Như Báo điện tử Dân Việt đã đưa tin, tối 24/9 Công an tỉnh Lâm Đông đã bắt Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng Phạm Thành Công, để điều tra tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Đến 21h15, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng đã hoàn tất khám xét nơi ở của ông Công ở đường Lý Nam Đế (phường 8, Đà Lạt). Sau đó, ông Công được đưa đi trên một xe bán tải biển số công vụ. Cảnh sát thu giữ nhiều thùng tài liệu phục vụ công tác điều tra.
Theo nguồn tin, một người dân ở huyện Đức Trọng có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên nhờ ông Công giúp đỡ. Người này đã 2 lần chuyển tiền cho ông Công với tổng số tiền 1 tỉ đồng. Tuy nhiên ông Công không giúp được và cũng không trả lại tiền.
Đến tháng 9/2024, nhân buổi tiếp công dân định kỳ của quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học, người này đã mang giấy tờ và ghi âm đến tố cáo. Sau đó, Công an tỉnh Lâm Đồng được chỉ đạo điều tra, xử lý vụ việc theo quy định pháp luật. Sau nhiều ngày làm việc liên tục, bước đầu ông Phạm Thành Công đã thừa nhận hành vi vi phạm.
Tiến sĩ luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho hay, với kết quả xác minh ban đầu cho thấy hành vi của vị cán bộ này vi phạm nghiêm trọng đạo đức công vụ, vi phạm pháp luật đến mức có thể xử lý hình sự nên cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để xử lý đối với cán bộ này về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, hành vi sử dụng chức vụ quyền hạn như một công cụ để thực hiện hành vi phạm tội, chiếm đoạt tài sản là hành vi đáng lên án, không những xâm phạm đến lợi ích của công dân mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước, của Đảng và làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với các cấp chính quyền.
Theo quy định của pháp luật và điều lệ Đảng, cán bộ Đảng viên, người giữ chức vụ quản lý Nhà nước không được nhận tiền, lợi ích vật chất của người dân, của cấp dưới. Nếu nhận tiền để cam kết thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền đó là hành vi đưa hối lộ nhận hối lộ. Trường hợp nhận tiền nhưng không thực hiện công việc đó là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bởi vậy, trong mọi tình huống người có chức vụ quyền hạn nhận tiền của cấp dưới hoặc của tổ chức cá nhân liên quan đến công việc của mình mà gắn với một nội dung thỏa thuận nào đó liên quan đến nhiệm vụ, công vụ, liên quan đến quản lý hành chính Nhà nước thì đó là hành vi rất nguy hiểm, không bị xử lý về tội nhận hối lộ cũng sẽ bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Luật sư Cường cho biết thêm, trong vụ việc nêu trên nếu kết quả điều tra cho thấy vị cán bộ này đã đưa ra thông tin gian dối là có thể thực hiện một công việc nào đó ngoài khả năng của mình để nhận tiền rồi chiếm đoạt số tiền đó thì có đủ căn cứ để buộc tội về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tội danh và hình phạt được quy định theo Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015, với khung hình phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất 7 năm tù.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trường hợp bị kết tội về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người vi phạm có thể sẽ phải đối mặt với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như phạm tội 02 lần trở lên, lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội...
Ngoài việc xem xét xử lý đối với cán bộ vi phạm pháp luật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ nguyên nhân điều kiện phạm tội để thực hiện các giải pháp phòng ngừa, hoàn thiện công tác tổ chức cán bộ, tránh trường hợp sử dụng những cán bộ không đủ năng lực phẩm chất đạo đức, thiếu tu dưỡng rèn luyện để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến công vụ, nhiệm vụ.