Dân Việt

Sở LĐTBXH TP.HCM: Nhiều tổ chức, doanh nghiệp chưa nắm được quy định về sử dụng lao động nước ngoài

Nguyệt Minh 27/09/2024 07:20 GMT+7
Theo Sở LĐTBXH TP.HCM, nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM hiện vẫn chưa nắm những quy định, thủ tục khi sử dụng người lao động nước ngoài.

Theo thông tin từ Sở LĐTBXH TP.HCM, trên địa bàn TP hiện có khoảng 30.000 lao động là người nước ngoài được cấp giấy phép làm việc tại các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. 

Lực lượng lao động người nước ngoài tại Việt Nam ngày càng nhiều, đang có những đóng góp lớn trong hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt trên địa bàn TP.HCM. 

Sở LĐTBXH TP.HCM nhấn mạnh những điều cần lưu ý khi sử dụng lao động nước ngoài  - Ảnh 1.

Bà Lượng Thị Tới - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TP.HCM cho biết, hiện nay, vẫn còn nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM chưa nắm những quy định, thủ tục khi sử dụng người lao động nước ngoài. Ảnh: Nguyệt Minh

Bà Lượng Thị Tới - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TP.HCM chia sẻ: "Trong thời gian vừa qua, lao động nước ngoài đã được nhà nước quan tâm và triển khai các chính sách theo hướng thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp và người lao động. Giúp lao động nước ngoài trong quá trình hoạt động và làm việc tại lãnh thổ của Việt Nam ngày càng thuận lợi hơn". 

Cũng theo bà Tới, mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định 84/2024/NĐ-CP thí điểm phân cấp quản lý nhà nước 8 lĩnh vực cho chính quyền TP.HCM. Theo quy định này, Sở LĐTBXH TP.HCM là cơ quan chủ trì phối hợp để tham mưu cho UBND TP.HCM giải quyết thực hiện các vấn đề về người lao động nước ngoài trên địa bàn. 

"Đây cũng là một trong những điểm mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, cơ quan tổ chức và người lao động là người nước ngoài", bà Tới nói. 

Bà Tới thông tin thêm, trong thời gian vừa qua, Sở đã tổ chức rất nhiều hội nghị đối thoại, qua đó, tiếp nhận, giải đáp các thắc mắc, những việc còn vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục liên quan đến lao động nước ngoài.  

Tuy nhiên, bà Tới cho biết, trong quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, Sở nhận thấy còn nhiều trường hợp các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cũng chưa nắm chắc được những quy định có liên quan.  Do đó dẫn đến việc thực hiện hồ sơ chưa đầy đủ và đảm bảo. 

Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TP.HCM bày tỏ mong muốn các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần phải nắm rõ quy định, những điều cần lưu ý khi sử dụng quản lý người lao động nước ngoài. 

Sở LĐTBXH TP.HCM nhấn mạnh những điều cần lưu ý khi sử dụng lao động nước ngoài  - Ảnh 2.

Sở LĐTBXH TP.HCM tổ chức hội nghị "Trao đổi các quy định về sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam" với sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: Nguyệt Minh

Cụ thể, Sở LĐTBXH TP.HCM thông tin một số nội dung lưu ý trong quá trình sử dụng, quản lý người lao động nước ngoài làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp như sau: 

Đối với các trường hợp giấy phép lao động với hình thức làm việc là thực hiện hợp đồng lao động, sau khi được cấp/ gia hạn GPLĐ, người sử dụng lao động phải ký kết HĐLĐ bằng văn bản trước ngày dự kiến làm việc.

Phải gửi hợp đồng lao động (bản gốc hoặc bản sao có chứng thực) đã ký kết tới Sở LĐTBXH đã cấp GPLĐ.

Về việc tham gia BHXH cho người lao động nước ngoài: Người nước ngoài có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam thuộc.

Chế độ BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam được quy định tại Nghị định 143/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2018 của Chính phủ và Luật an toàn, vệ sinh lao động.

Đối với việc thực hiện chế độ báo cáo tình hình sử dụng người lao động nước ngoài, Sở LĐTBXH TP.HCM cho biết Báo cáo 6 tháng đầu năm: nộp trước ngày 5/7. Thời gian chốt số liệu: tính từ ngày 15/12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14/6 của kỳ báo cáo.

Báo cáo cả năm: nộp trước ngày 5/1 của năm sau; Thời gian chốt số liệu: tính từ ngày 15/12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14/12 của kỳ báo cáo.

Đối với việc thu hồi Giấy phép lao động: Người sử dụng lao động thu hồi GPLĐ của người lao động nước ngoài để nộp lại Sở LĐTBXH đã cấp GPLĐ đó kèm theo văn bản nêu rõ lý do thu hồi, trường hợp thuộc diện thu hồi nhưng không thu hồi được.

Các hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lao động nước ngoài:

Điều 32, Nghị định số 12/2022/NĐ-CP - về vi phạm quy định về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, cụ thể như sau:

"1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Không báo cáo hoặc báo cáo không đúng nội dung hoặc báo cáo không đúng thời hạn về tình hình sử dụng người lao động nước ngoài theo quy định;

b) Không gửi hợp đồng lao động bản gốc hoặc bản sao có chứng thực đã ký kết sau khi người lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động hoặc gia hạn giấy phép lao động tới cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy phép lao động hoặc gia hạn giấy phép lao động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy phép lao động đó đối với trường hợp người lao động nước ngoài làm việc theo hình thức hợp đồng lao động.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi sử dụng lao động nước ngoài không đúng với nội dung ghi trên giấy phép lao động hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có một trong các hành vi sau đây:

a) Làm việc nhưng không có giấy phép lao động hoặc không có văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật;

b) Sử dụng giấy phép lao động hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đã hết hiệu lực.

4. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có hành vi sử dụng LĐNN làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động hoặc không có giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc sử dụng người lao động nước ngoài có giấy phép lao động đã hết hạn hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đã hết hiệu lực theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 30.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người;

b) Từ 45.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 20 người;

c) Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 21 người trở lên.

5. Hình thức xử phạt bổ sung

Trục xuất người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam khi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này."

Khoản 5, Khoản 10 Điều 39. Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (Nghị định số 12/2022/NĐ-CP)

"5. Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;

b) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng;

c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà không phải là trốn đóng;

d) Chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.

……

10. Biện pháp khắc phục hậu quả

a) Buộc người sử dụng lao động đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp phải đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, 6, 7 Điều này;

b) Buộc người sử dụng lao động nộp khoản tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội đối với những hành vi vi phạm quy định tại các khoản 5, 6, 7 Điều này từ 30 ngày trở lên."