Dân Việt

Chỉ công khai tên người bỏ cọc đấu giá đất có đủ sức răn đe?

Phương Thảo 27/09/2024 15:19 GMT+7
Việc bỏ cọc đấu giá đất 55/68 lô đất tại huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội gây nhiễu loạn thị trường bất động sản. Nếu chỉ công khai danh tính người bỏ cọc đấu giá đã đủ sức răn đe?

Phiên đấu giá đất huyện Thanh Oai ngày 10/8 mới đây tạo nên "cơn sốt" cho thị trường đất đấu giá vùng ven Hà Nội trong năm 2024. Sức nóng và mức độ quan tâm của giới đầu tư bất động sản đã xuyên suốt từ trước lúc diễn ra phiên đấu giá cho đến khi xuất hiện tình trạng bỏ cọc tới 55/68 lô đất tại đây.

Nhằm ngăn chặn hành vi đẩy giá đất lên cao rồi bỏ cọc tiếp tục diễn biến, UBND TP. Hà Nội yêu cầu UBND cấp huyện lập danh sách các trường hợp trả giá cao hơn thị trường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền. Sau đó, danh sách này sẽ được công khai trên trang thông tin của các huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường.

Ngoài ra, UBND TP. Hà Nội đề nghị Công an thành phố xem xét các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện vi phạm về đấu giá đất. Công an cũng cần đề xuất giải pháp ngăn chặn hoặc hạn chế việc tiếp tục tham gia đấu giá với các trường hợp trả giá trúng cao bất thường rồi bỏ cọc.

Hà Nội công khai danh tính người bỏ cọc đấu giá đất: Lợi bất cập hại? - Ảnh 1.

Toàn ảnh những lô đất trong phiên đấu giá ở Thanh Oai đã xuất hiện tình trạng bỏ cọc. Ảnh: CTV

Trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Bộ Xây dựng cũng chỉ ra những hạn chế, tiêu cực như một số nơi có hiện tượng "cò đấu giá" thông đồng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia.

Bộ Xây dựng nhận thấy có hiện tượng trả rất cao một số lô rồi bỏ cọc, tạo mặt bằng giá ảo để thao túng thị trường. Hay việc mua đi bán lại nhiều lô đất nhằm thu lợi bất chính diễn ra phổ biến ở nhiều hơn, thậm chí mang tính tổ chức.

Công khai danh tính người bỏ cọc đất đấu giá có phải "bêu tên" hành vi xấu?

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng bộ TN-MT, cho rằng: Việc công khai danh tính người bỏ cọc đấu giá đất sẽ có hiệu quả trong việc dẹp đi hành vi xấu, răn đe kỷ luật. Theo ông, việc "bêu tên" như này đã được áp dụng từ rất lâu trở về trước đối với mọi hành vi và đều mang lại kết quả tốt.

Khó mà đưa những người bỏ cọc này vào khung pháp lý được vì trên thực tế, họ có sai nhưng không hoàn toàn sai nên chỉ dừng ở việc răn đe đạo đức như vậy đã là bước tiến cải thiện về luật pháp rồi.

ông Đặng Hùng Võ tâm sự

Đáng chú ý, ông Võ cho rằng công khai danh tính này không phải là hành vi trái pháp luật và cũng không sợ phạm phải luật bảo vệ thông tin người tham gia đấu giá. Việc bỏ cọc xảy ra khi phiên đấu giá đất đã kết thúc, công khai danh tính người bỏ cọc chỉ đơn thuần là công khai danh sách kết quả phiên đấu giá đó.

Ông Võ cho hay, thời điểm "vàng" để công khai danh tính người bỏ cọc đất đấu giá là trước khi những cuộc đấu giá này khởi động lại. Điều này sẽ răn đe được một phần nào đó để ngăn chặn hành vi gây nhiễu loạn thị trường.

Hà Nội công khai danh tính người bỏ cọc đấu giá đất: Lợi bất cập hại? - Ảnh 2.

