Tác phẩm Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân và phiên bản chuyển thể truyền hình đã trở thành huyền thoại trong lòng nhiều khán giả châu Á. Thế nhưng dù có "cày lại" bao nhiêu lần, trong bộ phim kinh điển này còn nhiều chi tiết mà nhiều người không lý giải được.
Như chúng ta đã biết, Tôn Ngộ Không có khả năng sử dụng cân đẩu vân, một lần lộn nhào là có thể đi xa vạn dặm, hơn nữa thời gian di chuyển chưa đến một phút. Đây là tốc độ mà tàu cao tốc, máy bay, tên lửa ngày nay không thể nào sánh bằng. Trong khi đó, Đường Tăng, sư phụ của Tôn Ngộ Không, lại phải vất vả đi bộ, lặn lội đường xa suốt 14 năm trời để đến Tây Thiên.
Một số khán giả sẽ đặt thắc mắc: Chỉ cần một lần sử dụng cân đẩu vân, 4 thầy trò Đường Tăng đã có thể đến ngay Tây Thiên, vậy tại sao Đường Tăng phải nhọc công đi bộ suốt 14 năm trời?
Sự thật là Tôn Ngộ Không không phải không muốn, mà là không thể làm như vậy!
Trong đại kiệt tác Tây Du Ký có chi tiết khi ở Đại Đường, Đường Tăng đã từng nói chuyến đi thỉnh kinh này nhất định phải dùng đôi chân của mình, từng bước một đi đến Tây Thiên, để chứng minh lòng thành kính của mình với Phật Tổ Như Lai. Phải trải qua đủ 81 kiếp nạn, thầy trò Đường Tăng mới có thể "tu thành chính quả".
Theo nguyên tác, Đường Tăng ban đầu là một môn đệ của Phật giáo. Do phạm phải lỗi lầm, ông bị giáng xuống trần thế và phải trải qua 10 kiếp nạn trước khi có thể trở về Linh Sơn. Trong hành trình tìm đến cõi Phật, Đường Tăng phải vượt qua rất nhiều thử thách khó khăn, từ bỏ lợi danh và những dục vọng trần tục.
Để có thể giác ngộ, Đường Tăng cần phải kiên trì tu tập, đối mặt và vượt qua những thử thách cam go của cuộc sống. Chỉ khi nào kiên nhẫn chịu đựng và vượt qua mọi khó khăn, ông mới có thể đạt được sự công nhận và giải thoát.
Hoàng đế Đường Thái Tông nghe xong rất vui mừng, sau đó liền ban cho ông một bản thông hành (giống như hộ chiếu ngày nay), thực chất là để giám sát Đường Tăng, xem ông có thực sự lăn lộn đường xa hay không. Vì vậy, việc dùng cân đẩu vân của Tôn Ngộ Không chở Đường Tăng cũng có một phần nguyên nhân là do đây.
Bên cạnh đó, tác giả còn lồng ghép một ý tứ sâu xa hơn nữa qua chi tiết này. Trong truyện, Trư Bát Giới từng nói như sau khi từ chối cõng Đường Tăng qua sông: "Nếu cõng người thường bay trên mây, ba thước cũng không thể rời khỏi mặt đất. Cõng người thường nặng như núi".
Phép thuật bay trên mây vốn là của thần tiên, cân đẩu vân của Tôn Ngộ Không dù thần thông đến đâu cũng không dành cho người thường. Đây là quy luật của tam giới, nếu cõng người thường thì người thường sẽ nặng như núi và việc này là không thể.
Tại sao lại như vậy? Bởi vì trên người thường quá "nặng", có quá nhiều thứ - quá nhiều dục vọng. Sở dĩ Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới trở thành thần tiên, có thể bay lượn là vì không được phép dính líu đến những thứ này. Vậy nên, dù có muốn họ cũng không thể cõng Đường Tăng qua sông, càng không thể cõng Đường Tăng đến Tây Thiên được.