Dân Việt

Siêu thị, nông dân bắt tay đưa nông sản sạch, an toàn về TP.HCM

Hồng Phúc 29/09/2024 11:29 GMT+7
Các hệ thống siêu thị lớn nhất tại TP.HCM đang bắt tay để kiểm soát chất lượng hàng hóa. Ngoài ra, siêu thị cũng bắt tay nông dân để kiểm soát nguyên liệu. Mục tiêu cuối cùng là đưa những sản phẩm sạch, an toàn đến tay người tiêu dùng.

Đồng loạt triển khai chương trình “Tick xanh trách nhiệm”

Các hệ thống siêu thị lớn tại TP.HCM, gồm: Saigon Co.op, Satra, Aeon, MM Mega Market, Central Retail, Bách Hóa Xanh Wincomerce và Kingfood Market đang bắt tay nhau triển khai chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa.

Đây là chương trình được UBND TP.HCM, UBMTTQ Việt Nam TP.HCM phát động từ tháng 3/2024, nhằm định hướng hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm an toàn, bền vững với sự tham gia tự nguyện, tự giác, chủ động nâng cao trách nhiệm của các chủ thể trong chuỗi cung ứng; qua đó đáp ứng yêu cầu tiêu dùng nội địa, hướng đến xuất khẩu đến các thị trường khó tính.

Siêu thị, nông dân cùng bắt tay nhau để đưa nông sản sạch, an toàn về TP.HCM - Ảnh 1.

Người tiêu dùng mua rau xanh tại siêu thị Co.opmart Rạch Miễu, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc

Chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa đề cao tính trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào chuỗi cung ứng, vì vậy, chương trình còn được biết đến với tên gọi quen thuộc “Tick xanh trách nhiệm”.

Khi tham gia chương trình này, các nhà cung cấp tự giác nâng cao trách nhiệm, tự kiểm soát chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất, phát hiện và tự nguyện chia sẻ thông tin để ngăn chặn sản phẩm lỗi đến tay người tiêu dùng.

Các nhà bán lẻ sẽ cùng hành động, cùng ngăn chặn sản phẩm kém chất lượng, tự nguyện hợp tác hình thành hệ thống kiểm soát chất lượng tổng hợp; đồng thời ưu tiên phân phối sản phẩm “Tick xanh trách nhiệm”.

Về phía người tiêu dùng, người tiêu dùng phải có trách nhiệm giám sát, cảnh báo, chung tay ngăn chặn sản phẩm kém chất lượng; ưu tiên lựa chọn sản phẩm “Tick xanh trách nhiệm”.

Cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm quản lý và hỗ trợ các bên kiểm soát chất lượng hàng hóa; phát huy các giải pháp phòng ngừa chủ động.

Tăng cường liên kết

Theo ghi nhận, các nhà bán lẻ đều ủng hộ chương trình “Tick xanh trách nhiệm”. Sau khi tự nguyện tham gia, họ đã triển khai các nội dung với nhà cung cấp, đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Tại hội nghị sơ kết tháng triển khai Chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TP.HCM vừa diễn ra mới đây, bà Võ Thị Bích Thủy - Phó giám đốc phòng quản lý chất lượng Saigon Co.op, cho biết, chất lượng hàng hóa đầu vào được đơn vị thiết lập quy trình kiểm soát nghiêm ngặt, từ vùng nguyên liệu, sản xuất ở nhà máy cho đến quá trình lưu thông sản phẩm trong hệ thống.

Siêu thị, nông dân cùng bắt tay nhau để đưa nông sản sạch, an toàn về TP.HCM - Ảnh 2.

Bộ phận thu mua của Bách Hóa Xanh theo dõi và kiểm tra chất lượng nho Ninh Thuận khi đưa sản phẩm vào hệ thống. Ảnh: Hồng Phúc

Saigon Co.op cũng vừa ký kết với 17 nhà cung cấp vùng nguyên liệu giai đoạn 1, đến từ 6 tỉnh, thành, gồm: TP.HCM, Bình Dương, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Tiền Giang. Thời gian tới, Saigon Co.op có kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu giai đoạn 2 và 3 tại các tỉnh, thành còn lại trên cả nước.

Theo đại diện Saigon Co.op, quy hoạch vùng nguyên liệu sẽ mang đến tay khách hàng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng cao và giá cả hợp lý. Đồng thời, giúp nhà sản xuất, đặc biệt là nông dân ổn định đầu ra, tăng thu nhập và nâng cao đời sống.

Ông Vũ Dương Quân - Trưởng Ban quản lý hệ thống bán lẻ Satra cho biết, đơn vị đang khuyến khích các nhà cung cấp tự nguyện đăng ký tham gia chương trình "Tick xanh trách nhiệm" và hiện đã có 4 nhà cung cấp hưởng ứng.

Sắp tới, Satra sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền để các đơn vị, nhà cung cấp cùng tham gia nhiều hơn. Việc tham gia chương trình này cũng thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng và nâng cao ý thức sản xuất xanh gắn với bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, theo lý giải của các doanh nghiệp bán lẻ và hệ thống phân phối, do chương trình còn quá mới mẻ nên số lượng nhà cung cấp đăng ký tham gia chương trình còn khiêm tốn. Để gia tăng nhà cung cấp tham gia, trước tiên cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan để đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, từ đó tăng độ nhận biết của doanh nghiệp, người tiêu dùng về chương trình.

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, sắp tới Sở sẽ phối hợp các bên liên quan xây dựng hệ thống dữ liệu, tiêu chuẩn đánh giá và bộ tiêu chí dùng chung của tất cả đơn vị. Sở cũng sẽ thống nhất về chế tài đối với những vi phạm của các doanh nghiệp khi không đảm bảo chất lượng hàng hóa để tăng sức răn đe.