Dân Việt

Câu chuyện cũ, “bài toán” mới phòng, chống bạo lực học đường

Hồ Phúc 02/10/2024 06:37 GMT+7
Thời gian qua, nhiều vụ bạo lực học đường từ những mâu thuẫn nhỏ trong học tập, cuộc sống. Thực trạng này đòi hỏi giải pháp tháo gỡ mới.
Câu chuyện cũ, “bài toán” mới phòng, chống bạo lực học đường- Ảnh 1.

Phiên tòa giả định của Trường THCS - THPT Sương Nguyệt Anh (TPHCM) phối hợp tổ chức. Ảnh: NTCC

Cần lên án hành vi bạo lực

Thời gian gần đây, vấn đề bạo lực học đường lại bắt đầu “nóng” lên sau những vụ việc đánh nhau gây bức xúc trong dư luận. Đơn cử, ngày 20/9 vừa qua, một nam sinh lớp 11, Trường THPT Bù Đăng (Bình Phước) bị bạn cùng trường đánh hội đồng dẫn đến thương tích vùng mặt, chảy máu.

Nạn nhân được người dân đưa đến Trung tâm Y tế huyện cấp cứu rồi chuyển lên Bệnh viện tỉnh trong tình trạng đa chấn thương, gãy 4 chiếc răng, rách mí mắt, môi... Trước đó, ngày 16/9, mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh một nữ sinh lớp 7, Trường THCS Châu Văn Liêm (Hậu Giang) bị nhóm bạn cùng trường đánh hội đồng bằng mũ bảo hiểm vào đầu tại công viên khiến nữ sinh này phải nhập viện.

Cũng trong tháng 9, một clip lan truyền trên mạng xã hội cảnh học sinh đánh nhau ngay trước cổng Trường THPT Cà Mau (Cà Mau). Nguyên nhân do hiềm khích, mâu thuẫn lúc đá bóng…

Chia sẻ về những vụ việc bạo lực học đường trong thời gian qua, TS tâm lý Bùi Hồng Quân (Trường Đại học Sư phạm TPHCM) cho rằng, nguyên nhân khách quan do bạo lực trong xã hội có xu hướng gia tăng và ảnh hưởng đến nhận thức, hành vi của học sinh.

Khoa học đã chứng minh, nếu một người thường xuyên tiếp cận những hình thức và nội dung bạo lực, có thể sẽ ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi ở mức độ nhất định. Ngoài ra, một nguyên nhân chủ quan khác thuộc về bản thân học sinh. Bởi khi có mâu thuẫn nào đó xảy ra, các em thiếu kỹ năng dẫn đến không biết cách giải quyết kể cả những việc nhỏ. Từ đó bùng lên những mâu thuẫn lớn hơn và cuối cùng là bạo lực có thể xảy ra.

“Một số học sinh nhận thức về mức độ nguy hại của bạo lực học đường chưa tốt. Vì vậy khi xảy ra mâu thuẫn, không phải lúc nào các em cũng chọn giải pháp hòa bình hoặc trao đổi, tranh luận mà thông qua bạo lực để giải quyết vấn đề nhưng lại không kịp nghĩ đến hậu quả, hệ lụy. Trên thực tế, học sinh mâu thuẫn, xô xát nhau thì thời nào cũng có nhưng hiện nay chúng ta phải lên án hành vi bạo lực, vi phạm đạo đức và pháp luật”, TS Bùi Hồng Quân nhấn mạnh.

Câu chuyện cũ, “bài toán” mới phòng, chống bạo lực học đường- Ảnh 2.

Học sinh TPHCM tham gia phần thi trực tuyến trong hội thi “Nét đẹp trường em”. Ảnh: M.A

Ngăn bạo lực học đường từ không gian mạng

Để ngăn ngừa, phòng chống bạo lực học đường, thời gian qua ngành Giáo dục cũng như các trường học tại TPHCM luôn chú trọng công tác giáo dục ý thức đạo đức, lối sống văn hóa, định hướng cho học sinh hướng tới các giá trị cao đẹp dưới nhiều hình thức.

