Chiều qua (4/10), cuốn sách “Cầu Long Biên - Cây cầu huyền thoại” được ra mắt nhân dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô. Nội dung cuốn sách được tuyển chọn từ nhiều bài viết của các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau với mong muốn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị đặc biệt của cầu Long Biên, để di sản này mãi được trường tồn.
Theo kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Nga, cầu Long Biên - cây cầu lịch sử đã hơn 120 tuổi, vắt qua ba thế kỷ đầy thử thách của thời gian, thiên tai và địch họa… Cây cầu là chứng nhân lịch sử của một thời bom đạn cho tới ngày đất nước được hòa bình; là gạch nối quá khứ, hiện tại và tương lai, nối các thế hệ, nối các dòng nghệ thuật, nối Việt Nam với Pháp và nối Việt Nam với thế giới.
Cầu Long Biên được hoàn thành sau tháp Eiffel của Pháp hơn 10 năm, dài bằng đại lộ Champs Elysee và là cây cầu lớn nhất nhì thế giới lúc bấy giờ. Cầu Long Biên đưa Hà Nội qua một bước ngoặt mới vì đã thay đổi giao thông từ đường sông sang đường bộ, góp phần tạo nên diện mạo đô thị của Thủ đô văn hiến như ngày hôm nay…
Nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết, ngay từ khi cầu Long Biên còn là một ý tưởng để kết nối giao thông, dễ dàng khai thác thuộc địa, ông Paul Doumer - Toàn quyền Đông Dương (từ năm 1897 đến năm 1902) đã vấp phải rất nhiều những phản ứng dữ dội từ chính đồng bào và cả những thuộc cấp của ông. Bởi, họ cho rằng đó là một ý tưởng điên rồ.
“Khi cây cầu được bắc ngang sông Hồng, nó được coi là một trong những cây cầu hùng vĩ nhất và có kỹ thuật cao siêu nhất của trong khu vực. Cây cầu ấy đã tồn tại cho đến ngày hôm nay, vắt qua ba thế kỷ, giữa những tác động của thiên nhiên, của xã hội, của chiến tranh.
Trong lịch sử, cầu Thành Thái (cầu Tràng Tiền) đã bị cuốn đi sau trận lũ năm 1904 và gần đây nhất, chúng ta được chứng kiến vụ sập cầu Phong Châu thì thấy rõ sự nghiệt ngã của thiên nhiên như thế nào. Thế nhưng cầu Long Biên vẫn trụ vững được”, nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ.
Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ thêm: “Đành rằng, cầu Long Biên ra đời trong chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, nhưng cũng mang lại sự thay đổi to lớn cho đất nước ta. Người ta cho rằng, sau khi cầu Long Biên được xây dựng thì dân số Hà Nội tăng lên nhanh. Dù thời điểm ấy không còn là kinh đô nhưng Hà Nội vẫn giữ một vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ là cái nôi của nền văn hiến mà còn là nguồn lực phát triển của đất nước”.
Tại buổi ra mắt sách “Cầu Long Biên - Cây cầu huyền thoại”, các khách mời nhắc lại về “chiến công vang dội” của cầu Long Biên. Ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước chia sẻ: “Chúng ta nói về cầu Long Biên huyền thoại. Bản thân nó cũng chỉ là một cây cầu và không thể làm hơn được gì khác. Nhưng cây cầu trở thành huyền thoại bởi nó là nhân chứng, được chứng kiến những con người huyền thoại, làm nên những sự kiện lịch sử huyền thoại cho một dân tộc, đất nước Việt Nam huyền thoại”.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, năm 1954, cầu Long Biên là địa điểm ta và Pháp bắt tay nhau để chia tay, đánh dấu sự kết thúc, rút quân của Pháp ra khỏi Hà Nội: “Một sự kiện mà chúng ta ít nhớ tới, trong khi quân Pháp rút ra khỏi Hà Nội trên cầu Long Biên, có một người Pháp khác đi về phía ngược lại, đó là ông Jean Sainteny (Tổng đại diện của Chính phủ Cộng hòa Pháp bên cạnh Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Ông kể trong nhật ký rằng, ông đi ngược lại cây cầu ấy và đến Phủ Toàn quyền Đông Dương (nay là Phủ Chủ tịch) thì thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng sẵn ở cửa và dang đôi bàn tay ra nói rằng, ta và Pháp bấy giờ hãy hợp tác với nhau đi. Cầu Long Biên khi ấy lại là cây cầu của tình hữu nghị dân tộc”.
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhắc lại về những dấu vết thời gian mà cầu Long Biên đã trải qua: “Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, quân và dân ta trở về tiếp quản Thủ đô. Sau đó, chúng ta lại tập trung xây dựng và phát triển Thủ đô, cây cầu Long Biên trở thành điểm kết nối hai đầu dòng sông Hồng. Quan trọng nhất, chúng ta phải nhắc tới 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội năm 1972. 12 ngày đêm ấy, cầu Long Biên bị giặc Mỹ ném bom tới 14 lần và đích thực là một chứng tích lịch sử cho cuộc chiến ác liệt ấy”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc tiết lộ thêm: "Đâu phải tới 12 ngày đêm lịch sử đó, từ năm 1967, những quả bom đầu tiên đã được ném xuống, những nhịp cầu đầu tiên đã bị tổn thương". Cây cầu Long Biên tồn tại bất chấp những bão tố, lũ lụt và kể cả… sự vô tâm, lãng quên của chúng ta.
