Dân Việt

Nghệ sĩ Nhân dân duy nhất Việt Nam là Anh hùng Lao động, cháu ruột của Tổng Bí thư Trần Phú

Tuệ Lâm 04/10/2024 14:00 GMT+7
GS.TS.Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thu Hà là nghệ sĩ duy nhất được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Bà đồng thời là con gái của nhà cách mạng Trần Ngọc Danh, gọi cố Tổng Bí thư Trần Phú là bác ruột.

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thu Hà là cháu ruột của cố Tổng Bí thư Trần Phú

Trong làng nghệ phía Bắc và phía Nam, có rất nhiều gia đình nối tiếp nhau theo nghệ thuật. Đời ông bà, cha mẹ rồi đến đời con cháu đều theo đuổi nghệ thuật. Tiêu biểu như gia đình Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Duy Hiển – người có công sáng lập nên ngành xiếc Việt Nam, có tới 4 thế hệ tiếp nối nhau cùng theo ngành xiếc.

Nghệ sĩ Nhân dân duy nhất Việt Nam là Anh hùng Lao động, cháu ruột của Tổng Bí thư Trần Phú  - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Nhân dân Thái Thị Liên cùng các con Trần Thu Hà, Đặng Thái Sơn và Trần Thanh Bình. Ảnh: FBNV

Tuy nhiên, hiếm có gia đình nào như gia đình Nghệ sĩ Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân Thái Thị Liên – mẹ ruột của GS.TS, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thu Hà – nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn. Cả mẹ và các con đều là những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực âm nhạc, có rất nhiều đóng góp cho nền nghệ thuật và đào tạo nghệ thuật của nước nhà.

Nghệ sĩ Nhân dân Thái Thị Liên là một trong những nữ danh cầm đầu tiên của Việt Nam, tiên phong đồng sáng lập trường Trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Bà đồng thời là thầy của rất nhiều nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng.

GS.TS, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thu Hà (tên đầy đủ là Trần Bạch Thu Hà) là con gái đầu lòng của Nghệ sĩ Nhân dân Thái Thị Liên và nhà cách mạng Trần Ngọc Danh (em trai của Tổng Bí thư Trần Phú). Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thu Hà gọi Tổng Bí thư Trần Phú là bác ruột. Dù sinh ra ở Praha (Tiệp Khắc) nhưng trong lý lịch của Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thu Hà, phần quê quán vẫn ghi là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Nghệ sĩ Nhân dân duy nhất Việt Nam là Anh hùng Lao động, cháu ruột của Tổng Bí thư Trần Phú  - Ảnh 2.

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thu Hà được xem là "huyền thoại sống" của ngành piano Việt Nam. Ảnh: FBNV

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thu Hà sinh năm 1949. Lên 2 tuổi, bà theo bố mẹ về sống ở chiến khu Việt Bắc. Năm 1969, bà được tuyển chọn đi du học đại học ngành âm nhạc tại Kiev trong 6 năm. Sau 8 năm về nước làm việc, năm 1984, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thu Hà lại được trở lại Liên Xô làm nghiên cứu sinh và nhận bằng Tiến sĩ Âm nhạc tại Nhạc viện Tchaikovski, Moskv.

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thu Hà từng tâm sự rằng: "Thế hệ chúng tôi không có nhiều điều kiện thuận lợi như các bạn trẻ bây giờ. Khi đất nước còn chiến tranh, tôi cũng không được ở gần bố mẹ để có điều kiện học tập. Sau này trở về Hà Nội, được chạm tay vào cây đàn tôi vô cùng thích thú, say mê.

Thuận lợi khi có mẹ là người hướng dẫn, chỉ bảo nhưng trong điều kiện hạn chế về cơ sở vật chất, việc học đàn cũng phải tranh thủ. May mắn là mẹ tôi vừa hoạt động biểu diễn, vừa giảng dạy nên được nhà trường cho mượn đàn để dạy học tại nhà. Thời gian để tôi luyện tập cũng không nhiều, nhưng mỗi lần tập tôi rất tập trung, nếu có sai sót thì được mẹ "chấn chỉnh" ngay.

Đến bậc Trung cấp thì chúng tôi phải đi sơ tán. Không như các nhạc cụ khác dễ di chuyển, cây đàn piano thường to, cồng kềnh. Thế mà khi chúng tôi đến sơ tán ở Bắc Giang, người dân địa phương vẫn đồng ý cho đặt đàn piano trong nhà. Nhưng bản thân cây đàn piano có âm lượng to, tần suất làm việc từ sáng đến tối, thực sự ảnh hưởng đến sinh hoạt của mọi người.

Nghệ sĩ Nhân dân duy nhất Việt Nam là Anh hùng Lao động, cháu ruột của Tổng Bí thư Trần Phú  - Ảnh 3.
Nghệ sĩ Nhân dân duy nhất Việt Nam là Anh hùng Lao động, cháu ruột của Tổng Bí thư Trần Phú  - Ảnh 4.

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thu Hà là tiền bối, là cô giáo của rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Ảnh: FBNV

Ban ngày cũng phải nghe tiếng máy bay nữa chứ. Vì thế, một thời gian sau, nhà trường quyết định di chuyển khoa Piano ra ngoài, đào hầm xa khu vực nhà dân để học. Tôi vẫn nhớ hồi ấy chúng tôi thường học dưới ánh đèn dầu, tất cả giáo trình đều phải chép tay. Tôi khâm phục Nhà nước mình trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt, có những cái rất cấp thiết, giữa ranh giới giữa sự sống và cái chết nhưng vẫn cố gắng duy trì công việc đào tạo về âm nhạc.

