Theo đó, việc chủ động lường trước khó khăn để đưa ra giải pháp hiệu quả được chú trọng.
Tại Trường THPT Lam Kinh (Thọ Xuân, Thanh Hóa), định hướng và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, cũng như chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để đạt kết quả tốt nhất trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 đã triển khai 3 năm qua. Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Minh Đạo, kỳ thi có nhiều đổi mới nên những khó khăn phát sinh được nhà trường tính toán, lường trước.
Đơn cử, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ nhiều khó khăn hơn. Do có đến 36 tổ hợp tự chọn của thí sinh nên dự báo số phòng thi tại mỗi điểm thi sẽ tăng. Đây là khó khăn lớn nhất, đặc biệt với địa phương có điều kiện cơ sở vật chất chưa tốt, số phòng học còn hạn chế.
Ngoài ra, tổ chức ôn tập cho thí sinh, nhất là các môn lần đầu xuất hiện trong kỳ thi, giáo viên có thể gặp khó khăn do thiếu kinh nghiệm. Đề thi có cấu trúc, định dạng mới. Dù Bộ GD&ĐT sớm công bố để học sinh, giáo viên chuẩn bị, nhưng do năm đầu tiên thi theo Chương trình GDPT 2018 nên khó tránh khỏi lo lắng.
“Tại Trường THPT Lam Kinh, kế hoạch ôn tập, củng cố kiến thức được triển khai từ đầu năm học để học sinh, giáo viên được chuẩn bị tốt nhất, đặc biệt việc làm quen với cấu trúc định dạng đề thi mới. Qua nhiều đợt tập huấn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Thanh Hóa, nhà trường thường xuyên tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm cho đội ngũ về xây dựng câu hỏi theo cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Tuy vậy, với lượng thời gian còn hạn chế, cùng áp lực từ công tác chuyên môn, chủ nhiệm, hồ sơ cá nhân, giáo án, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghề nghiệp…, thầy cô phải cố gắng rất nhiều để tiếp cận chương trình và đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá…”, thầy Nguyễn Minh Đạo chia sẻ.
Lần đầu tiếp cận đề thi đổi mới là khó khăn không chỉ với học sinh mà cả giáo viên. Trước khó khăn này, cô Nguyễn Thị Diễm Trang - Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt (Vĩnh Long) cho biết, nhà trường đã chỉ đạo tổ chuyên môn xây dựng và áp dụng đề kiểm tra định kỳ các môn thi tốt nghiệp theo cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025.
Giáo viên được tập huấn phương pháp xây dựng đề kiểm tra, đánh giá; bảo đảm đủ kiến thức, kỹ năng hướng dẫn học sinh và xây dựng câu hỏi kiểm tra theo yêu cầu mới. Việc khai thác sử dụng phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi/đề thi theo cấu trúc định dạng mới được đẩy mạnh.
“Nhà trường quan tâm xây dựng ngân hàng câu hỏi, bài tập để phục vụ kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ theo yêu cầu đánh giá năng lực, góp phần nâng cao chất lượng Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đồng thời, thực hiện đối sánh kết quả giữa những kỳ kiểm tra của trường với kỳ kiểm tra do sở GD&ĐT tổ chức, làm cơ sở điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục”, cô Nguyễn Thị Diễm Trang cho hay.
Nâng cao chất lượng dạy học, ôn tập trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT là nhiệm vụ quan trọng, được các nhà trường lên kế hoạch, triển khai ngay từ đầu năm học. Chia sẻ kinh nghiệm của Trường THPT Võ Văn Kiệt, cô Nguyễn Thị Diễm Trang nhắc đến đầu tiên là việc tạo cơ hội để giáo viên học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp giảng dạy, ôn tập hiệu quả. Cùng đó, chú trọng đổi mới kiểm tra, đánh giá; thực hiện bài kiểm tra định kỳ theo định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025 để học sinh làm quen.
Phân tích kết quả các bài kiểm tra; đánh giá và theo dõi sự tiến bộ của trò để điều chỉnh phương pháp dạy học, cũng như hỗ trợ kịp thời. Các công cụ đánh giá trực tuyến được ứng dụng để theo dõi tiến độ học tập, phản hồi nhanh chóng cho học sinh; cung cấp tài liệu học tập và ôn luyện trực tuyến để các em có thể ôn mọi lúc, mọi nơi.
Nhà trường cũng chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức truyền thông, dạy học và ôn tập tốt cho học sinh, thông tin đến cha mẹ học sinh lớp 12. Cung cấp các buổi tư vấn và ôn tập, định hướng nghề nghiệp; đặc biệt các buổi hướng dẫn ôn thi, giúp học sinh làm quen với cách làm bài và quản lý thời gian trong kỳ thi.
Hàng loạt giải pháp nâng cao chất lượng công tác ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được Trường THPT Lam Kinh triển khai. Thầy Nguyễn Minh Đạo thông tin, nhà trường đã tổ chức nhiều đợt tập huấn cho giáo viên về cách thức ra đề thi theo cấu trúc định dạng mới. Công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát các hoạt động dạy học, ôn tập, kiểm tra, đánh giá của giáo viên được coi trọng. Đặc biệt, trường khai thác tối đa sức mạnh của công nghệ thông tin và trang thiết bị dạy học hiện đại.
Các tổ, nhóm chuyên môn của Trường THPT Lam Kinh đã phối hợp với ban chuyên môn xây dựng ngân hàng đề thi, tài liệu ôn tập của các bộ môn; triển khai các hướng dẫn và cung cấp tư liệu đến giáo viên, học sinh để có định hướng ôn tập. Tất cả thầy cô dạy bộ môn cũng thực hiện nghiêm công việc tổ chức ôn tập, ra đề kiểm tra, đánh giá theo hướng đổi mới.
Ngoài các kỳ khảo sát do sở GD&ĐT tổ chức, nhà trường cũng chủ động tổ chức khảo sát cho học sinh các khối. Đây là hoạt động định kỳ, được tổ chức vào thời điểm phù hợp với nội dung ôn tập của các bộ môn.
Qua đây, nhà trường kịp thời rút kinh nghiệm, điều chỉnh những hạn chế trong việc ôn tập cho học sinh; đồng thời tạo điều kiện cho học sinh, đặc biệt khối 12, được cọ xát, làm quen với hình thức thi và cấu trúc đề thi theo chương trình mới. Những hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả khảo sát được nhà trường tiến hành đồng hộ và tuân thủ quy trình chặt chẽ. Trường cũng quán triệt phương châm cần đổi mới quy chế kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo hướng công khai, dân chủ…
Trường THPT Đặng Trần Côn (Thừa Thiên Huế) cũng có những bước chuẩn bị từ sớm cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Từ thực tiễn giảng dạy, cô Nguyễn Thị Hồng Thúy - Tổ trưởng chuyên môn Tiếng Anh bày tỏ mong muốn: Chương trình GDPT 2018 sử dụng nhiều bộ SGK nên việc ra đề thi làm sao thống nhất về nội dung và có hướng dẫn cụ thể để các trường, giáo viên có định hướng dạy học, ôn tập.
Đồng thời, tiếp tục tổ chức tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm cho đội ngũ giáo viên trong xây dựng câu hỏi theo cấu trúc định dạng đề thi mới; nhất là Tin học, Công nghệ - những môn lần đầu trở thành môn thi tốt nghiệp THPT.