Chẳng hạn như, nhiều trường THPT tại TPHCM phối hợp Chi hội Luật sư (Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em thành phố) tổ chức phiên tòa giả định với chủ đề “Phòng, chống bạo lực học đường”. Những chương trình này nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của thanh, thiếu niên, hướng dẫn học sinh nhận biết các hành vi sai trái và quy định nghiêm minh của pháp luật.

Thầy Nguyễn Tấn Tài - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quang Khải (Quận 11) chia sẻ, học sinh bị bạo lực đôi khi xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ dẫn tới xích mích không đáng có, gây mất đoàn kết kèm theo hành vi lời nói bột phát, làm tổn thương tinh thần lẫn nhau. Nếu không ngăn chặn kịp thời, tình trạng này sẽ để lại hậu quả đáng tiếc. Đặc biệt, gần đây, tình trạng bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng khi học sinh sử dụng mạng xã hội,…

“Do đó, nhà trường luôn chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn học trò các kỹ năng giao tiếp, ứng xử, tôn trọng, đoàn kết với bạn bè, chấp hành tốt nội quy trường lớp, tránh xa bạo lực. Đồng thời nhắc nhở học sinh, nếu có vấn đề gì nên chia sẻ cùng bạn trong lớp, người thân và thầy cô để nhận được lời khuyên và giúp đỡ kịp thời.

Riêng việc tổ chức phiên tòa giả định trong năm học vừa qua đã mang đến cho các em hiểu biết về pháp luật, phòng tránh bạo lực, bảo vệ bản thân và xa hơn là xây dựng môi trường học đường an toàn, hạnh phúc”, thầy Tài nhấn mạnh.

Tại Trường THPT Thạnh Lộc (Quận 12), một trong những giải pháp để ngăn chặn bạo lực học là nghiêm cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học và giờ ra chơi. Thầy Hiệu trưởng Lương Văn Định chia sẻ: “Một trong những mục đích của việc cấm điện thoại từ năm học 2024 - 2025 là nhằm hạn chế thấp nhất những mặt tiêu cực gây ra đối với học sinh. Đồng thời, nhà trường tạo môi trường để các em vận động, tăng cường giao tiếp, kết nối, từ đó gắn kết tình bạn, hạn chế bạo lực học đường, xây dựng trường học hạnh phúc”.

Ở góc độ chuyên gia, TS Bùi Hồng Quân cho rằng, ngoài sự nỗ lực từ phía nhà trường, hơn ai hết, học sinh cần ý thức việc làm chủ bản thân. “Các em phải thường xuyên tự trau dồi và học hỏi những kỹ năng như: Giải quyết vấn đề, ứng phó với các tình huống nguy hiểm hay cảm xúc xã hội. Từ đó, mỗi người sẽ biết cách hóa giải mâu thuẫn trong các mối quan hệ bạn bè, đồng thời có được kỹ năng để bảo vệ bản thân cũng như lên tiếng trong trường hợp chứng kiến bạn bè bị bạo lực”, ông Quân nói.

Trước đó, năm học 2023 - 2024, Sở GD&ĐT TPHCM lần đầu tiên phát động hội thi “Nét đẹp trường em” nhằm trang bị kiến thức về văn hóa ứng xử trên không gian mạng và môi trường học đường. Bà Cao Thị Thiên Phúc - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TPHCM) cho biết:

“Hội thi góp phần trang bị kỹ năng phòng chống bạo lực học đường cho học sinh. Chẳng hạn, trong phần thi trực tuyến trên cổng thông tin điện tử, học sinh sẽ trả lời các câu hỏi liên quan giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống đẹp, thân thiện với môi trường; an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường và phổ biến giáo dục pháp luật, văn hóa ứng xử trong trường học, mối quan hệ giữa học sinh với bạn bè, thầy cô…”.