Dân Việt

Rốn phồng to như trứng gà vì bệnh nguy hiểm

Diệu Linh 06/10/2024 09:06 GMT+7
Bỗng nhiên thấy rốn lồi to, tăng kích thước khi gắng sức, bệnh nhân đi khám được biết mình bị thoát vị rốn nguy hiểm.

Tin từ Bệnh viện đa khoa Quảng Ninh cho biết, các bác sĩ vừa tiến hành phẫu thuật thành công một ca thoát vị rốn với kỹ thuật mới ít biến chứng. 

Bệnh nhân là bà Nguyễn Thị Ph. (68 tuổi, trú tại TP.Cẩm Phả, Quảng Ninh). Người bệnh đến khám trong tình trạng khối lồi vùng rốn kích thước khoảng 2cm, phình to hơn khi gắng sức. 

Qua thăm khám và siêu âm cho thấy hình ảnh một phần ruột chui qua khe rốn, đường kính cổ túi thoát vị 7mm. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị thoát vị rốn, nguy cơ gây ra các biến chứng nguy hiểm như tắc nghẽn hoặc hoại tử ruột. 

Đánh giá bệnh nhân thể trạng béo phì, nặng 85kg, thành bụng mỡ dày, rất khó khăn nếu mổ mở, vì vậy các bác sĩ đã quyết định sử dụng kỹ thuật eTEP để tiến hành phẫu thuật.

img

Kíp bác sĩ khoa Ngoại thực hiện phẫu thuật eTEP cho bệnh nhân Ph. Ảnh BVCC

Kíp mổ khoa Ngoại do bác sĩ Phạm Việt Hùng, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh phối hợp với các bác sĩ trong khoa thực hiện. 

Qua vết rạch nhỏ thành bụng, phẫu thuật viên đưa dụng cụ nội soi qua các trocar để tạo khoang trong thành bụng, tiến hành gỡ túi thoát vị khỏi rốn và đưa tạng thoát vị là mạc nối trở về ổ bụng, lỗ thoát vị được khâu vá lại và đặt hai tấm lưới nhân tạo kích thước 20 x 30cm trong khoang ngoài phúc mạc để gia cố thành bụng, ngăn ngừa tái phát. 

Ca mổ diễn ra thành công sau 2 tiếng phẫu thuật. Sau mổ bệnh nhân hầu như không đau sau mổ, khối lồi ở vùng rốn không còn, sức khỏe hồi phục tốt, đi lại sinh hoạt bình thường và ra viện sau 2 ngày.

Bác sĩ Hùng, cho biết, thoát vị trong ổ bụng là tình trạng một phần của cơ quan hoặc mô trong cơ thể thoát ra khỏi vị trí bình thường qua các điểm yếu hoặc lỗ hổng trên thành cơ hoặc màng bao quanh. 

img

Phẫu thuật viên ghép lưới nhân tạo để đặt trong khoang ngoài phúc mạc. Ảnh BVCC

Thoát vị thường xuất hiện ở các khu vực yếu như vùng thành bụng, bẹn, cơ hoành, rốn hoặc vị trí từng bị tổn thương sau mổ.

Phẫu thuật là phương pháp duy nhất để điều trị căn bệnh này, trong đó thoát vị thành bụng là một bệnh lý khá thường gặp và đây là một thách thức đối với các phẫu thuật viên trong việc sửa chữa vì tính chất phức tạp.

Theo bác sĩ Hùng, với phương pháp phẫu thuật nội soi hoàn toàn ngoài phúc mạc mở rộng trường quan sát (eTEP) như hiện nay sẽ giúp phẫu thuật viên dễ dàng hơn trong việc xử lý các loại thoát vị bẹn khó. 

Tại Việt Nam, phương pháp này mới chỉ được áp dụng ở một số trung tâm lớn ở TP.Hồ Chí Minh, Huế và Hà Nội thời gian gần đây.

Điểm đặc biệt của kỹ thuật này là mở rộng trường quan sát, giúp bác sĩ có cái nhìn rõ ràng và chi tiết hơn về các mô và cơ quan xung quanh khu vực bị thoát vị. 

Điều này rất quan trọng trong việc xử lý các trường hợp thoát vị phức tạp và nguy hiểm, có đủ không gian để khâu đóng lỗ thoát vị chắc chắn cũng như đặt tấm lưới rộng nhất giúp cho hạn chế tái phát.

img

Kíp mổ triển khai kỹ thuật eTEP. Ảnh BVCC

 “So với các phương pháp phẫu thuật truyền thống, kỹ thuật eTEP mang lai nhiều ưu điểm do kỹ thuật này mở rộng trường quan sát linh động nên giúp chúng tôi dễ dàng thao tác ngay đặt lưới cả trong trường hợp thoát vị phức tạp, giảm nguy cơ tổn thương khoang phúc mạc, hạn chế tình trạng nhiễm trùng và nguy cơ dính ruột sau phẫu thuật. 

eTEP giúp người bệnh ít đau đớn, mau phục hồi nhanh chóng, hạn chế nguy cơ tái phát, tính thẩm mỹ cao. Đặc biệt chi phí điều trị thấp hơn so với các kỹ thuật nội soi ít xâm lấn tiên tiến khác do không mất nhiều chi phí vào vật tư y tế", bác sĩ Hùng chia sẻ.