“Cây cầu bây giờ đã mọt, nhưng chưa bao giờ được đặt lên những hồ sơ văn hóa để trở thành di sản. Cây cầu hiện nay vẫn còn thuộc Bộ Giao thông vận tải. Hằng ngày, nó vẫn phải kẽo kẹt trên lưng từng chuyến tàu chở hàng nặng nề và người ta chỉ nghĩ đến chuyện bỏ nó đi thôi, xây cầu khác hoành tráng hơn…”, ông Dương Trung Quốc bộc bạch.
KTS Nguyễn Nga xúc động khi nhắc lại câu chuyện về hành trình 17 năm nỗ lực bảo tồn, tôn tạo và phát triển cầu Long Biên. Trong đó, có 2 lần bà Nga đã phải cứu cây cầu huyền thoại.
Vào năm 2007, sau khi thực hiện một số dự án với nguồn tài trợ từ nghị định thư Pháp - Việt, KTS Nguyễn Nga quyết định thành lập Ngôi nhà nghệ thuật (Maison des Arts) tại 31A Văn Miếu, Hà Nội. Một lãnh đạo thuộc Cơ quan Phát triển Kinh tế Pháp (AFD) đã đến gặp bà và chia sẻ: "Sau các chuyến thăm Việt Nam của hai Tổng thống Pháp, François Mitterrand và Jacques Chirac, phía Pháp đã đề xuất hỗ trợ Việt Nam khoản ODA trị giá 60 triệu euro để cải tạo cầu Long Biên, nhưng gần 6 năm trôi qua vẫn chưa nhận được phản hồi từ Việt Nam".
Khi tham gia dự án, bà Nga phát hiện rằng, từ năm 2006 đã có quyết định tháo dỡ cầu Long Biên. Lo lắng về việc làm sao để giữ lại cây cầu, bà nảy ra ý tưởng kêu gọi sự tham gia của cộng đồng quốc tế bằng cách tổ chức lễ hội 100 năm ký ức cầu Long Biên, được UBND TP. Hà Nội ủng hộ.
Để chuẩn bị cho lễ hội, KTS Nguyễn Nga đã vận động giới văn nghệ sĩ đóng góp 100 bức tranh về cầu Long Biên, 1.000 bức ảnh cùng hơn 20 loại hình nghệ thuật khác nhau. Lễ hội kéo dài hai ngày, thu hút hàng chục nghìn người tham dự và để lại dấu ấn lớn trong sự kiện kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vào năm 2010.
Từ 2007 đến nay, KTS Nguyễn Nga đã có 17 năm theo đuổi Dự án bảo tồn, cải tạo và phát triển cầu Long Biên.
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng tiết lộ thêm: “Chị Nguyễn Nga đã có một lá thư rất tâm huyết và chúng tôi cũng rất đồng tình với lá thư ấy để gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Tôi cho rằng, lá thư ấy sẽ đến tay Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Paris bởi đồng chí Tô Lâm sẽ tới Paris để tham dự một hội nghị. Chị Nguyễn Nga sẽ đến tham dự và trình lên bức thư ấy. Trước đây, Thủ tướng các lãnh đạo Trung ương cũng hết sức quan tâm tới cây cầu Long Biên lịch sử này”.
Tài liệu của Cục Văn thư lưu trữ nhà nước có ghi, trong cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ở miền Bắc (1965-1972), cầu Long Biên bị ném bom 14 lần, làm 1.500m cầu, 9 nhịp và 4 trụ cầu bị hư hỏng nặng. Để bảo vệ cầu, bộ đội công binh, phòng không Việt Nam và dân quân tự vệ Hà Nội đã xây dựng nhiều trận địa pháo phòng không, có trận địa cao 11,5m, trên bãi cát nổi giữa sông Hồng (còn gọi là bãi giữa).
Trên những điểm cao ở cầu thép Long Biên, bộ đội phòng không đã xây dựng trận địa pháo 14 ly 5, ngày đêm túc trực để đánh trả máy bay Mỹ, bảo vệ tuyến đường huyết mạch nối Hà Nội với bờ Bắc sông Hồng. Những đoạn cầu bị bom Mỹ ném bom hỏng nhanh chóng được quân dân Hà Nội sửa chữa để đảm bảo giao thông.
"Đây là cây cầu duy nhất trên thế giới đã được biến thành những điểm cao ngay trên thành cầu, trở thành những ụ pháo cao xạ, để chống trả lại lực lượng không quân Mỹ và đã rất thành công", tài liệu ghi.