Dân Việt

Nhóm thanh thiếu niên mang súng đi giải quyết mâu thuẫn ở An Giang dưới góc nhìn pháp lý

T. Nam - K. Trinh 27/09/2024 09:15 GMT+7
Theo luật sư, hành vi của nhóm đối tượng thể hiện tính côn đồ, manh động, sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng để giải quyết mâu thuẫn nên cần có xử lý nghiêm khắc, tạo sự răn đe.

Truy tố nhóm đối tượng "Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng"

Ngày 25/9, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh An Giang cho biết vừa chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố 4 thanh thiếu niên từ 16 đến 19 tuổi gồm N.T.H., T.V.K., T.V.H. (cùng ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) và V.V.L. (TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) cùng về tội tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. 

Theo hồ sơ điều tra, khoảng 20h ngày 17/3, Công an TP Long Xuyên tuần tra trên đường Nguyễn Hoàng (phường Mỹ Hòa) thì phát hiện V.V.L., H.P.T., B.V.T. (cùng 16 tuổi, ở xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên) có biểu hiện nghi vấn nên yêu cầu dừng phương tiện kiểm tra.

Ngay lập tức, V.V.L. tăng ga bỏ chạy, đồng thời ném khẩu súng rulo cùng 4 viên đạn nhằm phi tang. Do nhận thức được hành vi phạm tội đã bị phát hiện nên sau đó N.T.H., T.V.K. và T.V.H. đến cơ quan công an đầu thú, thừa nhận hành vi phạm tội.

Kết quả điều tra xác định, khoảng đầu năm 2024 thông qua mạng xã hội, T.V.H. mua khẩu súng rulo và 4 viên đạn với giá 6 triệu đồng. Sau khi mua được súng đạn, T.V.H. mượn T.V.K. 500.000 đồng để tiếp tục mua thêm 15 viên đạn rồi rủ T.V.K. đi bắn thử.

Quy định pháp lý vụ nhóm 4 thanh thiếu niên mang súng đi giải quyết mâu thuẫn ở An Giang - Ảnh 1.

Khẩu súng rulo tang vật trong vụ án. Ảnh: Công an tỉnh An Giang.

Đến ngày 17/3, nhóm V.V.L. mang theo khẩu súng cùng 4 viên đạn đi giải quyết mâu thuẫn với một số đối tượng khác thì bị công an truy đuổi.

Căn cứ xử lý tội "Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng"

Luật sư Nguyễn Bá Huy- Giám đốc công ty Luật TNHH Tín Hải, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho hay, hành vi của nhóm đối tượng trên thể hiện tính côn đồ, manh động, sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng để giải quyết mâu thuẫn nên cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc.

Trên thực tế, súng là loại vũ khí nguy hiểm, có tính sát thương cao. Việc sử dụng cần tuân thủ đầy đủ các quy định chặt chẽ của pháp luật và chỉ một số đối tượng nhất định mới được sử dụng loại vũ khí này. Hành vi sử dụng súng tùy tiện nhằm mục đích để tấn công, tước đoạt mạng sống của người khác là hết sức nguy hiểm và dù xuất phát từ nguyên nhân gì thì cũng là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo luật sư Huy, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào mức độ của hành vi mà người tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP với mức phạt từ 20 - 40 triệu đồng với cá nhân vi phạm và 40 - 80 triệu đồng nếu là tổ chức vi phạm.

Trường hợp vi phạm nghiêm trọng, tùy vào loại súng sử dụng có thể bị xử lý hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự theo Khoản 1, Điều 304, Bộ luật hình sự 2015, với hình phạt tù thấp nhất là 1 năm tù, cao nhất 7 năm tù. 

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng sẽ điều tra nguồn gốc khẩu súng mà các đối tượng dùng để giải quyết mâu thuẫn, đối tượng lấy ở đâu, qua mua bán hay mượn, và nếu mua trên mạng xã hội thì mua của người nào...

Trong vụ việc trên, các đối tượng có hành vi phạm tội khi tuổi đời còn rất trẻ, có đối tượng chưa đủ tuổi thành niên nên nếu được xác định là phạm tội thì sẽ được áp dụng mức hình phạt nhẹ hơn so với người thành niên. Theo đó, các đối tượng này xử lý theo khoản 1, Điều 101, Bộ luật hình sự 2015.

Cũng theo luật sư Huy, hiện nay tình trạng tàng trữ các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ trái phép, sẵn sàng xả súng nếu xảy ra mâu thuẫn, vẫn đang có diễn biến phức tạp và được coi là một trong những nguyên nhân phát sinh những vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng.

Vì vậy, để hạn chế các vụ án đau lòng có thể xảy ra, ngoài công tác tuyên truyền, cần phát động phong trào quần chúng tố giác tội phạm và xử lý nghiêm các trường hợp tàng trữ, mua bán, vận chuyển và sản xuất vũ khí. Các lực lượng nghiệp vụ và cơ quan chức năng cần có sự phối hợp đồng bộ thống nhất trong công tác đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn loại tội phạm này.