Dân Việt

Bộ trưởng thường ủy quyền tiếp công dân, cần xem xét trách nhiệm

Quỳnh Nguyễn 26/09/2024 13:36 GMT+7
Theo báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ủy quyền tiếp công dân chiếm 41% số ngày theo quy định. Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ xem xét trách nhiệm đối với những cơ quan, cá nhân chưa thực hiện tốt quy định của pháp luật về tiếp công dân.

Ngày 26/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024.

Bộ trưởng thường ủy quyền tiếp công dân, cần xem xét trách nhiệm - Ảnh 1.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024. Ảnh: Media Quốc hội

Thống kê của Chính phủ cho thấy trong 10 tháng năm 2024, có gần 256.000 lượt người đến cơ quan hành chính Nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, với tổng số người được tiếp là 280.510 người về 206.382 vụ việc, có 2.024 đoàn đông người.

Thẩm tra báo cáo, Thường trực Ủy ban Pháp luật ghi nhận việc tiếp công dân đã có nhiều đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả hơn.

So với năm 2023 (đủ 12 tháng), cơ quan thẩm tra đánh giá số đoàn đông người năm 2024 có thể không tăng, nhưng, số đoàn đông người đến Thanh tra Chính phủ lại tăng rất mạnh (245 đoàn, so với năm 2023 có 107 đoàn, bằng 229%); số đoàn đông người đến các bộ, ngành giảm mạnh (91 đoàn, so với năm 2023 có 202 đoàn, giảm 55%).

Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ làm rõ đâu là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc số đoàn đông người đến các bộ, ngành giảm mạnh nhưng đến Thanh tra Chính phủ lại tăng mạnh.

Liên quan việc chấp hành quy định về số ngày tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước (bao gồm cả số ngày ủy quyền tiếp công dân), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, cấp chủ tịch UBND cấp tỉnh thực hiện tốt nhất (97% số ngày theo quy định), tiếp theo là chủ tịch UBND cấp huyện (95% số ngày theo quy định), bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ (92% số ngày theo quy định) và thấp nhất là chủ tịch UBND cấp xã (84% số ngày theo quy định).

Bộ trưởng thường ủy quyền tiếp công dân, cần xem xét trách nhiệm - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Media Quốc hội

Việc trực tiếp tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước được thực hiện tốt nhất ở cấp chủ tịch UBND cấp xã (trực tiếp tiếp 92%, ủy quyền tiếp 8%), tiếp theo là chủ tịch UBND cấp huyện (trực tiếp tiếp 84%, ủy quyền tiếp 16%), chủ tịch UBND cấp tỉnh (trực tiếp tiếp 82%, ủy quyền tiếp là 18%) và thực hiện thấp nhất là bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ (trực tiếp tiếp 59%, ủy quyền tiếp 41%).

Đánh giá ưu điểm, kết quả việc chấp hành quy định của pháp luật về trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước, Chính phủ nhận định người đứng đầu các cấp, các ngành đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tiếp công dân và thực hiện ngày càng tốt hơn trách nhiệm tiếp công dân theo quy định.

Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, số liệu trong báo cáo của Chính phủ cho thấy thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước các cấp vẫn chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân.

Bên cạnh đó, tình trạng ủy quyền tiếp công dân tại bộ, ngành, địa phương vẫn còn nhiều. Trong đó, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ủy quyền tiếp công dân chiếm 41% số ngày theo quy định.

Mặc dù việc trực tiếp tiếp công dân của chủ tịch UBND cấp tỉnh và cấp huyện có tiến bộ hơn so với năm 2023 (cấp tỉnh là 82%, so với năm 2023 là 79%; cấp huyện là 84%, so với năm 2023 là 79%), nhưng theo Ủy ban Pháp luật, nếu tính chung số ngày tiếp công dân của thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước (bao gồm cả số ngày ủy quyền tiếp công dân), ở cấp chủ tịch UBND cấp tỉnh và cấp huyện giảm (cấp tỉnh là 97%, so với năm 2023 là 112%; cấp huyện là 95%, so với năm 2023 là 103%).

Mặt khác, theo Ủy ban Pháp luật, báo cáo cũng chưa chỉ ra cụ thể bộ, ngành, địa phương, người đứng đầu cơ quan, địa phương chưa thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm tiếp công dân; chưa đề cao trách nhiệm trong việc thực hiện tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, nhất là để giải quyết những vụ việc, vấn đề nổi cộm, bức xúc…

Để nâng cao hiệu quả của công tác này, Ủy ban Pháp luật đề nghị xem xét trách nhiệm đối với những cơ quan, cá nhân chưa thực hiện tốt quy định của pháp luật về tiếp công dân.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị báo cáo của Chính phủ cần bổ sung, làm rõ "địa chỉ" cụ thể của những bất cập, hạn chế ở lĩnh vực nào, ở cơ quan, đơn vị, địa phương nào, bộ phận công chức nào, để xác định trách nhiệm và có chế tài xử lý thích hợp.

"Nếu vẫn chỉ nêu chung chung thì khó có thể khắc phục hiệu quả được những tồn tại, hạn chế trong công tác này", theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.