhân văn, phát triển bền vững… vì những trường tư nhân không làm được. Điều thứ 2 là bất bình đẳng giữa học sinh giàu và nghèo. Nhà nước cần đầu tư vào ngân sách các trường hoặc qua học bổng, tín dụng. Nhà trường không thể chỉ dựa vào học phí (của các sinh viên đóng tiền) để trao học bổng cho sinh viên nghèo".