Ông Phạm Thành Lộc (sinh năm 1981, huyện Củ Chi, TP.HCM) được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024. Ông được nhiều người biết đến với mô hình chế biến thảo dược bằng công nghệ nano emulsion - siêu âm.
Là người sản xuất và bán thảo dược nhiều năm, ông Lộc nhận thấy vấn đề bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam, đặc biệt là thảo dược nên cần được quan tâm hơn nữa.
Theo ông Lộc, thời gian qua Nhà nước đã có rất nhiều chính sách, nhiều nỗ lực để xây dựng các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu: chương trình OCOP, chương trình vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt... Qua đó đã nâng cao được niềm tin của người tiêu dùng trong nước về sản phẩm của các vùng miền, cây dược liệu đặc trưng.
Đồng thời cũng xuất hiện nhiều thông tin cho thấy, có thương lái đã dùng nông sản nước ngoài đội lốt nông sản Việt Nam đánh lừa người tiêu dùng. Một số cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng nhái, hàng giả tạo nên sự cạnh tranh bất bình đẳng, gây mất niềm tin của người tiêu dùng.
“Dưới vai trò là hội viên nông dân, vừa trực tiếp sản xuất kinh doanh, tôi rất mong Nhà nước có thêm nhiều các hoạt động chấn chỉnh, làm trong sạch thị trường. Đánh mạnh hàng nhái, hàng giả, đội lốt, trốn thuế… để bảo vệ người sản xuất và người tiêu dùng”, ông Lộc mong muốn.
Cũng theo Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 Phạm Thành Lộc, người nông dân luôn mong muốn có nhiều kỹ thuật, công nghệ để chế biến nông sản sau thu hoạch. Từ đó giúp tăng thời gian lưu nông sản thô, hoặc thành phẩm có thể tham gia thị trường với thời gian dài nhất.
“Rất mong Nhà nước có thêm nhiều chương trình ưu đãi, thúc đẩy các nhà khoa học, các viện trường, các doanh nghiệp nghiên cứu thêm nhiều công nghệ chế biến mới, dễ dàng tiếp cận để doanh nghiệp vừa, nhỏ, hợp tác xã và nông hộ có thể tiếp cận được”, ông Lộc nói.
Được biết, ông Phạm Thành Lộc xuất thân từ chuyên ngành hóa học, nhưng lại bén duyên với lĩnh vực nông nghiệp mà cụ thể là chế biến các sản phẩm bảo vệ sức khỏe từ thảo dược.
Công nghệ nano emulsion - siêu âm do ông Lộc nghiên cứu có nhiều điểm vượt trội, trong 1 phút có thể sản xuất 5 lít hoạt chất thảo dược dưới dạng nano. Hơn nữa, không cần phải châm nguyên liệu sau mỗi mẻ sản xuất. Ông Lộc đã lập trình, chỉ việc đổ nguyên liệu vào bồn chứa và cho máy chạy tự động, thậm chí có thể điều khiển từ xa thông qua điện thoại thông minh.
Từ chiếc máy này, ông Lộc đã sản xuất ra các sản phẩm như: xịt miệng thảo dược, tinh dầu xông hơi, dầu xoa bóp, xịt khẩu trang đều dưới dạng nano.
Sản phẩm ông Lộc hiện chỉ phân phối phần lớn cho các đại lý. Thỉnh thoảng ông Lộc cũng đưa sản phẩm tham gia xúc tiến thương mại tại nhiều địa phương, nhằm mở rộng khách hàng, tìm kiếm đối tác. Nhờ sản xuất các sản phẩm nano thảo dược, mỗi năm ông thu lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng.
Ông Lộc thừa nhận, những sản phẩm của ông vẫn chưa được biết đến rộng rãi trên thị trường. Do đó ông phải giảm công suất sản xuất xuống thấp hơn với công suất vốn có của máy.
Ông cho biết, sắp tới ông sẽ mở riêng một khu sản xuất khép kín và đóng gói tự động, mọi thứ sẽ hướng đến tự động hóa. Một số máy móc, công nghệ khác cũng được ông Lộc nghiên cứu để sản xuất thêm nhiều sản phẩm từ thảo dược.
“Tôi đang ấp ủ làm các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp từ thảo dược, hoặc có thể là nước hoa cũng từ các loại thảo dược thuần tự nhiên. Tuy nhiên cần có thời gian nghiên cứu, xây dựng nhà sản xuất và đặc biệt là chờ tín hiệu tốt từ thị trường”, ông Lộc tiết lộ.
Năm 2021, ông Phạm Thành Lộc được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích “Máy trồng thực vật khí canh và quy trình trồng trọt theo phương pháp khí canh sử dụng máy này”.
Năm 2022, ông Lộc được Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (United States Patent and Trademark Office, viết tắt là: USPTO) cấp bằng bảo hộ độc quyền sáng chế cho giải pháp “Tinh dầu xua muỗi đa chức năng và phương pháp chế tạo nó”.
Năm 2022-2023, ông Lộc được Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM cấp kinh phí tài trợ và nghiệm thu thành công công trình nghiên cứu “Hoàn thiện Quy trình công nghệ nano hóa hỗn hợp tinh gừng và một số dược liệu được chiết xuất bằng công nghệ CO2 lỏng siêu tới hạn làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm bảo vệ sức khỏe”.