UBND TP.Hà Nội đề nghị các địa phương lập danh sách những người tham gia đấu giá đất rồi bỏ cọc để công bố trên website Sở và Bộ. Ảnh: CTV

Luật sư Mai Thảo, Phó Giám đốc TAT Law Firm cho rằng: Công khai danh tính người bỏ cọc có thể tăng được tính minh bạch và cảnh báo cho những người sau này có ý định tham gia đấu giá đất không nghiêm túc. Tuy nhiên, công khai danh tính người bỏ cọc đất đấu giá chỉ dừng ở mức răn đe.

"Giải" bài toán chống bỏ cọc đấu giá đất

Cũng theo luật sư Thảo, trước khi Hà Nội tổ chức những phiên đấu giá đất đã có quy định tại điều 23 Nghị định 82/2020/NĐ-CP xử phạt người bỏ cọc như: Cấm tham gia đấu giá từ 6 tháng đến 5 năm hay xử phạt tiền từ 7 đến 10 triệu. Nhưng trên thực tế, mức xử phạt này là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Người muốn lách luật họ vẫn có thể nhờ hoặc thuê một người khác đứng tên để tham gia đấu giá và tiếp tục thực hiện những hành vi tạo "bong bóng bất động sản".

Chính vì vậy, luật sư Mai Thảo đề xuất việc tăng mức ký quỹ lên, có thể lên tới 20 - 30% giá trị tài sản đấu giá. Bên cạnh đó, cũng có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại mức từ 30 - 50% giá trị tài sản đấu giá, nhằm bù đắp thiệt hại cho Nhà nước và các bên liên quan.

Ngoài đề xuất trên, luật sư Mai Thảo yêu cầu UBND TP.Hà Nội cần nghiêm túc thực hiện thay đổi khung pháp lý để quyết liệt ngăn chặn hành vi gây nhiễu loạn đấu giá đất.

Hà Nội công khai danh tính người bỏ cọc đấu giá đất: Lợi bất cập hại? - Ảnh 3.

1 trong những lô đất bị bỏ cọc, có lô có mức trúng đấu giá lên tới hàng trăm triệu đồng/m2. Ảnh: CTV

Nhìn từ góc độ kinh tế, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cũng đồng quan điểm với ông Võ, việc "bêu tên" mà không có hình thức xử phạt đi kèm thì không mang lại hiệu quả cao.

Ông Hiếu nói: "Vẫn có nhiều người hiện nay sống theo hướng "đồng tiền làm mờ con mắt", nên dù có bêu tên họ, có bêu xấu hành vi của họ nhưng vì cái lợi trước mắt thì họ vẫn sẽ quyết định "nhắm mắt làm ngơ".

Chính vì vậy, ông Hiếu cho rằng, cần thiết cơ quan nhà nước, công an trực tiếp vào cuộc, xử nặng những hành vi gây nhiễu loạn thị trường bất động sản.

Một số chuyên gia cho rằng, nên siết chặt hơn nữa việc phân lô bán nền. Trên thực tế, đất phân lô bán nền đã tạo điều kiện cho không ít chủ đầu tư có năng lực tài chính yếu kém đã lợi dụng chính sách để gom đất, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng sơ sài rồi bán đất giá cao cho người dân, giới đầu cơ để thu tiền. Từ đó, gây ra tình trạng sử dụng lãng phí tài nguyên đất, để hoang hóa đất đai. Đây là căn nguyên của nạn thổi giá, gây "sốt đất", gây ra rủi ro cho thị trường bất động sản. Do đó, việc siết phân lô bán nền được kỳ vọng góp phần “sàng lọc” nhà đầu tư, hình thành nên các doanh nghiệp bất động sản chuyên nghiệp. Do đó, cần xem xét lại việc nhiều địa phương phân lô đất rồi đấu giá vì dễ tạo điều kiện cho nạn đầu cơ, thổi giá.