Theo Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh có truyền thống văn hóa tốt đẹp, có di sản văn hóa lâu đời được giữ gìn và tiếp tục phát huy. Toàn tỉnh hiện có 57 di tích được xếp hạng (16 di tích cấp quốc gia và 41 di tích cấp tỉnh), có 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó 6 di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào DTTS (nghệ thuật Chầm riêng Chà pây; lễ hội Ok Om Bok; lễ hội Vu lan Thắng Hội; Nghệ thuật Rô băm, lễ hội Đom Lơng Neak Tà, nghề Dệt chiếu Cà Hom).
Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương; sự chủ động, tích cực tham mưu và tổ chức thực hiện của các ngành, các cấp; sự nỗ lực phấn đấu của Nhân dân trong việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách, dự án hỗ trợ đầu tư vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn đã mang lại hiệu quả thiết thực trên lĩnh vực văn hoá, du lịch.
Trà Vinh có vị trí địa lý khá đặc biệt khi nằm giữa sông Tiền và sông Hậu với nguồn tài nguyên du lịch rất phong phú, đa dạng. Toàn tỉnh có 143 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer, với các di tích lịch sử, kiến trúc, di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cùng với một số công trình, dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đã đưa vào hoạt động là tiềm năng, thế mạnh, điều kiện thuận lợi cho phát triển các loại hình du lịch như: tìm hiểu văn hóa dân tộc gắn với hoạt động lễ hội tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng gắn với tham quan thắng cảnh, du lịch miệt vườn sông nước gắn với trải nghiệm đời sống người dân vùng nông thôn...
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Trà Vinh đã nỗ lực triển khai dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch với kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2025 trên 48 tỷ đồng.
Theo đó, tỉnh đã và đang tập trung tổ chức triển khai thực hiện rất nhiều phần việc, chủ yếu như sưu tầm tư liệu di sản văn hóa truyền thống; xây dựng chính sách và hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người DTTS trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc.
Ngoài ra còn tổ chức truyền dạy văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một; xây dựng nội dung, xuất bản sách, đĩa phim tư liệu về văn hóa truyền thống cấp phát cho cộng đồng các DTTS; hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể; xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu; hỗ trợ đầu tư bảo tồn làng văn hóa du lịch để khai thác...
Thời gian qua, UBND tỉnh Trà Vinh đã xây dựng đề án xây dựng "Làng Văn hóa - Du lịch Khmer" và đang mời gọi đầu tư vào địa điểm này. Trà Vinh cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư vào du lịch sao cho khai thác tốt các điểm di tích, chùa Khmer tiêu biểu như: di tích Óc eo Lưu Cừ II, chùa Kom pong Chrây (chùa Hang), Chùa Phnô Đôn (chùa Cò), chùa Âng, chùa Kom pong (chùa Ông Mẹt), chùa Vàm Rây, chùa Kompong Thmo (chùa Lò Gạch),…
Theo Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, qua kết quả tổ chức triển khai thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp các DTTS gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh rút ra bài học kinh nghiệm như sau:
Thứ nhất, cần tăng cường tuyên truyền, quảng bá về các giá trị văn hóa truyền thống, hệ thống di sản văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các lễ hội, nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Chú trọng sử dụng nhiều phần mềm, công nghệ số, ứng dụng tiện ích thông minh để tạo nên nhiều sản phẩm dựa trên công nghệ thực tế ảo và các sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, kích thích sự tăng trưởng và phát triển du lịch bền vững.
Thứ hai, tăng cường nguồn lực bảo tồn, tôn tạo và khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc của tỉnh trong phát triển du lịch. Việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống trong hoạt động du lịch phải đảm bảo mục tiêu tăng trưởng gắn với bảo tồn, phát huy, lan tỏa giá trị của di tích, di sản và bảo vệ môi trường.
Thứ ba, có những định hướng, giải pháp phát triển phù hợp để khai thác hợp lý các tài nguyên hiện có. Tăng cường liên kết các tuyến điểm du lịch văn hóa, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, liên kết du lịch văn hóa với các loại hình du lịch khác và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
Thứ tư, tranh thủ các nguồn vốn từ ngân sách và các nguồn vốn xã hội hoá để trùng tu, tôn tạo các khu di tích lịch sử văn hoá, tổ chức lễ hội.
Thứ năm, chú trọng việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng. Cụ thể là phát triển các khu, cụm văn hoá du lịch như: Khu Ao Bà Om, khu du lịch biển Ba Động, các di tích nghệ thuật kiến trúc chùa Khmer, Bảo tàng văn hoá dân tộc Khmer, các điểm du lịch làng nghề.
Thứ sáu, sự tham gia vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch trong công tác định hướng phát triển du lịch theo tiềm năng, thế mạnh từng điểm du lịch hiện có gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp các DTTS.
Du lịch văn hóa là loại hình du lịch chủ yếu dựa vào những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể, đã trở thành một trong các loại hình du lịch hấp dẫn, đặc sắc nhất thu hút du khách trong và ngoài nước; nơi nào có tài nguyên về du lịch văn hóa phong phú, đa dạng, đặc sắc của các dân tộc thì nơi đó có ngành "công nghiệp không khói" phát triển mạnh. Do vậy, Trà Vinh cần phát huy tối đa tiềm năng lợi thế sẵn có về các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa để phát triển du lịch theo hướng du lịch xanh và bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, nhất là đồng bào các DTTS.