Dân Việt

Bổ nhiệm, thăng hạng chức danh nghề nghiệp: Lách qua khe cửa hẹp

Hà Nguyên 02/10/2024 10:51 GMT+7
Hướng dẫn của Bộ Nội vụ về xác định cơ cấu ngạch công chức và hạng chức danh nghề nghiệp viên chức có quy định tỷ lệ giáo viên xếp hạng I và II ở mỗi đơn vị.
img

Giờ học theo định hướng STEM của cô và trò Trường Tiểu học Phù Đổng (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Ảnh: NTCC

Điều này khiến nhiều người tâm tư bởi cùng khối lượng công việc, trình độ chuyên môn, thậm chí có thầy cô giành giải cao, sở hữu nhiều sáng kiến nhưng chưa đến lượt xét thăng hạng do hết chỉ tiêu.

Nơi xếp hàng chờ, nơi rộng cửa

Sau kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, THCS từ hạng III lên hạng II trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo công lập trực thuộc UBND quận Hải Châu năm 2024, cô Nguyễn Thị Huyền thay đổi hệ số lương từ 2,67 lên 4,0.

Vào ngành năm 2014, được phân công dạy học tại Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đến thời điểm tham gia kỳ thi xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, cô Huyền có một năm là giáo viên giỏi cấp quận, đoạt giải Khuyến khích cuộc thi thiết kế bài giảng E-learning cấp thành phố.

“So với nhiều đồng nghiệp các trường khác và ngay trong trường công tác, tôi thấy thành tích của mình rất khiêm tốn. Vì vậy, được trúng tuyển và thăng hạng từ hạng III lên hạng II sau 10 năm dạy học, với tôi là một điều may mắn”, cô Huyền chia sẻ.

Trường Tiểu học Lê Đình Chinh chưa đủ 50% giáo viên hạng II như trong xác định cơ cấu ngạch công chức và cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp. Vì vậy, dù có điểm hồ sơ là 100, điểm thành tích 0 điểm nhưng cô Huyền vẫn trúng tuyển kỳ thi xét thăng hạng.

Trong khi đó, Trường Tiểu học Núi Thành ở trong cùng quận, vì đã có 47% giáo viên hạng II nên trong số 12 người tham gia kỳ thi tuyển thì chỉ có 7 giáo viên trúng tuyển. Giáo viên xếp thứ 8 trong danh sách tham gia thi tuyển thăng hạng của Trường Tiểu học Núi Thành cũng có 9 điểm thành tích như giáo viên xếp vị trí thứ 7 nhưng lại không trúng tuyển do xét tiêu chí phụ, số năm công tác ít hơn.

Theo cô Trương Thị Nhã Trúc - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phù Đổng (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), tỷ lệ giáo viên hạng II của trường đã đạt 75%, vượt 25% so với cơ cấu quy định. Trong khi đó, năm 2024, có 12 giáo viên đủ điều kiện xét để chuyển từ hạng III lên hạng II. Như vậy, số giáo viên này, nếu vẫn tiếp tục công tác tại trường thì phải đợi có giáo viên chuyển trường, về hưu để tỷ lệ viên chức hạng II giảm dưới 50% mới có cơ hội.

Theo cô Trương Thị Nhã Trúc, năm 2025, trường có 2 giáo viên hạng II đến tuổi nghỉ hưu, năm 2026 sẽ có thêm 5 giáo viên nữa. Cộng số giáo viên hạng II nghỉ hưu của 2 năm tới thì tỷ lệ giáo viên hạng II của trường vẫn trên 50%, cao hơn so với quy định.

Quy định trên dẫn tới bất cập, những trường học đã đủ số giáo viên theo hạng thì những giáo viên đủ điều kiện thăng hạng, dù nỗ lực hơn vẫn không có cơ hội. Trong khi đó, có nơi do tỷ lệ % hạng chưa đủ nên chỉ cần lao động tiên tiến, giáo viên giỏi cấp trường vẫn được nâng hạng.

img

Giáo viên đạt giải tại Ngày hội Giao lưu giáo dục kỹ năng tham gia giao thông an toàn cấp tiểu học năm học 2023 - 2024 do Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng tổ chức. Ảnh: NTCC

Không nên quy định tỷ lệ

Năm 2024, Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) có 8 chỉ tiêu xét thăng hạng giáo viên lên hạng II. Trong khi đó, có 5 giáo viên đủ điều kiện thâm niên công tác 9 năm cùng với những tiêu chí khác. Thế nên, cả 5 trường hợp nộp hồ sơ đều trúng tuyển dù có người chỉ sở hữu 1 điểm thành tích.