Từ thời mẹ tôi và các thế hệ giảng viên trước tôi như PGS.TS Nguyễn Hữu Tuấn, Nhà giáo ưu tú Trần Thanh Thảo đã làm những tuyển tập tác phẩm âm nhạc Việt Nam viết cho piano, chủ yếu dành cho cấp học sơ, trung. Còn tôi chủ yếu biên soạn những tác phẩm lớn dành cho cấp đại học và cao học, chia ra làm 3 tập. Hiện tại, tuyển tập này đã được lưu hành nội bộ, phục vụ cho việc giảng dạy, còn việc phổ cập ra ngoài cần thêm một thời gian nữa".

Nghệ sĩ nhân dân duy nhất làng âm nhạc được phong Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thu Hà có hơn 60 năm học và dạy piano chuyên nghiệp. Bà được xem như một "huyền thoại sống" của ngành piano Việt Nam. Dưới sự giảng dạy và dìu dắt của bà, nhiều người đã trở thành những nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng như: Nguyễn Hoàng Phương - giải Nhất cuộc thi tài năng trẻ dương cầm quốc tế năm 1999 tại Nhật Bản; Trần Thái Linh (piano) đoạt giải Nhất đồng đội tại cuộc thi hòa tấu kèn - piano châu Á tổ chức tại Thái Lan năm 2005; Lưu Hồng Quang đoạt giải đặc biệt trong cuộc thi piano mang tên Chopin Châu Á năm 2006 và giải 3 ở bảng C dành cho thí sinh lứa tuổi 16 đến 19 trong cuộc thi piano quốc tế tại Italy...

Nghệ sĩ Nhân dân duy nhất Việt Nam là Anh hùng Lao động, cháu ruột của Tổng Bí thư Trần Phú  - Ảnh 5.

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thu Hà là vợ của Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên. Ảnh: FBNV

Với những cống hiến miệt mài, tâm huyết trên cả ba lĩnh vực: đào tạo, biểu diễn và quản lý, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thu Hà được phong danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, Huy chương Vì sự nghiệp Âm nhạc Việt Nam.

Một điều rất đặc biệt nữa đó là bà có em trai cùng mẹ khác cha là nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn – Nghệ sĩ Nhân dân trẻ nhất khi được trao tặng danh hiệu khi mới 26 tuổi, là niềm tự hào của nền âm nhạc Việt Nam. Chồng bà là GS. Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên – nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin, bố của nhạc sĩ Quốc Trung, thầy của rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi.

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thu Hà từng tâm sự: "Tôi may mắn là một trong số những người ở thế hệ đầu được đào tạo bài bản về piano cổ điển tại nước ngoài nên khi về nước, được trường giao nhiệm vụ giảng dạy piano, rồi sau này lên làm quản lý, tôi thấy đó là trách nhiệm và vinh dự của mình.

Mong ước của tôi là làm một người thầy về nghệ thuật, cũng là nối nghiệp truyền thống gia đình. Xuất phát điểm là một nhà giáo, tôi luôn xác định rõ, quản lý chỉ là công việc trong một giai đoạn nhất thời còn dạy học, ươm mầm tài năng âm nhạc mới là đam mê mà suốt cả cuộc đời tôi theo đuổi. Vì thế, dù bận đến đâu, tôi cũng chưa một ngày từ bỏ công việc giảng dạy, trau dồi chuyên môn.

Nghệ sĩ Nhân dân duy nhất Việt Nam là Anh hùng Lao động, cháu ruột của Tổng Bí thư Trần Phú  - Ảnh 6.

Cả cuộc đời Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thu Hà đều dành hết cho giảng dạy và biểu diễn âm nhạc. Ảnh: FBNV

Trước đây, giờ hành chính tôi làm công tác quản lý còn dạy chuyên môn sẽ vào đầu giờ sáng từ 7h đến 8h30, sau 5h chiều hoặc những ngày cuối tuần. Buổi tối, tôi dành thời gian tham gia quản lý các chương trình biểu diễn của trường hay nghiên cứu khoa học. Nếu có chương trình tôi tham gia biểu diễn thì sẽ tập đàn sau 12h đêm hoặc buổi trưa.

Lịch thường xuyên kín đặc nhưng lao động trong ngành nghệ thuật ngoài sự vất vả còn có đam mê, niềm yêu thích nên mọi việc cứ thế cuốn mình đi không biết mệt mỏi.

Có một thầy giáo người Nga đã chia sẻ với tôi: "Không phải cứ chơi đàn hay là dạy đàn giỏi mà cần phải có quá trình." Giống như người thầy thuốc làm sao xác định được thể trạng, sức khỏe của bệnh nhân để kê đơn bốc thuốc, lên phác đồ điều trị chuẩn xác.

Nghề dạy nhạc cũng vậy, tôi thường đánh giá những ưu điểm và hạn chế của học trò để từ đó lựa chọn những giải pháp phù hợp nhất cho các em. Đó cũng là cái nhạy cảm, kinh nghiệm của người thầy được tôi rèn qua năm tháng".