Dân Việt

Vụ mạo danh Sở Y tế Bình Phước đòi kiểm tra, giám sát nhà hàng, có thể bị xử lý thế nào?

Phi Long 28/09/2024 12:26 GMT+7
Sở Y tế tỉnh Bình Phước khẳng định, đơn vị không ban hành các quyết định, thông báo như thông tin và hình ảnh người dân cung cấp về việc thành lập đoàn kiểm tra, giám sát cơ sở kinh doanh, nhà hàng. Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh đã phân tích dưới góc độ pháp lý vụ việc này.

Văn bản giả mạo Sở y tế tỉnh Bình Phước

Tối 26/9, bà Đỗ Thị Nguyên, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước đã gửi công văn đến Công an tỉnh Bình Phước, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở thực phẩm trên địa bàn tỉnh về việc có đối tượng mạo danh là Sở Y tế tỉnh thành lập đoàn kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Trước đó, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Phước nhận được tin nhắn của 1 người dân về việc Sở Y tế ban hành 2 văn bản thông báo kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh trên địa bàn các tỉnh Bình Phước và Bình Dương.

Người này sau đó chụp ảnh về quyết định số 115/QĐ-SYT ngày 25-9 của Sở Y tế tỉnh Bình Phước về việc thành lập đoàn kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bình Phước và thông báo số 01/TB-SYT ngày 26/9 của Sở Y tế tỉnh Bình Phước về việc đoàn kiểm tra, giám sát tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bình Dương gửi đến một nhà hàng có địa chỉ tại TP.Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.

Vụ mạo danh Sở Y tế Bình Phước đòi kiểm tra, giám sát nhà hàng, có thể bị xử lý thế nào?- Ảnh 1.

Sở Y tế Bình Phước khẳng định Quyết định số 115/QĐ-SYT ngày 25/9/2024 là giả mạo. Ảnh: IT.

Luật sư Hoàng Anh Sơn cho biết, làm giả tài liệu, giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức là các hành vi làm ra các loại giấy tờ, tài liệu giả giống như các loại tài liệu, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức đang sử dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật.

Người vi phạm sẽ phải chịu chế tài nghiêm khắc

Hành vi sử dụng con dấu giả, tài liệu giả hoặc giấy tờ giả khác của cơ quan, tổ chức nhằm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như dùng để lừa dối các cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Về mặt khách thể, hành vi này xâm phạm đến hoạt động bình thường của các cơ quan Nhà nước, tổ chức trong hoạt động quản lý hành chính về con dấu, tài liệu. Chủ thể là người từ đủ 16 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.

Hành vi của nhóm đối tượng có dấu hiệu của tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Cụ thể, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm tù.

Ngoài ra, theo luật sư Sơn, hành vi mạo danh người của Sở Y tế còn có thể cấu thành tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác được quy định tại Điều 339 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với khung hình phạt lên tới 02 năm tù.