Theo phản ánh của người dân thôn Làng Má, hạ tầng điện lưới Quốc gia đã được đầu tư xây dựng cách đây hơn 10 năm, thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà sau khi hoàn thành xây dựng trạm biến áp và hệ thống đường dây tải điện 0,4kV xong, chủ đầu tư đến nay vẫn chưa bàn giao để cơ quan chuyên môn ngành điện quản lý. Bởi vậy, mỗi khi xảy ra sự cố hỏng hóc điện người dân gặp khó khăn, chỉ biết kêu "trời".
Những bất cập này được người dân thôn Làng Má và cả chính quyền địa phương kiến nghị nhiều lần trong các cuộc tiếp xúc cử tri của tổ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Tuy nhiên, việc này vẫn chưa được giải quyết.
Đặc biệt, hiện nay, nhiều hộ tại thôn Làng Má, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) đang gặp khó khăn khi sử dụng điện sinh hoạt qua hệ thống công tơ tổng và phải trả mức giá điện cao hơn so với mức giá quy định Nhà nước.
Tại thôn Làng Má, mặc dù đường dây điện 0,4kV được kéo về thôn rất lâu và đi qua trước cửa nhà mình, thế nhưng, hơn 10 năm nay, chị Chu Thị Thơm ở thôn Làng Má vẫn phải dùng điện sinh hoạt qua hệ thống công tơ tổng.
Chị Thơm cho hay, mỗi tháng gia đình chị dùng từ 200 đến 250 số điện, một số điện gia đình chị phải mua với giá hơn 3.000 đồng.
"Chính vì không được mua điện theo giá bán bậc thang theo quy định nên mỗi tháng gia đình tôi tiêu tốn mất một khoản tiền khá lớn so với mức sống ở nông thôn", chị Thơm chia sẻ.
Trong khi đó, theo Quyết định số 1062/QĐ-BCT quy định về giá bán điện thì mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Giá bán lẻ điện sinh hoạt được chia thành 6 bậc thang theo quy định hiện hành. Cụ thể từ 0-50 kWh giá bán 1.728 đồng; từ 51-100 kWh giá bán 1.786 đồng/kWh; từ 101 - 200 kWh giá bán 2.074 đồng/kWh; từ 201-300 kWh giá bán 2.612 đồng/kWh; từ 301-400 kWh giá bán 2.919 đồng và từ kWh thứ 401 trở lên giá bán 3.015 đồng.
Thôn Làng Má, xã Đạo Đức có tổng 149 hộ dân, người dân sống tập trung thành 3 nhóm hộ; trong thôn hiện có 8 công tơ tổng. Bình quân cứ 15 – 20 hộ dân lại phải dùng điện chung một công tơ tổng.
Vì vậy ngoài việc phải mua điện sinh hoạt với giá cao thì hệ thống đường dây điện được nối từ đường dây 0,4kV về đến từng hộ gia đình cũng chưa bảo đảm, nên việc hao tổn điện năng qua đường dây điện cũng khá lớn.
Ngoài ra, dây điện từ cột về đến nhà do người dân tự kéo nên kích cỡ, chủng loại cũng không giống nhau, điều này cũng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng truyền tải điện cũng như cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Ông Hoàng Văn Tuyến, Trưởng thôn Làng Má cho biết thêm, đường điện của thôn Làng Má xây dựng từ năm 2010, đến năm 2012 mới đưa vào sử dụng nhưng giá điện rất cao nên người dân cũng không dám sử dụng nhiều.
"Qua nhiều lần tiếp xúc cử tri, bà con nhân dân cũng đã có ý kiến đến xã, huyện nhưng cũng chưa được giải quyết. Chúng tôi mong muốn Nhà nước tạo điều kiện giúp bà con nhân dân được sử dụng điện theo giá điện Nhà nước để bà con yên tâm sản xuất", ông Tuyến nói.
Theo ghi nhận của Dân Việt, hiện nay, đường dây điện từ cột điện vào các hộ gia đình là do người dân tự đấu nối cho nên độ an toàn kỹ thuật chưa đảm bảo, việc kiểm tra, duy tu bảo dưỡng định kỳ cũng không được thực hiện thường xuyên nên nguy cơ cháy nổ, mất an toàn lưới điện rất cao.
Thêm nữa, theo phản ánh của bà con, khi người dân gặp sự cố về điện phải gọi nhân viên điện lực và phải chờ mất nhiều thời gian. Có hộ dân hỏng buổi tối thì đành phải chờ đến hôm sau mới có thợ đến sửa chữa.