Theo đó, trong quá trình kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực VHTTDL, Bộ đã phát hiện 1 nội dung trái pháp luật.
Chia sẻ với Dân Việt, ông Nguyễn Thanh Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL cho biết, thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thường xuyên chỉ đạo việc tăng cường tập trung hoàn thiện thể chế. Đặc biệt, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp qua việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương. Thực hiện những chỉ đạo đó, lãnh đạo Bộ VHTTDL đã chỉ đạo Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan thường xuyên rà soát, đánh giá lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
"Trong 9 tháng vừa qua, chúng tôi đã rà soát 475 văn bản quy phạm pháp luật của ngành, tìm ra những vướng mắc, khó khăn. Chúng tôi cũng đã kết hợp với Cục Kiểm tra văn bản pháp luật của Bộ Tư pháp, cũng như tổ công tác do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tiến hành rà soát những văn bản đang gây vướng mắc, khó khăn. Qua rà soát, chúng tôi nhận thấy có Thông tư 01 ban hành năm 2018, hướng dẫn chi tiết thực thi Nghị định 113 về thẩm quyền cấp phép đối với công trình mỹ thuật ngoài trời và thẩm quyền cấp phép là UBND cấp tỉnh và cơ quan là chuyên môn là Sở VHTTDL địa phương.
Theo Nghị định 113, thẩm quyền cấp phép đối với công trình mỹ thuật ngoài trời là UBND tỉnh. Tuy nhiên, trong Thông tin lại "mạnh dạn" ghi luôn là UBND tỉnh phân cấp cho Sở VHTTDL địa phương để thực hiện việc cấp phép.
Qua rà soát, chúng tôi nhận thấy, việc phân cấp được ghi rõ trong Thông tư như vậy chưa đồng bộ với các quy định của chính quyền địa phương.
Để giải quyết việc này, chúng tôi đã phối hợp với Cục Kiểm tra văn bản pháp luật thống nhất báo cáo với các cấp có thẩm quyền và đang tiến hành báo cáo Bộ trưởng để trong quá trình xây dựng Thông tư về việc bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật của ngành VHTTDL năm 2024, sẽ đưa vào Khoản 2 Điều 9 nội dung liên quan đến thẩm quyền cấp phép công trình mỹ thuật ngoài trời trong nội dung mà thông tư bãi bỏ.
Việc này cũng là việc bình thường, vì khi chúng ta xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thì phải thường xuyên rà soát, đánh giá để phù hợp với thực tiễn đời sống. Tinh thần là tăng cường phân cấp phân quyền và tháo gỡ điểm nghẽn".
Theo Bộ VHTTDL, trong 3 tháng của Quý III/2024, Bộ đã hoàn thiện hồ sơ Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và các dự thảo văn bản quy định chi tiết Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); hồ sơ dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Xây dựng hồ sơ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 54/2019/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.
Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 13/6/2024 phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 991/QĐ-TTg ngày 16/9/2024 phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới.
Xây dựng kế hoạch triển khai Quyết định số 509/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045. Ban hành Quyết định phê duyệt Đề án "Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch"; Kế hoạch tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW và tình hình thi hành thực hiện Luật Du lịch 2017; quyết định sáp nhập Tạp chí Du lịch vào Trung tâm Thông tin Du lịch; quyết định thành lập tổ giúp việc Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch.
Ở lĩnh vực văn hóa – gia đình, Bộ VHTTDL đã trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng 3 di tích quốc gia đặc biệt đợt 15; phê duyệt 1 Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và kiến trúc - nghệ thuật quốc gia đặc biệt tháp Bình Sơn, thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Quyết định đưa 18 di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tổ chức đợt phim kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt chủ đề "Bản hùng ca bất diệt", Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và Kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam tại Quảng Trị; Liên hoan Kịch nói toàn quốc - 2024;
Cuộc thi Tài năng Xiếc toàn quốc - 2024; Liên hoan Múa quốc tế - 2024; Trại sáng tác cho các tác giả viết kịch bản văn học năm 2024. Tổ chức: Triển lãm tranh, sản phẩm sơn mài Việt Nam tại Pháp; Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh của các tác giả được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng nhà nước năm 2023. Tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 với chủ đề "Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng".