Dân Việt

Cục trưởng Cục Điện ảnh nói rõ lí do "Bà già đi bụi" không được phát hành như "Đào, Phở và Piano"

Tuệ Lâm 04/10/2024 08:17 GMT+7
Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, "Bà già đi bụi" - phim sử dụng ngân sách nhà nước đầu tiên phải thông qua đấu thầu sẽ không được phát hành như "Đào, Phở và Piano".

"Bà già đi bụi" là phim sử dụng ngân sách nhà nước đầu tiên thông qua đấu thầu

Tại buổi họp báo thường kỳ Quý III của Bộ VHTTDL, trả lời câu hỏi của Dân Việt về quy trình đấu thầu và những khó khăn gặp phải khi bắt tay vào sản xuất phim "Bà già đi bụi" – bộ phim sử dụng ngân sách nhà nước đầu tiên thông qua đấu thầu, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, theo Luật Điện ảnh 2022, những bộ phim về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, lãnh tụ, miền núi dân tộc... được ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện phim mà không cần qua đấu thầu.

Cục trưởng Cục Điện ảnh “kêu trời” vụ phim sản xuất bằng ngân sách nhà nước phải đấu thầu kịch bản  - Ảnh 1.

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh chia sẻ tại họp báo. Ảnh: HTL

Các đề tài khác như: ca ngợi vẻ đẹp đất nước, quảng bá văn hóa, ngợi ca tình gia đình… đều phải thực hiện đấu thầu. Phim "Bà già đi bụi" thuộc đề tài gia đình nên bắt buộc phải trải qua quá trình đấu thầu theo quy định 32 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, quá trình này gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…

"Trong điện ảnh, kịch bản và nhà sản xuất luôn phải đi liền với nhau. Không thể lấy kịch bản của đơn vị này ra đấu thầu rồi giao kịch bản này cho một đơn vị khác thực hiện. Việc này chỉ khả thi khi chúng ta có ngân hàng kịch bản do nhà nước đầu tư, do nhà nước sở hữu. Tuy nhiên, tôi cho rằng chúng ta sẽ không bao giờ có ngân hàng kịch bản thuộc sở hữu của nhà nước.

Bộ phim "Bà già đi bụi" được ra mắt và công chiếu hôm 27/9 nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn và truyền thông. Nhiều người trong ê-kíp sản xuất rất vui mừng về điều này. Nhưng với những người làm quản lý điện ảnh như chúng tôi thì đó mới chỉ là một chút thở phào nhẹ nhõm, vì thực tế là chúng tôi đã phải đối diện với không biết bao nhiêu khó khăn để có được bộ phim này", ông Vi Kiến Thành nói.

Nói về kế hoạch phát hành "Bà già đi bụi" với Dân Việt, Cục trưởng Cục Điện ảnh khẳng định, bộ phim này sẽ có số phận như các phim sử dụng ngân sách nhà nước trước đó - chỉ đưa vào chiếu miễn phí trong các tuần phim, liên hoan phim (LHP)... Việc công chiếu rộng rãi để có doanh thu như "Đào, phở và piano" có lẽ sẽ không xảy ra.

"Phim "Đào, Phở và Piano" được chiếu rộng rãi các rạp là do Bộ VHTTDL cho phát hành thí điểm đối với phim sử dụng ngân sách nhà nước để đo lường mức độ doanh thu. Trước đây, phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" có doanh thu rất tốt (60 tỷ đồng) nhưng đấy là phim nhà nước và tư nhân cùng làm, kết hợp công - tư, hiện nay không cho phép hình thức này", Cục trưởng Cục Điện ảnh cho hay.

Ông Vi Kiến Thành cho biết thêm, đợt thực hiện phát hành thí điểm phim "Đào, Phở và Piano" thu được 23 tỷ đồng. Phim này cùng với "Hồng Hà nữ sĩ" và 4 phim hoạt hình khác thu khoảng 2 tỷ đồng. Đây là liều thuốc "kích thích" cho các nhà làm phim phía Bắc, cho thấy phim hay, hấp dẫn vẫn có doanh thu dù kinh phí đầu tư của nhà nước thấp. Tuy nhiên, đợt thí điểm cũng cho thấy lỗ hổng trong việc làm phim nhà nước đặt hàng, khi chưa có quy định về phát hành và phổ biến phim.

"Việc phát hành rộng rãi rất khó bởi chúng ta chưa có quy định cụ thể. Cục Điện ảnh đã đề xuất xây dựng quy định phát hành phim sử dụng ngân sách Nhà nước", ông Vi Kiến Thành bày tỏ.

Phim dự thi quốc tế bắt buộc phải có giấy phép phân loại phim

Tại sự kiện này, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành giải thích về trường hợp các phim tham dự các Liên hoan phim quốc tế nhưng chưa có giấy phép phát hành. Theo đó, Luật Điện ảnh 2022 quy định, tất cả các bộ phim mang đi dự các Liên hoan phim quốc tế bắt buộc phải có giấy phép phân loại phim, nếu không giấy phép mà vẫn mang phim đi dự thi là phạm luật. Khi phát hiện phim vi phạm, Cục Điện ảnh sẽ báo cáo Thanh tra Bộ VHTTDL, báo cáo Đại sứ quán quốc gia tổ chức liên hoan phim đó để dừng công chiếu phim.

Cục trưởng Cục Điện ảnh “kêu trời” vụ phim sản xuất bằng ngân sách nhà nước phải đấu thầu kịch bản  - Ảnh 2.

Toàn cảnh buổi họp báo thường kỳ Quý III của Bộ VHTTDL. Ảnh: HTL

Thời gian vừa qua có một số bộ phim được chọn vào danh sách hoặc được mời tham gia Liên hoan phim quốc tế. Một số phim khi vừa xong khâu sản xuất đã được chọn vào các Liên hoan phim quốc tế, lúc đó nhà sản xuất đồng thời gửi hồ sơ xin giấy phép đến Cục Điện ảnh. Theo đó, song song với thời gian xem, chấm phim ở Liên hoan phim quốc tế, các thủ tục phân loại phim trong nước dần được hoàn thành…

Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, thời gian qua không có trường hợp phim Việt Nam được chiếu tại các Liên hoan phim quốc tế mà không có giấy phép.

Trước đó, vào ngày 12/4, phim "Viet and Nam" (tựa Việt: Trong lòng đất) chưa được cấp phép nhưng dự Liên hoan phim Cannes 2024 ở hạng mục Un certain regard (Nhãn quan độc đáo).

Đây không phải phim điện ảnh đầu tiên dính ồn ào liên quan đến giấy phép phổ biến phim.

Năm 2019, nhà sản xuất bộ phim "Ròm" của đạo diễn Trần Thanh Huy cũng bị phạt 40 triệu đồng vì tham dự Liên hoan phim quốc tế Busan khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép phổ biến. Tác phẩm cũng đoạt giải New Currents - một trong những giải thưởng quan trọng tại sự kiện này - sau đó được chỉnh sửa và ra rạp Việt Nam.