Sang năm 2025, Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu có 8 giáo viên hạng III đủ điều kiện xét thăng hạng lên hạng II nhưng chỉ còn 2 chỉ tiêu. Cô Nguyễn Quỳnh Vân - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chỉ cách nhau một năm nhưng ‘bối cảnh’ tham gia thi xét thăng hạng của giáo viên cùng một đơn vị có sự khác biệt. Khi số chỉ tiêu ít hơn số người tham gia thi thì sự canh tranh trở nên căng thẳng hơn. Vì vậy, ngay đầu năm học, ban giám hiệu động viên 8 giáo viên sẽ tham gia xét thăng hạng phải phấn đấu và “bứt tốc’ rõ rệt thì mới có cơ hội chuyển hạng”.

Theo phân tích của cô Vân, với thi chuyển hạng từ hạng III lên hạng II, đôi khi giáo viên đáp ứng tất cả tiêu chí, từ thâm niên đến các thành tích dạy học, tức là có cả điều kiện cần và đủ nhưng vẫn phải xếp hàng qua cánh cửa hẹp do bị khống chế tỷ lệ.

“Thành ra, giáo viên có cảm giác tiêu chuẩn áp dụng cho trường này nhưng lại không đạt ở các trường khác chứ không phải tiêu chuẩn chung. Vì vậy, đội ngũ giáo viên mong mỏi có một tiêu chuẩn chung, có thể là nâng cao tiêu chuẩn so với yêu cầu hiện nay nhưng không nên quy định tỷ lệ để đảm bảo công bằng”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu đề xuất.

“Ngồi ở vị trí hội đồng thi xét thăng hạng giáo viên mới thấy, không phải thầy cô giáo nào cũng có xuất phát điểm tốt nghiệp sư phạm tiểu học và thi đỗ vào biên chế ngay sau khi tốt nghiệp. Với những trường hợp này, điều kiện 9 năm thâm niên sẽ rất thuận lợi. Nhưng giáo viên được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau, như cử nhân Sư phạm Toán, Lịch sử…

Rồi có giáo viên từng đi dạy ở các trung tâm vài năm hoặc hợp đồng hưởng lương ngân sách, trước đây còn có cả hợp đồng với các trường. Nên 9 năm thâm niên của nhiều đồng nghiệp cũng đầy khó khăn, trúc trắc và chỉ tính từ thời gian đóng bảo hiểm xã hội”, cô Quỳnh Vân nói và chia sẻ: Một số giáo viên Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu kiến nghị, đủ 9 năm thâm niên mới được tham gia xét thăng hạng là thời gian quá dài và mong có thể rút ngắn xuống.

Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Phù Đổng vẫn động viên thầy cô trẻ có thể lựa chọn thuyên chuyển về một số trường trên địa bàn có tỷ lệ giáo viên hạng II thấp để tăng cơ hội. Tuy nhiên, số giáo viên xin chuyển gần như không đáng kể.

“Chúng tôi động viên những giáo viên trẻ đã đủ điều kiện xét thăng hạng nhưng đang xếp hàng chờ rằng, thành tích trong dạy - học của các thầy cô vẫn được bảo lưu và cộng dồn trong hồ sơ xét nâng hạng. Vì vậy, sự nỗ lực trong tự nâng cao trình độ chuyên môn, kinh nghiệm dạy học thể hiện qua các cuộc thi nghề nghiệp… sẽ làm dày thêm thành tích của cá nhân và là lợi thế khi nhà trường có chỉ tiêu chứ không hề mất đi”, cô Nhã Trúc chia sẻ.

Ngoài thâm niên công tác thì điều kiện tham gia xét thăng hạng từ hạng II lên hạng I rất khó, có một số tiêu chí gần như giáo viên không đáp ứng được. Đơn cử như tiêu chí biên soạn một tài liệu, bài báo được sử dụng rộng rãi trong dạy - học.

Nhiều thầy cô chưa hề làm báo cáo viên cấp quận hay thành phố và không có cơ hội tham gia hội đồng xét tuyển viên chức cấp quận. Thế nên, dù tỷ lệ giáo viên hạng I là 10% trên mỗi đơn vị trường học nhưng số thầy cô giáo đáp ứng đủ các điều kiện để làm hồ sơ dự thi thì không phải trường nào cũng có. - Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh)